Nông dân Khánh Hòa: Học tập cách làm nông nghiệp ở Hàn Quốc

Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức đoàn công tác (trong đó có 11 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi) đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở Hàn Quốc. Chuyến đi đã giúp các nông dân học tập được nhiều điều về sản xuất nông nghiệp.

Học được nhiều thứ

Ông Võ Minh Hùng - nông dân chuyên sản xuất cây ăn quả với hàng nghìn gốc bưởi, xoài, mít, bơ… ở xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa chia sẻ, tuy chỉ có 7 ngày nhưng chuyến đi đã giúp ông học hỏi được nhiều thứ, đặc biệt là có điều kiện tiếp cận với trình độ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ông đặc biệt ấn tượng bởi mối liên kết rất chặt chẽ giữa nông nghiệp và du lịch. Nơi ông đến tìm hiểu, nông dân không chỉ là người làm ra sản phẩm nông nghiệp, mà còn góp phần đa dạng, phong phú hơn các sản phẩm du lịch. Nhờ được tổ chức tốt, các tour đến tham quan vườn nhân sâm, cao ngựa, chiết xuất tinh dầu từ thảo dược… rất thu hút du khách. Ông mong muốn ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ sớm xây dựng được mối liên kết này.

Nông dân Khánh Hòa tham quan vườn cây củ cải đường - một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở Hàn Quốc.

Nông dân Bùi Xuân Hồng ở xã Cam Hải Tây, Cam Lâm (vừa trồng xoài Úc vừa là vựa thu mua xoài với sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi vụ) cho biết: “Tại đảo Jeju, điều tôi học được đó là cả hòn đảo chỉ chuyên canh quýt, không có các loại cây khác xen lẫn. Theo nông dân Hàn Quốc thì điều này giúp cho cây quýt hoàn toàn thuần chủng, không bị lai tạp, không bị tác động bởi những cây có múi khác. Từ đó góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng cây quýt. Một điều tôi cũng rất tâm đắc, đó là cách họ chế biến sản phẩm sau thu hoạch rất tốt, nhất là khâu đóng gói. Trong khi ở Cam Hải Tây nói riêng và vùng xoài Cam Lâm nói chung, sản phẩm xoài đang chủ yếu xuất thô, chưa được quan tâm đóng gói, chế biến để trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao hơn. Sau chuyến đi này, tôi sẽ cùng với một số nông dân khác ở Cam Hải Tây bắt tay vào việc nâng cao chất lượng, mẫu mã của trái xoài bằng việc đầu tư vào khâu chế biến sau thu hoạch”.

“Đi một ngày đàng…”

Sau chuyến đi, các thành viên đoàn công tác nhận định, một số vấn đề nông nghiệp ở Hàn Quốc khá giống với Khánh Hòa. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Hàn Quốc chỉ 1,679 triệu héc-ta, trong đó đất trồng lúa chưa đầy 1 triệu héc-ta, diện tích đất canh tác bình quân trên mỗi hộ chỉ 1,54ha. Tỷ lệ dân số làm nông nghiệp ở Hàn Quốc rất thấp, chỉ khoảng 5%.

Trong chuyến đi từ ngày 28-9 đến 4-10, tại đảo Jeju, đoàn nông dân Khánh Hòa đã tham quan tìm hiểu: cách trồng, chăm sóc, bảo quản và sản xuất thực phẩm chức năng Vitamin C từ quả quýt; nghề lặn biển và đánh bắt hải sâm truyền thống ở làng chài ven biển; mô hình trồng hoa và nuôi ong lấy mật, nuôi ngựa lùn để sản xuất cao xương ngựa; thăm đồi chè và xưởng sản xuất chiết xuất các sản phẩm từ lá chè xanh. Tại Seoul, đoàn tham quan chợ đầu mối nông sản rộng 50ha; tìm hiểu trang trại và mô hình trồng sâm tươi...

“Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ, dù diện tích nhỏ, lao động hạn chế, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp ở nước bạn cao hơn nhiều so với ở Khánh Hòa”, ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết. Điều này có được là nhờ Hàn Quốc tập trung ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, gia tăng giá trị sản phẩm trong từng khâu trong chuỗi giá trị, phát huy thế mạnh của từng vùng, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch. Hàn Quốc đã chuyển phần lớn diện tích trồng lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây dược liệu, phát triển chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn nên nông dân có thu nhập rất cao…

Một trong những kinh nghiệm được đoàn công tác đúc rút sau chuyến đi, đó là Khánh Hòa cần thiết phải xây dựng kế hoạch phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao với quy mô phù hợp. Không nhất thiết nơi nào cũng phát triển sản xuất quy mô lớn mà quan trọng nhất là biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Người nông dân ở Khánh Hòa hoàn toàn có thể xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp gắn với du lịch.

Hy vọng “đi một ngày đàng” sẽ giúp cho các nông dân tiêu biểu của Khánh Hòa có được cái nhìn mới mẻ, hiện đại và tiến bộ, về áp dụng vào đời sống sản xuất của mình, đưa ra được các mô hình hay để các nông dân khác học tập, cùng nhau phát triển.

Hồng Đăng

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/201811/nong-dan-khanh-hoa-hoc-tap-cach-lam-nong-nghiep-o-han-quoc-8094947/