Nông dân Hà Tĩnh trồng cỏ hái bạc tỷ

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty CP chăn nuôi Bình Hà thực hiện tại hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với quy mô 250.000 con, tổng vốn đầu tư trên 4.500 tỷ đồng đã tạo luồng gió mới, tiếp sức cho nông dân trong liên kết chăn nuôi bò.

Nông dân trong vùng dự án sẽ giàu lên

Hà Tĩnh là tỉnh nằm trong khu vực Bắc miền Trung có diện tích đất đai đồi núi chiếm trên 60%. Mặc dù địa phương luôn trăn trở để khai phá hết tiềm năng đất đai sẵn có nhưng “lực bất tòng tâm” bởi tỉnh còn nghèo, nông dân chưa phát huy được sức mạnh nội lực, sản xuất còn nhỏ lẻ, sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp chưa thực sự tạo được cú đột phá.

Loading

Vào những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có chuyến thăm lại khu chăn nuôi tập trung bò Bình Hà đóng ở một thung lũng vùng đất bán sơn địa thuộc xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên và xã Kỳ Lâm, Kỳ Hợp huyện Kỳ Anh. Thật ngỡ ngàng, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng cỏ, mía, ngô trải dài một màu xanh mượt típ tắp trên những sườn đồi. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng chỉ tay và nói, trước đây cả vùng đồi núi này hầu hết là đất lâm nghiệp hoang hóa, cây leo, bụi rậm chằng chịt, lưa thưa mấy cụm thông, bạch đằng mà ít ai nghĩ tới nơi đây sẽ xuất hiện một bức tranh như một thảo nguyên nên thơ như hôm nay.

Đàn bò của Công ty Bình Hà đang phát triển tốt.

Xe chúng tôi dừng bên một ngọn đồi, mấy bác nông dân đang say sưa thu hoạch cỏ, đưa tay vẫy chào như khoe với chúng tôi: Nông dân Cẩm Xuyên nhờ dự án nuôi bò Bình Hà để trồng cỏ đang dần được đổi đời. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khi dự án đầu tư chăn nuôi bò về đây hầu hết nông dân không đồng tình cho lắm, bởi một số dư âm cho rằng dự án nuôi bò về sẽ lấy hết đất của dân, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ dân không còn tư liệu sản xuất. Thế nhưng ngược lại hoàn toàn với những suy nghĩ ban đầu ấy, đến nay dự án mới vào đầu tư hơn 8 tháng mà từ đường đi lại, đất đai đến đồi núi đều được quy hoạch phân khu rõ ràng, nông dân cũng được hòa nhập vào khí thế lao động sản xuất bằng liên kết kinh doanh nhận suất đầu tư trọn gói của Công ty từ nuôi bò đến trồng cỏ, ngô, mía cung cấp lương thực cho hàng vạn con bò.

Cũng một bác nông dân khác nói, khi Công ty CP chăn nuôi Bình Hà chưa về đây thì vùng đất này mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ. Nếu tính thu nhập trồng sắn, keo… chỉ thu được trên dưới 30 triệu đồng/ha, nhưng nay trồng cỏ và ngô sinh khối làm thức ăn cho bò, mỗi năm 3 vụ, năng suất đạt từ 45 – 50 tấn/ha, xuất bán tại ruộng với giá 800.000 đồng/tấn, nếu “thiên thời, địa lợi” mỗi hecta nông dân được hưởng trên 100 triệu đồng/năm.

Hệ thống xử lý môi trường của Công ty Bình Hà.

Tổng giám đốc Đinh Văn Dũng tâm sự: “Khi dự án về trên đất Hà Tĩnh đã được các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và nhân dân trong vùng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về đất đai; các thủ tục phục vụ cho dự án được giải quyết nhanh nhất, vì thế chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã có một cơ ngơi, cơ sở hạ tầng, chuồng trại, hệ thống giao thông đi lại thông suốt. Vừa xây dựng vừa phát triển sản xuất, hai việc song hành suốt ngày, đêm, dự án đầu tư chăn nuôi bò trên đất Hà Tĩnh là dự án chúng tôi tập trung cao độ nhất, từ nguồn vốn, nhân lực, vật lực. Thị trường đầu vào, đầu ra đều được quy chuẩn một cách chuẩn xác nhất. Chúng tôi đang xây dựng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, để không những bán cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Buổi đầu chúng tôi đưa bò về còn phải thu mua cỏ bên ngoài, nhưng đến nay nông dân đã liên kết với chúng tôi trồng được 800ha diện tích cỏ, ngô sinh khối, mía với hàng chục mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Nông dân trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã đăng ký phối kết hợp với chúng tôi liên doanh, liên kết trồng 5.000ha đồng cỏ với phương châm đầu tư trọn gói cho nông dân về giống, phân bón, kỹ thuật và thu mua tại ruộng, thanh quyết toán kịp thời, đầy đủ, giúp nông dân làm giàu trên quê hương mình. Theo kế hoạch, cuối năm nay, chúng tôi sẽ triển khai nuôi liên kết với các hộ dân, góp phần tạo việc làm, làm giàu cho người dân trong vùng dự án".

Đầu tư thật, hiệu quả thật!

Giữa công trường bộn bề hàng trăm máy móc, thiết bị, các lực lượng công nhân hối hả vừa xây dựng vừa sản xuất cho kịp tiến độ đúng với mục tiêu đề ra. Phụ trách công trường xây dựng, kỹ sư Nguyễn Trọng Đại dẫn chúng tôi vòng quanh cả một khu quy hoạch rộng lớn. Tại đây, tất cả đều được sắp xếp thứ tự ngang hàng, thẳng lối. Kỹ sư Đại cho biết, tổng diện tích cả khu quy hoạch này là 477ha, chủ yếu là đất đồi núi. Sau khi tiếp nhận, đến nay chỉ mới hơn 8 tháng nhưng công ty đã đầu tư xây dựng mở hàng trăm kilômét đường trọng tải lớn, san lấp mặt bằng 40ha, xây dựng được 40 chuồng nuôi, 1 khu hành chính, 4 phân xưởng sản xuất phân hữu cơ từ phân bò với nhiều cơ sở hạ tầng khác. Chúng tôi hỏi: "Hiếm có dự án đầu tư xây dựng nhanh như của Bình Hà, yếu tố nào đã làm nên động lực này?", Đại tự hào nói: "Khi được phân công quản lý công trình, Tổng giám đốc luôn luôn nhắc nhở chúng tôi, đây là dự án nông nghiệp quan trọng bậc nhất đối với Hà Tĩnh. Bởi Hà Tĩnh là tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, nông dân còn nghèo, không đầu tư thì thôi nhưng đã đầu tư thì phải làm thật, làm đến nơi đến chốn, sớm đưa dự án vào khai thác có hiệu quả. Không những đây là trách nhiệm của công ty đối với tỉnh Hà Tĩnh, mà còn là trách nhiệm đối với người nông dân trong vùng dự án".

Khu chuồng trại được xây dựng khang trang, hiện đại.

Kỹ sư Hồ Thanh Tấn, quản lý khu chăn nuôi dẫn chúng tôi đến tham quan một số chuồng nuôi và kể, mỗi chuồng nuôi nhốt thế này có diện tích 3.120m2 (dài 120m x rộng 26m) nuôi 500 con bò. Theo quan sát, chúng tôi thấy cả một diện tích chuồng lớn như thế nhưng bò chỉ ở một nửa diện tích, nửa còn lại toàn phân khô. Tôi hỏi và được Tấn cho biết, theo quy trình xử lý môi trường trong chuồng nuôi, bò chỉ tập trung ở nửa chuồng, luân phiên cứ mỗi bên 3 ngày, ngày nào cũng được phun men xử lý môi trường làm khô phân và nước tiểu, tuyệt đối không để nước tiểu bò rò rỉ ra ngoài. Sau đó toàn bộ số phân trong chuồng đã được xử lý sẽ chuyển đến phân xưởng sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ cho nông dân trồng cỏ. Cũng theo kỹ sư Tấn, tổng đàn bò của hai cơ sở Kỳ Anh và Cẩm Xuyên nhập về từ Úc là 30.000 con, đã xuất bán 2.700 con ra thị trường phía Bắc, được khách hàng đón nhận và đánh giá là sản phẩm bò thịt sạch, chất lượng cao.

Tạm biệt Bình Hà, tạm biệt vùng đất Cẩm Xuyên – Kỳ Anh, nơi đêm ngày người nông dân hợp lực cùng doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để xây nên những đồng cỏ mượt mà phục vụ chăn nuôi phát triển, đưa lại ấm no hạnh phúc cho người dân trong vùng dự án.

Anh Bình

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nong-dan-ha-tinh-trong-co-hai-bac-ty-post2322.html