Nông dân Hậu Giang lo thất thu vụ mía vì 50% diện tích chưa có đầu ra

Tỉnh Hậu Giang hiện còn gần một nửa diện tích mía chưa được bao tiêu. Mùa nước đến sớm, người trồng mía lo sẽ bị thất thu trong vụ mía năm nay.

Chưa bao giờ nông dân tỉnh Hậu Giang lo lắng như năm nay, bởi mía đã gần đến ngày thu hoạch nhưng nhiều nơi vẫn chưa được nhà máy đến ký hợp đồng bao tiêu. Trong khi đó, mực nước trên các kênh, rạch đang lên nhanh, nếu không thu hoạch đúng thời điểm thì nguy cơ nông dân sẽ thất thu khi nước lũ ngập đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp có gần 1 ha mía đang đến kỳ thu hoạch lo lắng:“Mọi năm rằm tháng 7 là nhà máy đường Long Mỹ Phát đến xem mía mà năm nay chưa thấy gì hết trơn. Nông dân cũng yêu cầu lò đường mua sớm cho nông dân người ta bán chạy lũ. Năm nay nước lũ lớn hơn năm ngoái, sợ rằng mía ngập, chết mía, người nông dân sẽ khổ”.

Toàn tỉnh vẫn còn khoảng 5.000 ha mía chưa được bao tiêu.

Vụ mía này, tỉnh Hậu Giang có tổng diện tích gần 10.600 ha. Hiện nay, trong số 2 công ty đang hoạt động trên địa bàn thì chỉ có Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu mía cho nông dân hơn 5.600 ha, còn lại Công ty cổ phần mía đường, cồn Long Mỹ Phát vẫn chưa ký bao tiêu. Trong khi mọi năm, vào thời điểm này, 100% diện tích mía của nông dân Hậu Giang đã được ký hợp đồng bao tiêu.

Theo các nhà máy đường, một trong những áp lực lớn hiện nay là giá đường vẫn đang ở mức thấp, tình hình tiêu thụ đường gặp nhiều khó khăn do đường nhập lậu tràn lan trên thị trường. Điều này dẫn đến lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường tương đối lớn.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường.

Ông Nguyễn Văn Chính- Giám đốc nhà máy Đường Cồn Long Mỹ Phát, tỉnh Hậu Giang cho biết, do giá đường xuống thấp, tiêu thụ chậm khiến các nhà máy đường gặp nhiều khó khăn.

Nếu không thu hoạch đúng thời điểm, mía sẽ bị thiệt hại khi lũ về.

Tại vùng ĐBSCL, nhiều nhà máy đường đã đóng cửa, chỉ còn 5 nhà máy hoạt động. Riêng nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát lẽ ra đã ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân vào tháng 7 vừa qua, nhưng sợ đường không bán được, thiếu vốn tồn trữ, trong khi không thể nợ tiền mía của dân nên các hợp đồng bao tiêu không thực hiện được.

“Hội đồng quản trị đang nghiên cứu lại thị trường xem thực tế như thế nào, chứ thực sự muốn ký bao tiêu cho dân nhưng giá ký kết mà không thực hiện được là sẽ có lỗi với dân. Tình hình các nhà máy đường hiện nay đang rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Chính cho hay.

Hiện, tỉnh Hậu Giang vẫn còn khoảng 5.000 ha mía chưa được bao tiêu. Đối với diện tích mía đã được ký hợp đồng bao tiêu thì chỉ được nhà máy đường Casuco thu mua ở mức 800 đồng/kg đối với mía đạt 10 chữ đường cân tại cầu cảng nhà máy, giảm 100 đồng/kg so với vụ mía trước, nếu cân tại ruộng giá sẽ còn thấp hơn.

Theo tính toán của ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, ở Thái Lan, nông dân chỉ bán giá mía khoảng 700 đồng/kg đã có lời thì ở Hậu Giang giá mía phải đạt 1.000 đồng/kg dân mới có lời, bởi chi phí sản xuất cao.

Năm nay mía 10 chữ đường chỉ được Casuco thu mua tại cầu cảng với giá 800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với năm ngoái.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất vùng ĐBSCL. Trước những khó khăn chung của ngành mía đường dẫn đến khó khăn về đầu ra cho cây mía, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để doanh nghiệp và người trồng mía gắn kết chặt chẽ nhằm đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, hướng đến việc hạ giá thành sản xuất, cho ra nhiều sản phẩm từ mía, để người trồng mía có lời, từ đó giữ vững được vùng mía nguyên liệu và các nhà máy đường có thể hoạt động ổn định.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các nhà máy đường để thay đổi công nghệ cũng như hạ giá thành từng kg đường. Các nhà máy đường ngoài sản phẩm đường là chính thì cũng nên có các sản phẩm sau đường giống như các nhà máy đường trên thế giới. Cần đồng bộ các giải pháp giữa người nông dân, giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp”.

Trước mắt, UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu Sở Công thương tỉnh tăng cường công tác chống đường lậu; sớm có văn bản tham mưu cho tỉnh về việc kiến nghị với Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan của Trung ương trong việc xem xét những vấn đề đang tồn tại làm nghẽn sự phát triển của ngành mía đường trong nước, từ đó có những giải pháp phù hợp hơn giúp doanh nghiệp và nông dân trồng mía có thể an tâm với nghề.

Về phía UBND tỉnh sẽ làm việc với các ngân hàng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các nhà máy đường trong tỉnh, tạo điều kiện để các nhà máy đường ký hợp đồng thu mua hết 5.000 ha mía còn lại trong dân, trước khi lũ lớn tràn về./.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/nong-dan-hau-giang-lo-that-thu-vu-mia-vi-50-dien-tich-chua-co-dau-ra-806662.vov