Nông dân khởi nghiệp

Ðã có sự thay đổi trong tư duy của người nông dân, thay vì 'làm rau quanh năm vất vả, ngơi tay là hết tiền', giờ đây không ít người lựa chọn thay đổi thói quen canh tác, học hỏi kinh doanh. Người dân đổi đời, làng rau đổi vận là thế!

Ông Nguyễn Mạnh Hồng (bên phải) nông dân tiêu biểu của xã Yên Mỹ giới thiệu về mô hình trồng rau an toàn của hộ gia đình.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng (bên phải) nông dân tiêu biểu của xã Yên Mỹ giới thiệu về mô hình trồng rau an toàn của hộ gia đình.

Ðã có sự thay đổi trong tư duy của người nông dân, thay vì "làm rau quanh năm vất vả, ngơi tay là hết tiền", giờ đây không ít người lựa chọn thay đổi thói quen canh tác, học hỏi kinh doanh. Người dân đổi đời, làng rau đổi vận là thế!

Sức thuyết phục của tư duy mới

"Vựa rau này khác rất nhiều so với hơn chục năm trước", ông Nguyễn Mạnh Hồng - nông dân tiêu biểu của xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) tự hào chỉ ra khu sản xuất rau an toàn (RAT) của xã đang phát triển tốt, cho thu hoạch giá cao. "Tất cả cũng nhờ tư duy "khởi nghiệp" của người dân. Tư duy ấy mới được vài năm chứ mấy", ông Hồng cười. Hòa vào câu chuyện, lão nông Nguyễn Văn Bẩy nói, "tư duy" cũ chỉ phù hợp cảnh sản xuất nhỏ lẻ, đem đi bán rong ngoài chợ, vừa vất vả lợi nhuận lại thấp.

Phải nói là, tư duy muốn "cựa quậy, bứt phá" ấy đã nhen lên từ năm 2012, cùng với việc nhân rộng một số mô hình rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều người làm rau "sạch thật sự" nhưng không có đầu ra, vẫn phải chở đi bán bằng các xe thồ rong ngoài chợ cóc, chợ tạm. Năm 2015, như nhiều người dân chia sẻ, việc sản xuất và tiêu thụ rau sạch của bà con gặp vô vàn khó khăn. Có hộ chán, lại quay lại làm theo cách truyền thống.

Năm 2016, huyện Thanh Trì triển khai Ðề án "Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của vùng sản xuất RAT tập trung giai đoạn 2016 - 2021". Theo đó, huyện chọn hai xã Yên Mỹ và Duyên Hà tập trung sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với mục tiêu đạt 70 ha; năng suất rau đạt 400 tạ/ha/năm. Giá trị sản xuất đạt 600 - 700 triệu đồng/ha/năm. Diện tích áp dụng công nghệ cao của hai xã đạt hơn 20 ha; 80% sản lượng rau được gắn thương hiệu có liên kết tiêu thụ sản phẩm qua tổ chức kinh tế; bố trí hai điểm trưng bày, giới thiệu và cung ứng nông sản an toàn có kiểm soát của huyện.

Chung tay với huyện, bà con nông dân, những hộ tham gia vào các đội sản xuất tích cực hơn từ khâu học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật đến hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Riêng xã Yên Mỹ hiện có 95 hộ xã viên ở sáu đội sản xuất tham gia mô hình với tổng diện tích hơn 15 ha RAT. Hiện sản lượng tiêu thụ của vùng trồng rau thực hiện mô hình liên kết ổn định ở mức hai tấn rau/ngày. Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh chia sẻ: "Từ khi phát triển vùng RAT, rau thủy canh... cho thu nhập ổn định, đến nay số hộ nghèo trong xã chỉ còn 0,91%, các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới đều được duy trì và nâng cao. Xã có nhiều hộ sản xuất giỏi như hộ ông Nguyễn Văn Thành, hộ bà Khúc Thị Kim Dung…".

Trở lại làng rau Vân Nội (Ðông Anh, Hà Nội), chúng tôi bất ngờ về những thay đổi rõ nét của một vùng quê. Người dân nói với nhau, rau sạch "đuổi" cái nghèo đi. Từ tham gia sản xuất rau sạch, người dân nhanh nhạy tổ chức "chào hàng" tại các siêu thị, bếp ăn tập thể trong các nhà trường, khu công nghiệp. Nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký kết giúp sản lượng rau trung bình cung ứng ra thị trường vào khoảng 60 tấn/ngày. Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ba Chữ xã Vân Nội, cho biết, HTX có 150 thành viên, chuyên sản xuất các loại rau ăn lá. Với nhiệm vụ vừa kinh doanh, vừa liên kết sản xuất, tiêu thụ RAT với các đơn vị và trường học trên địa bàn, từ khi thành lập đến nay, chúng tôi nhận được sự hợp tác rất lớn, từ đó đã giúp bà con an tâm hăng hái đầu tư sản xuất.

Xây dựng thương hiệu cho rau

Ông Nguyễn Mạnh Hồng được coi là "đầu tàu" ở làng rau Yên Mỹ. Sau khi được tiếp nhận là mô hình điểm của huyện Thanh Trì, ông và một số người dân tiêu biểu ở Yên Mỹ được đưa đi tham quan mô hình tại Ðà Lạt (Lâm Ðồng) và một vài địa phương. Sau thời gian học hỏi miệt mài, ông Hồng đã có lưng vốn kiến thức về trồng trọt, nhất là rau thủy canh, nên quyết tâm thuê 5.000 m2 đất ở Yên Mỹ để canh tác. Từ giữa năm 2017, ông hoàn thành sơ bộ cơ sở hạ tầng và phần nhà kính với 2.600 m2. Ðể khép kín mô hình trồng rau chất lượng cao, ông đã thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Ðức Phát, với bảy thành viên tham gia. Thời gian cho thu hoạch bình quân rau có lá (rau muống, rau cải) khoảng 25 ngày, mỗi năm cho thu từ 12-15 lứa rau các loại. Hiện nay, sản phẩm rau của HTX cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện và thành phố, mỗi năm cho thu nhập khoảng một tỷ đồng. "Từ sản xuất nhỏ lẻ bước vào làm kỹ thuật, theo công nghệ là một sự thay đổi mạnh mẽ, đòi hỏi người dân phải nâng tầm một bước, đúng với nghĩa là khởi nghiệp. Nếu dám làm thì người dân có thể giàu có".

Ngoại thành Hà Nội còn một số làng rau nổi tiếng như Tân Minh (huyện Thường Tín), Tráng Việt và Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), Văn Ðức (Gia Lâm)… đã khắc phục được việc sản xuất nhỏ lẻ. Nhờ triển khai dồn điền đổi thửa, đầu tư công nghệ để sản xuất, đời sống kinh tế của họ đã thay đổi rõ nét. Ðặc biệt, làng rau Văn Ðức là nơi có nhiều loại rau đạt tiêu chuẩn bốn sao theo chương trình OCOP. Ðây cũng là ngôi làng có nhiều tranh tường thể hiện đời sống, sinh hoạt của người trồng rau, được đông đảo bạn trẻ đến "săn" ảnh. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rau Văn Ðức cho hay: "Xưa là làng rau truyền thống, nay người dân chúng tôi đã biết làm giàu bằng thương hiệu. Thương hiệu đó được bảo đảm bằng chất lượng, sản xuất đúng quy trình. Hiện trung bình mỗi ngày chúng tôi cung cấp ra thị trường 40 đến 50 tấn rau các loại".

HẢI MIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/nong-dan-khoi-nghiep-631978/