Nông dân khốn đốn vì doanh nghiệp xả thải

Cơ sở chế biến nông sản thực phẩm Khang Lộc (ngụ ấp Thuận Tiến C, xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) xả thải ra bên ngoài làm hơn 2km tuyến kênh Múc Chuồng bốc mùi hôi thối, dòng nước đen kịt.

3 héc ta cam sành của ông Mừng bị rụng trái do thiếu nước

3 héc ta cam sành của ông Mừng bị rụng trái do thiếu nước

Mấy ngày qua, người dân sinh sống dọc theo tuyến kênh Múc Chuồng, xã Thuận An, thị xã Bình Minh vô cùng bức xúc vì cơ sở Khang Lộc khi hoạt động xả thải ra bên ngoài gây tình trạng nước kênh ô nhiễm nặng. Trong khi đó, khu vực này có hơn 30 hộ dân sinh sống và gần 100 héc ta vườn cây ăn trái, hoa màu các loại đang trong giai đoạn thu hoạch.

Ông Trần Văn Mừng (49 tuổi) cho biết, cách đây 10 ngày nước ở kênh này đen ngòm kéo dài hơn 1 cây số làm cho 3 héc ta cam sành đang cho trái rơi vào tình trạng thiếu nước tưới.“Hiện tôi không dám bơm nước vào vườn nhưng do cam vừa mới bón phân, thời tiết nắng nóng làm vườn cam khô cằn buộc lòng tôi đợi nước lũ về để bơm nước vào. Tuy nhiên, tưới được một vài ngày, cam bắt đầu xào lá, rụng trái khiến tôi đứng ngồi không yên” - ông Mừng nói.

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên, ông Mừng cho rằng chính cơ sở Khang Lộc xả thải, ông cho biết, vườn cam rộng 3 hécta được ông thuê đất trồng hơn 2 năm nay. Lúc đầu, khi chọn khu vực này trồng cam là do gần kênh, không khí ở đây trong lành không bị ô nhiễm nên ông quyết định thuê. “Tổng chi phí đầu tư vào vườn cam đến thời điểm này gần 3 tỷ đồng, còn khoảng một tháng là tới ngày thu hoạch, ước tính gần 300 tấn nhưng hiện nay vườn cam rụng trái, thất thu 30%. Nếu như tình trạng này kéo dài thì toàn lộ vốn liếng đứng trước nguy cơ mất trắng” - ông Mừng than thở.

Vườn hoa màu của ông Lê Tấn Màng (57 tuổi) gần đó cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Màng cho biết, 2.500m2 đất trồng rau, nguồn nước tưới chủ yếu được bơm trực tiếp từ con kênh này. “Tôi tưới được vài lần thì thấy cây cải có biểu hiện rụng lá, từ từ chết sạch. Chi phí đầu tư cả trăm triệu đồng thu hoạch được một lần rồi mất trắng”, ông Mạng chia sẻ.

Ngày 18/10, trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Thành Đến, Phó chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết: Sau khi người dân phản ánh, xã có cử cán bộ chuyên môn cùng lãnh đạo UBND xã xuống khảo sát thực tế thì đúng là nước thải của công ty này.

“UBND xã báo cáo về UBND thị xã Bình Minh. Lãnh đạo thị xã cũng xuống làm việc với doanh nghiệp này và đề nghị: tạm ngừng hoạt động và chấm dứt xả thải ra môi trường. Yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện các hệ thống xử lí về môi trường. Sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận đủ bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn thì mới tiếp tục hoạt động” - ông Đến thông tin.

Phó chủ tịch xã cho biết thêm, cách đây đây hơn 2 tháng, UBND thị xã Bình Minh cũng đã từng ra quyết định xử phạt doanh nghiệp này với số tiền 20 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường vì đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp không khắc phục và vẫn tái phạm.Được biết, doanh nghiệp này được tỉnh cấp giấy phép hoạt xây dựng và đi vào hoạt động hơn 1 năm nay, với số lượng công nhân trên 100 công nhân.

Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nong-dan-khon-don-vi-doanh-nghiep-xa-thai-1477118.tpo