Nông dân kêu cứu trong tuyệt vọng

Ngân hàng Nhà nước đã không đồng tình với đề xuất của tỉnh An Giang; để sau đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN (Agribank) quay trở lại yêu cầu người dân trả nợ. Trong cảnh tuyệt vọng, các hộ nuôi cá tra liên kết đã gửi đơn kêu cứu lần thứ bảy đến Thủ tướng Chính phủ.

Trụ sở Cty Thuận An Ảnh: P.V

Lâm nợ vì liên kết

Ngày 23.11, nguồn tin riêng của PV Báo Lao Động cho biết, Bộ Công an vừa khởi tố điều tra vụ án có nguy cơ vỡ nợ tại Cty TNHH SXTMDV Thuận An (Tafishco An Giang). Trước đó, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản kiến nghị và cử đoàn công tác ra làm việc trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước về phương án xử lý tiền nợ của các hộ nuôi cá tra liên kết.

Tính đến ngày 28.2.2017, có 10 hộ nông dân còn nợ Agribank An Giang 78,43 tỉ đồng, trong đó nợ gốc quá hạn là 37,77 tỉ đồng. Ngược lại, Cty Thuận An còn nợ tiền mua cá của nông dân là 62,72 tỉ đồng.

Theo quy trình cho vay trong dự án, các hộ nông dân không trực tiếp nhận tiền, mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá, được ngân hàng trả tiền thay, rồi họ ký nhận nợ lại với ngân hàng. Đến kỳ thu hoạch, cá được bán “độc quyền” cho Cty Thuận An. Sau đó, Cty này có trách nhiệm tất toán khoản vay của nông dân với ngân hàng, còn bà con sẽ nhận phần chênh lệch còn lại.

Cuối tháng 10.2016, lãnh đạo Cty Thuận An đi “công tác nước ngoài”, rồi không trở về. Từ đây, Agribank An Giang đã căn cứ vào từng hợp đồng tín dụng để “quy nợ” cho các hộ nuôi.

UBND tỉnh An Giang đề nghị, chuyển phần nợ của các hộ nuôi cho Cty Thuận An và Cty này có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng theo dự án chuỗi. Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn việc chuyển khoản nợ vay này và hướng dẫn việc trả tài sản thế chấp của các hộ nông dân.

Tỉnh An Giang cũng kiến nghị dừng tính lãi của các hộ nông dân kể từ ngày 19.11.2016. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia không chuyển nợ xấu và hướng dẫn quy trình để các hộ nông dân được vay các khoản mới phục vụ nuôi cá.

Ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết: “Tỉnh đã làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước, nhưng họ không đồng tình với phương án trên”.

Từ đây, Agribank An Giang quay lại yêu cầu nông dân cơ cấu nợ, nhưng các hộ nuôi đã phản ứng quyết liệt. Ông Nguyễn Văn Tấn (hộ nuôi cá trong dự án) bức xúc: Hình thức giao dịch trong chuỗi liên kết diễn ra từ nhiều năm qua và nông dân đều làm đúng, chưa từng có lỗi gì. Dự án này là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, giờ lãnh đạo Cty Thuận An bỏ trốn, ngân hàng lại bắt nông dân trả nợ, hỏi sau này còn ai dám tham gia vào chuỗi liên kết.

Trong cảnh tuyệt vọng, các hộ nuôi cá tra đã gửi đơn kêu cứu lần thứ bảy đến Thủ tướng Chính phủ, với mong muốn các khoản nợ được xử lý theo đề xuất của tỉnh An Giang.

Bất thường các khoản vay

Theo điều tra của PV Báo Lao Động, tháng 7.2014, UBND tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt cho vay thí điểm dự án chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đối với 3 dự án nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó có dự án chuỗi liên kết “sản xuất - chế biến - xuất khẩu” cá tra do Cty Thuận An đầu tư.

Sau khoảng 2 năm thực hiện, Cty Thuận An không đưa dự án vào thực hiện chính thức mà đề xuất tiếp tục gia hạn thời gian thí điểm. Ngày 26.10.2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định kéo dài thời gian cho vay thí điểm đối với dự án; trong đó thể hiện Agribank được kéo dài thời gian cho vay thí điểm đối với Cty Thuận An đến ngày 28.5.2018.

Điểm bất thường là vào ngày 15.9.2016, Agibank An Giang đã ký hợp đồng cấp tín dụng 116 tỉ đồng cho Cty Thuận An thực hiện nuôi cá tra liên kết. Cùng ngày, Agibank An Giang ký tiếp một hợp đồng cấp tín dụng khác cho Cty Thuận An vay 380 tỉ đồng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tài sản mà Cty Thuận An thế chấp trị giá chỉ hơn 244 tỉ đồng.

Chỉ vài tháng sau, Tổng Giám đốc Cty Thuận An là bà Nguyễn Thị Huệ Trinh đi nước ngoài rồi không trở về. Lúc này, Agribank An Giang mới tá hỏa làm đơn khởi kiện Cty Thuận An ra tòa để đòi nợ. Theo đơn khởi kiện, Agribank An Giang yêu cầu: Cty Thuận An phải thanh toán ngay số tiền nợ vay tính đến ngày 29.12.2016 là trên 492 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 488 tỉ đồng.

Agribank An Giang cũng đề nghị tuyên phát mãi toàn bộ tài sản đảm bảo của Cty Thuận An theo các hợp đồng thế chấp để thu hồi nợ cho Agribank An Giang. Trường hợp số tiền thu được sau khi phát mãi tài sản không đủ để trả nợ, Cty Thuận An phải tiếp tục trả số nợ còn thiếu cho ngân hàng.

Sau đó, TAND tỉnh An Giang đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản và tài sản của Cty Thuận An; giao toàn bộ tài sản kê biên của Cty Thuận An cho Agribank quản lý để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án và thi hành án. Trước thông tin trên, các hộ nuôi cá vô cùng hoang mang; bởi tài sản của Cty Thuận An đã được giao cho Agribank quản lý - tức bà con không còn gì để có thể đòi nợ Cty Thuận An.

Ông Võ Nguyên Nam - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, Tổ trưởng Tổ 441 xử lý vụ việc - cho biết: Trước giờ, chuỗi liên kết hoạt động với quan hệ giao dịch giữa 3 bên; nếu có sự cố xảy ra, cách giải quyết cũng phải dựa trên nguyên tắc 3 bên. Nếu cứ dùng “nguyên tắc ngân hàng” cứng nhắc, yêu cầu nông dân trả nợ là không thỏa đáng.

Một nguồn tin của PV Báo Lao Động cho biết thêm, tỉnh An Giang vừa có đề xuất giao vụ án về cho Công an tỉnh thụ lý, nhưng yêu cầu này chưa được Bộ Công an chấp thuận.

TRẦN LƯU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/nong-dan-keu-cuu-trong-tuyet-vong-578100.ldo