Nông dân 'khóc' với giá nông sản

Người nông dân Gia Lai đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà-phê, điều, cao su... xuống giá kỷ lục. Không ít gia đình trước là đại gia hồ tiêu giờ đang đối mặt với nguy cơ trắng tay, sạt nghiệp. Các loại nông sản khác cũng rơi vào điệp khúc được mùa, rớt giá.

Người nông dân Gia Lai đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các loại cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà-phê, điều, cao su... xuống giá kỷ lục. Không ít gia đình trước là đại gia hồ tiêu giờ đang đối mặt với nguy cơ trắng tay, sạt nghiệp. Các loại nông sản khác cũng rơi vào điệp khúc được mùa, rớt giá.

Khoai lang Nhật chất đống chờ thương lái trong vô vọng.

Khoai lang Nhật chất đống chờ thương lái trong vô vọng.

Khoai lang, cà-phê rớt giá thê thảm

Sau những đợt bội thu từ khoai lang Nhật thì năm nay người dân ở H.Phú Thiện (Gia Lai) đang rầu rĩ vì khoai lang rớt giá thê thảm. Hơn 600ha khoai đang trong thời điểm thu hoạch nhưng không tìm ra thương lái mua với số lượng lớn, chưa kể giá xuống khiến người trồng khoai đối mặt với nguy cơ lỗ vốn nặng. Đa phần diện tích này tập trung chủ yếu ở các xã Ia Sol và Chư A Thai. Chỉ thời gian trước, giá khoai lang Nhật với giá cao điểm là 14.000 đồng/kg nhưng hiện chỉ từ 1.500 - 5.000 đồng tùy loại. Hàng nghìn tấn khoai lang của nông dân vẫn phơi trên đồng hoặc thu hoạch cầm chừng vì giá thấp. Tính trừ đi chi phí, nhân công, người trồng khoai chẳng buồn ra đồng. Ông Nguyễn Văn Luận (trú địa phương) cho biết, mỗi héc-ta khoai lang đầu tư từ 50-60 triệu đồng, nếu thuê đất thì phải tốn chi phí gần cả trăm triệu đồng/ha/vụ. Với năng suất bình quân của khoai lang Nhật từ 15-30 tấn tùy vào thổ nhưỡng và chăm sóc thì nông dân trúng lớn với mức giá cao như những năm trước. "Năm nay nhà tôi trồng 2ha, thu hoạch khoảng 30 tấn, giờ giá xuống thấp quá, tìm thương lái đến mua đỏ mắt vẫn không có. Trong khi năm trước, chưa đến vụ thu hoạch đã có nhiều thương lái đến đặt cọc. Giờ bỏ ngoài đồng hay thu hoạch về cũng lo lắm vì khoai dễ hỏng. Năm nay chắc lỗ nặng chú ạ!", ông Luận buồn bã.

Trong khi đó, với giá cả như hiện nay, thương lái cũng rơi vào tình trạng thua lỗ. Anh Hoàng Văn Giang, một thương lái thu mua khoai lang Nhật cho biết: "Năm ngoái, khi giá cao, chúng tôi tranh nhau đặt mua khoai, thậm chí đặt cọc nửa tiền. Bây giờ giá xuống thấp quá chúng tôi cũng lỗ vốn nặng nề. Tôi cũng đã đặt gần 1 tỷ đồng mua 20ha khoai nhưng đến giờ giá xuống thế này khiến nguy cơ mất trắng tiền đặt cọc vì mua vào như cam kết ban đầu". Điều lo ngại chính là giá khoai lang Nhật trong 3 năm gần đây luôn có giá cao, nông dân ở H. Phú Thiện đã chuyển đổi trồng loại cây này khá nhiều. Dù chi phí đầu tư cao nhưng bà con vẫn trồng theo kiểu "phong trào" mà không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cụ thể. Thế nên câu chuyện giá cả bấp bênh khiến người trồng khoai lang lỗ nặng là hậu quả nhãn tiền.

Một loại cây trồng chủ lực khác của Tây Nguyên là cà-phê cũng rơi vào tình trạng mất mùa, rớt giá. Niên vụ cà-phê 2018-2019, do thời tiết biến động thất thường, mưa kéo dài khiến cây rụng trái, lép hạt... nên giảm năng suất mạnh. Hiện giá cà-phê nhân xô ở các tỉnh Tây Nguyên dao động trên dưới 33.000 đồng/kg. Hàng chục ngàn hộ trồng cà-phê ở Tây Nguyên thiệt đơn thiệt kép.

Tiêu điều hồ tiêu

Nhiều năm trước, hồ tiêu được ví như là "vàng đen" bởi đã đưa nhiều nông dân trở thành tỷ phú khi giá hồ tiêu lúc cao điểm trong các năm 2014 - 2015 lên đến 200.000 - 220.000 đồng/kg. "Cơn sốt" hồ tiêu khiến nhiều người chuyên và không chuyên cũng bị cuốn vào phong trào mua đất, thuê đất trồng hồ tiêu. Thậm chí, nhiều vườn cà-phê, cao su đang cho thu hoạch cũng bị phá bỏ để thay thế bằng cây hồ tiêu. Từ đó, khiến cả khu vực Tây Nguyên bị phá vỡ quy hoạch khi diện tích lên đến hàng chục nghìn héc-ta. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, giá tiêu cứ lao dốc cùng với tình trạng cây hồ tiêu chết hàng loạt vì hạn hán, sâu bệnh khiến người trồng hồ tiêu rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Hiện giá hồ tiêu chỉ còn từ 42.000 - 43.000 đồng/kg nên nhiều diện tích hồ tiêu đành bỏ hoang không chăm sóc hoặc chăm sóc cầm chừng, bởi sau khi thu hoạch trừ đi chi phí, nhân công... chỉ có lỗ vốn. Đi về các vùng tiêu của huyện Chư Pưh, Chư Prông nhìn thấy những diện tích hồ tiêu xác xơ khiến không ít người chạnh lòng.

Không những thế, việc sử dụng vô tội vạ các loại thuốc bảo vệ thực vật khiến đất trồng hồ tiêu bị thoái hóa khiến việc chuyển đổi trồng cây khác cũng khó triển khai. Một câu chuyện đáng buồn khác chính là việc từ ồ ạt chạy đua theo phong trào trồng hồ tiêu, nhiều nông dân đã phải thế chấp nhà cửa, ruộng vườn để vay ngân hàng. Tiêu chết, xuống giá khiến nhiều người không còn khả năng trả nợ và đối diện với nguy cơ trắng tay. Hiện dư nợ hồ tiêu tại các ngân hàng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Gia Lai cho biết: "Theo đánh giá, kiểm tra của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Gia Lai thì cho vay hồ tiêu đạt khoảng 4.100 tỷ đồng với hơn 21.000 hộ, tập trung ở 9 huyện, thị. Hiện có khoảng 1.600 tỷ đồng tiền vay đang gặp khó khăn trong việc thu nợ vì giá tiêu xuống thấp, tiêu bị bệnh, chết. Tình trạng này đã khiến hơn 5.100 khách hàng bị thiệt hại nặng. Trong đó H. Chư Pưh là huyện có số khách hàng vay cao hơn 6.000 hộ với số tiền 1.490 tỷ đồng, trong đó nợ xấu là 156 tỷ đồng. Trước tình hình này, ngành ngân hàng sẽ kiểm tra lại tình hình thực tế để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, hạ lãi suất...v.v nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nông dân trồng hồ tiêu".

MINH TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/96_203085_nong-dan-khoc-voi-gia-nong-san.aspx