Nông dân điêu đứng vì giá cà phê, hồ tiêu 'loay hoay' dưới đáy

Nhiều tháng qua, giá các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu vẫn chưa khởi sắc, khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần.

Các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu trong phiên giao dịch đầu tuần ngày vẫn đang ở mức đáy. Trưa 10/9, khảo sát giá cả trên trang Diễn đàn của người làm cà phê, giá cà phê vẫn đang giao dịch ở mức 32.200 - 32.700 đồng/kg. Riêng mặt hàng hồ tiêu, ngoài việc đang chống chịu với nạn dịch bệnh khiến cây chết hàng loạt thì giá cả của mặt hàng này vẫn đang tuột dốc. Hiện tại, hồ tiêu đang giao dịch phổ biến từ 48.000 - 50.000 đồng/kg.

Ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị Online, giá cà phê ở các phiên giao dịch trong tuần trước luôn ở mức rất thấp, dao động trong khoảng 32.200 – 32.700 đồng/kg. Điểm sáng duy nhất là vào ngày 6/9 cà phê bất ngờ tăng 500 đồng lên mức 33.000 đồng/kg.

Sang tuần mới, giá cà phê đến trưa nay (ngày 10/9) vẫn không có nhiều biến động tích cực. Nông sản này vẫn đang đà tuột dốc và hiện đang giao dịch ở mức mức 32.200 - 32.700 đồng/kg.

Trong khi đó, thị trường cà phê trên sàn ICE Europe – London cũng có những biến động không mấy lạc quan. Cụ thể, cà phê Robusta giao ngay tháng 9 đang giảm 7% ở mức 1.491 USD/tấn. Cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 lại tăng 7% giao dịch ở mức 1.494 USD/tấn. Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kỳ hạn giao ngay tháng 9 trong phiên giao dịch lại có xu hướng tăng 0,24% xuống mức 102.45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 0,24% ở mức 105.80 cent/lb.

Hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt khiến người nông dân lâm vào cảnh nợ nần

Hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt khiến người nông dân lâm vào cảnh nợ nần

Trong khi đó, giá hồ tiêu vẫn “dậm chân” ở mức từ 48.000 - 50.000 đồng/kg. Các vùng trồng tiêu khác như Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay không đổi, giao dịch từ 48.000 - 49.000 đồng/kg, tại Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) giá tiêu hôm nay vẫn duy trì ở mức 50.000 đồng/kg.

Cần nhiều động thái để hỗ trợ người nông dân

Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, mức giá của cà phê, hồ tiêu hiện nay chỉ ngang bằng với giá thành sản xuất nên nông dân không có lãi, thậm chí còn lỗ nếu vườn cây trồng bị dịch bệnh.

Cụ thể, xét riêng mặt hàng cà phê, các chuyên gia nông nghiệp cho biết thị trường cà phê thế giới biến động chóng mặt, tình hình này khả năng sẽ kéo thị trường cà phê trong nước hôm nay chuyển biến không mấy tích cực, so với phiên giao dịch trước đó.

Riêng mặt hàng hồ tiêu, người nông dân phải “gánh” nỗi khổ gấp đôi khi cây trồng vừa mất giá vừa mất mùa. Khoảng 3 năm trước, giá hồ tiêu bất ngờ tăng đột biến. Đỉnh điểm hồ tiêu đạt ngưỡng hơn 200.000 đồng/kg đã khiến người nông dân vội vã chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Nhiều người đã chặt bỏ cao su, điều… để trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, hiện nay khi hồ tiêu bước vào giai đoạn đầu thu hoạch thì tụt giá không phanh. Đáng lo ngại, dịch bệnh khiến hồ tiêu chết hàng loạt hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa khiến nhiều chủ hộ “ôm mặt khóc” vì đã đầu tư khoản tiền lớn chăm sóc vườn cây.

Do đó để hỗ trợ người nông dân, các cơ quan chức năng nông nghiệp cần có những biện pháp kịp thời. Bên cạnh việc tổ chức "giải cứu" nông sản, các giải pháp mang tính lâu dài là cần thiết tránh lặp lại điệp khúc “được mùa mất giá”.

Bên cạnh việc tổ chức "giải cứu" nông sản, các giải pháp mang tính lâu dài là cần thiết tránh lặp lại điệp khúc “được mùa mất giá”

Cụ thể, Hiệp hội cà phê, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cần đưa ra các giải pháp khẩn cấp để “giải cứu” cây trồng như thúc đẩy công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông sản, đặc biệt là trình độ canh tác theo VietGAP, Global GAP, canh tác theo hướng xen canh.

Các cơ quan chuyên trách của ngành nông nghiệp trung ương, địa phương và các doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu đều phải có trách nhiệm để có cà phê, hồ tiêu sạch theo tiêu chuẩn các thị trường nhập khẩu. Đồng thời, các đơn vị cần quản lý chặt hơn nữa việc sản xuất và phân phối thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nâng cao việc tổ chức liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu theo chuỗi, có chứng nhận xuất xứ vùng trồng, giảm bớt trung gian trong khâu thu mua nguyên liệu để có thể kiểm soát được chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn, có giá trị cao như Mỹ, châu Âu…

Đặc biệt, các cơ quan khuyến nông cần hỗ trợ, hướng dẫn người nông dân trong công tác nghiên cứu, định hướng thị trường, nắm bắt chu kì tăng - hạ giá của cây trồng trước khi xuống giống. Tuyệt đối, người nông dân nên tránh tình trạng trồng đại trà, ồ ạt không có tổ chức dẫn đến dư thừa nguồn cung, hạ giá.

HỒNG TRÂM

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nong-dan-dieu-dung-vi-gia-ca-phe-ho-tieu-loay-hoay-duoi-day-12166.html