Nông dân Lê Trì áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, việc chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp, với việc đưa vào canh tác các giống lúa triển vọng, đã mang lại những thay đổi tích cực cho nông dân xã Lê Trì (Tri Tôn).

Nâng cao chất lượng cây lúa

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp, nhưng thời gian qua, nhiều hộ nông dân xã Lê Trì đã tích cực học tập, nghiên cứu, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Từ đó, tư duy sản xuất của nông dân dần được thay đổi. Nông hộ tiếp cận được kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.

Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học- kỹ thuật đã giúp gia tăng năng suất lúa

Anh Chau Phô (sinh năm 1990, ngụ ấp Trung An, xã Lê Trì) là một trong những điển hình. Anh Phô cho biết, với việc ứng dụng chương trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, kết hợp sử dụng giống lúa chất lượng cao và áp dụng KHKT đã giúp hạ giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập gia đình. “Qua nhiều cuộc hội thảo, tập huấn tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức về KHKT, như: cải tạo đất, sử dụng lúa xác nhận, bón phân chuyên dùng... Nhờ vậy, việc canh tác lúa có nhiều chuyển biến, kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt. Hiện nay, gia đình tôi sản xuất nông nghiệp với diện tích khoảng 4ha. Mỗi năm, từ việc canh tác lúa, áp dụng các biện pháp KHKT đã giúp gia đình thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm, từ nguồn thu nhập trên, gia đình tôi đã ổn định phần nào cuộc sống” - anh Phô chia sẻ.

Còn anh Chau Húch (ấp Sóc Tức) cho biết: “Việc áp dụng canh tác đúng kỹ thuật đã giúp gia đình tôi tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất như: giảm lượng lúa gieo sạ, tiết kiệm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như công lao động... Nhờ vậy, lợi nhuận hàng năm của gia đình đạt khoảng 240 triệu đồng. Hiện nay, ngoài canh tác lúa, gia đình còn chăn nuôi và phục vụ thêm dịch vụ nông nghiệp” - anh Húch bộc bạch.

Hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học- kỹ thuật

Thời gian qua, ngoài việc vận động người dân cải tạo vườn tạp kém hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, địa phương phối hợp các ngành chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao KHKT để giúp nông dân tăng năng suất, thu nhập, tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, xã còn xây dựng nhiều mô hình đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân. Trong đó nổi bật là các mô hình: trồng thanh long ruột đỏ tại vùng đất bạc màu ven chân núi; mô hình mè, đậu xanh trên đất ruộng trên kém hiệu quả; mô hình trồng đậu nành rau; trồng mãng cầu Hoàng Hậu; nuôi gà an toàn sinh học, nuôi heo rừng, nuôi thỏ...

Theo Hội Nông dân xã Lê Trì, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp thời gian gần đây được nông dân đặc biệt quan tâm, vì quyết định đến năng suất của từng loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu KHKT quy trình canh tác tiên tiến, an toàn, thân thiện với môi trường... từ đó hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

ĐÌNH ĐỨC

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/nong-dan-le-tri-ap-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-san-xuat-nong-nghiep-a239195.html