'Nông dân giờ khôn hơn rồi...'

Điều đáng nói là những người trẻ đi làm xa, người có trình độ thì đi làm công ty nước ngoài, hợp tác xã đang rất khát nhân lực trẻ.

Ngày 9-10, Bộ KH&ĐT phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức họp báo để thông tin về hai diễn đàn lớn sẽ diễn ra vào tuần tới. Đó là Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2019.

Tại buổi họp báo, có bốn HTX tiêu biểu tham dự. Tuy nhiên, chỉ có một đại diện HTX Nhân Lý (Phú Xuyên, Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến.

Bà Lê Thị Hương, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, nói rằng từ khi có Luật HTX năm 2012, nhận thức về HTX tại quê bà đã thay đổi rất nhiều. Số lượng thành viên HTX Nhân Lý hiện nay đã lên tới 2.460.

“Trước đây, thường thành viên HTX là những người lớn tuổi. Người trẻ thì đi làm xa, người có trình độ thì đi làm chỗ khác, ở các công ty, xí nghiệp” - bà Hương nói và cho rằng nhân lực cho HTX là một vấn đề khó.

Bà Lê Thị Hương, Chủ tịch HĐQT HTX Nhân Lý, Vĩnh Phúc, nói nông dân giờ khôn hơn rồi, tự đi tìm thị trường. Ảnh: CHÂN LUẬN

Bà Lê Thị Hương, Chủ tịch HĐQT HTX Nhân Lý, Vĩnh Phúc, nói nông dân giờ khôn hơn rồi, tự đi tìm thị trường. Ảnh: CHÂN LUẬN

Lúc đầu, theo bà Hương, chi phí sản xuất ở HTX là khá cao. Ngay việc thuê người đi làm ruộng cũng đã 300.000 đồng/ngày. HTX sau đó mạnh dạn mua máy cấy không động cơ của Việt Nam. Sau thấy máy không hiệu quả nên HTX đã gom góp mua thêm sáu máy cấy của Nhật Bản. Những máy cấy này rất hiệu quả và sử dụng cũng đơn giản nên nông dân sau khi được hướng dẫn 2 tiếng thì sử dụng được ngay.

Năm 2018, sau khi thấy rất hiệu quả thì nông dân lại góp tiền vào HTX, coi như góp vốn để sử dụng những máy cấy này. Sản xuất lúa ở đây theo quy trình “cơ giới hóa khép kín. Bà Hương nói: “Vì vậy, chi phí dịch vụ nông nghiệp đã giảm đi đáng kể. Trước đây chi phí gần 1 triệu/sào. Khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thì nông dân chỉ phải nộp 450.000 đồng/sào. Trồng lúa bây giờ nông dân chỉ việc bón phân thôi”.

Về giống, bà Hương cho hay tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ tới 70%. Về việc tìm kiếm thị trường, lúc đầu HTX phải đảm đương nhiệm vụ này. Tuy vậy, bà Hương cho hay: “Nhưng giờ nông dân đã biết, đã khôn hơn, tự tìm thị trường. Điều đó cũng đáng mừng thôi”.

Nhận xét chung, bà Hương cho rằng chính sách của Nhà nước về HTX giúp nông dân hưởng lợi rất nhiều. Chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cũng rất quan tâm, hỗ trợ cho nông dân. Nhưng bà Hương đề nghị cần phải tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có trình độ về công tác tại các xã để hỗ trợ các HTX phát triển.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống nhận định: Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, nợ công cao, ngân sách hạn hẹp nhưng khu vực HTX lại hoạt động khá ổn định.

Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp.

“Nhiều loại hình HTX mới được thành lập như HTX môi trường, HTX trường học, HTX y tế… Trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng cao. Một số HTX có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của HTX” -Thứ trưởng Thống nói.

Điều này cũng thể hiện tính ưu việt của Luật HTX năm 2012 so với Luật HTX năm 2003, chứng minh việc ban hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và những chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Kết luận 56-KL/TW ngày 21-2-2013 là hoàn toàn đúng đắn.

“Kinh tế tập thể, HTX đang phục hồi và phát triển đúng hướng. Mô hình HTX kiểu mới phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta” - Thứ trưởng Thống cho hay.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/nong-dan-gio-khon-hon-roi-862940.html