Nông dân lao đao vì thương lái 'lật kèo' bỏ lúa

Gần 20 ngày qua, nhiều nông dân ở xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười như ngồi trên đống lửa bởi lúa đã thu hoạch xong nhưng thương lái thì lại biệt tăm, không chịu thanh toán tiền. Trên 230 tấn lúa của 30 hộ dân, tổng giá trị trên 1 tỷ đồng bị thương lái bỏ lại.

Anh Lý Văn Mẫn (bìa phải) cùng bà con nông dân đang cố gắng liên lạc với thương lái

Anh Lý Văn Mẫn (bìa phải) cùng bà con nông dân đang cố gắng liên lạc với thương lái

Trò chuyện với chúng tôi trên cánh đồng chuẩn bị gieo sạ vụ mùa mới, anh Phan Văn Sang ngụ ấp 1, xã Thạnh Lợi, 1 trong số 30 nông dân bị thương lái bỏ lúa lại ngậm ngùi: “Đến mùa vụ mới thì phải xuống giống theo người ta chứ chưa biết vụ lúa tới đây sẽ thế nào, riêng vụ lúa này, bà con nản quá. Ba tháng ròng làm quần quật, chỉ mong tới ngày bán lúa để có tiền xoay sở nhưng giờ thu hoạch đã gần 20 ngày, “cò”, lái cũng im bặt. Những năm trước tại xã Thạnh Lợi chưa từng xảy ra những trường hợp thương lái “bỏ của chạy lấy người” như thế này. Có chăng lúa sụt thì thương lái năn nỉ kêu chủ ruộng sụt vài trăm đồng/kg chứ đâu đến nỗi không có tiền trả rồi bỏ lúa luôn”.

Theo chia sẻ của bà con nông dân, những năm trước đây, năm nào lúa cũng được bán trước chừng 20 ngày cho “cò lúa”, năm nay cũng không ngoại lệ. Trước khi lúa thu hoạch khoảng 20 ngày, “cò” lúa tên Định (người địa phương) thỏa thuận mua gần 50ha lúa của người dân với giá 5.100 đồng/kg, đặt cọc 200.000 đồng/công (1.300m2). Đến ngày thu hoạch, do giá lúa sụt, nông dân đồng ý giảm 200 - 300 đồng/kg so với giá thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên khi lúa vác xuống ghe, nông dân mới “té ngửa” vì thương lái không có tiền thanh toán. Chủ ruộng không cho ghe đi và báo với UBND xã Thạnh Lợi.

Ghe lúa đã được sấy khô nhưng thương lái vẫn biệt tăm

Anh Lý Văn Mẫn ngụ ấp 1, xã Thạnh Lợi cho hay: Cắt lúa xuống ghe cả tuần nhưng thương lái cứ hẹn lần hẹn lượt không chịu thanh toán tiền, nông dân nóng ruột quá mới nhờ chính quyền hỗ trợ đem lúa lên nhà máy ở tận huyện Tân Hồng để sấy khô. Cả lô lúa khoảng 230 tấn, chúng tôi mang về 1 ghe khoảng trên 70 tấn, số còn lại không có ghe chở về nên còn gửi lại tại nhà máy. Lúa thì thương lái không chịu lấy, bán ra thì thương lái không cho vì nói đã đặt tiền cọc rồi. Nông dân rất lo lắng bởi lúa càng để lâu, bảo quản không tốt chất lượng sẽ giảm, khi đó lại bị mất giá. Giờ người dân chỉ còn biết nhờ chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ để nông dân sớm bán được lúa”.

Về hướng giải quyết vấn đề này, ông Đoàn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười thông tin, sau khi được người dân báo về tình hình thương lái không thu mua lúa theo hợp đồng, UBND xã Thạnh Lợi đã cử một số cán bộ chuyên trách xuống địa bàn tìm hiểu. Đồng thời, địa phương cũng liên hệ Công ty Lương thực Tân Hồng, huyện Tân Hồng hỗ trợ sấy lúa cho nông dân để đảm bảo chất lượng hạt gạo. Ngoài ra, nhằm giải quyết rốt ráo vấn đề này, địa phương đã có buổi làm việc với thương lái mua lúa và người dân, theo đó, thương lái thỏa thuận sẽ chi trả tiền lúa dứt điểm cho người nông dân trong ngày 8/6/2019. Trường hợp sau ngày 8/6, nếu thương lái không thực hiện đúng cam kết thì người dân có thể bán lúa ra bên ngoài.

Trong trường hợp nếu thương lái làm khó thì UBND xã sẵn sàng cử lực lượng chuyên trách hỗ trợ nông dân bán lúa được thuận lợi. Đối với lực lượng “cò” địa phương, sẽ có biện pháp chấn chỉnh việc buôn bán không tuân thủ theo hợp đồng tại địa phương trong thời gian tới. Về lâu dài, UBND xã Thạnh Lợi sẽ vận động người dân tham gia vào hợp tác xã để liên kết trong sản xuất, vật tư đầu vào cũng như ký kết bao tiêu hoặc bán lúa với các doanh nghiệp uy tín. Tránh tình trạng bán qua “cò lúa” nhiều bấp bênh.

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/nong-dan-lao-dao-vi-thuong-lai-lat-keo-bo-lua-84904.aspx