Nông dân đầu tư hàng chục tỷ làm giàu từ một trang trại 'bỏ hoang'

Bỏ tiền túi đầu tư hàng chục tỷ đồng mua lại một trang trại làm ăn thua lỗ, không còn khả năng sản xuất và gần như 'bỏ hoang' để xây dựng lại một trang trại chăn nuôi lợn có quy mô khép kín và ứng dụng công nghệ cao là 'cái liều' vươn tới làm giàu của người nông dân Bùi Thị Huyền - hội viên nông dân Chi hội 9 (xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

Chị Huyền nở nụ cười rạng rỡ khi "cơn bão" giá lợn thấp kỷ lục đi qua.

Chị Huyền nở nụ cười rạng rỡ khi "cơn bão" giá lợn thấp kỷ lục đi qua.

Nét cười tươi tắn, rạng rỡ hiện rõ trên khuôn mặt người nông dân này, như thể chị chưa hề trải qua một giai đoạn "khủng hoảng" đối với nghề chăn nuôi lợn vừa qua. Đó là những ấn tượng đầu tiên trong buổi gặp gỡ của tôi với người nông dân "kiên cường" này.

Khiêm tốn khi nói về mình, chị Bùi Thị Huyền chia sẻ, đến với nghề chăn nuôi lợn là cái duyên nợ của chị và khi đã đâm lao rồi phải theo lao, không thể nói bỏ là bỏ ngay được.

“Dám liều để làm giàu”

Chị Huyền kể, trước khi bắt tay vào chăn nuôi trang trại, nhà chị làm kinh doanh cửa hàng tạp hóa, cuộc sống cũng có thể tạm gọi là ổn định. Tuy nhiên cũng vì duyên nợ mà từ năm 2012, chị đã gác lại công việc kinh doanh để rẽ sang nghề chăn nuôi lợn.

Chỉ vào khu trại khép kín hiện nay của mình, chị Huyền cho biết, năm 2012, chị mua lại một trang trại làm ăn thua lỗ, không còn khả năng sản xuất nữa ngay gần nhà và quyết định đầu tư xây dựng tất cả hệ thống chuồng trại khép kín để chăn nuôi lợn. Ban đầu khu trại này rất hoang sơ như trại bỏ hoang, vẻn vẹn cả khu chỉ có một cái ao nằm giữa cánh đồng và vài ba cái chuồng nuôi lợn cũ, ngoài ra không có gì giá trị.

Nhiều người cho rằng chị "liều", vì dám bỏ tiền tỷ đầu tư vào cái trại “bỏ hoang” đó, nhưng đến thời điểm này nhìn lại cơ ngơi chị tạo dựng từ trang trại “bỏ hoang” ngày ấy có lẽ cũng là điều mơ ước của nhiều nông dân.

Chị Huyền cho biết, tổng chi phí đầu tư toàn bộ hệ thống trang trại từ chuồng nuôi, đến các phòng kho, phòng trộn thức ăn, đường dẫn ra trại lợn và tổng chi phí giống... khoảng 15 tỷ đồng với quy mô hoàn toàn khép kín, có hệ thống chuồng lạnh, dàn làm mát điều chỉnh được nhiệt độ và có hầm bioga.

Nhìn cơ ngơi hiện nay của chị Huyền ít ai nghĩ rằng chị vực được lên từ một trại lợn từng làm ăn thua lỗ.

Do vốn không nhiều và chưa có kinh nghiệm nên ban đầu chị quyết định chăn nuôi theo hướng chăn nuôi gia công cho tập đoàn Dabaco. “Đang đà chăn nuôi thuận lợi tôi lại nghĩ sao người ta còn thuê chuồng của mình để nuôi lợn được mà mình có đủ chuồng trại lại không tự chăn nuôi được?”- chị Huyền cho hay.

Nghĩ là làm, đến năm 2013, chị Huyền quyết định bắt tay chuyển sang nuôi một lứa lợn thịt và thấy có lợi nhuận. Với bản tính chịu khó, ham học hỏi và nhiều sáng tạo, chị Huyền lại trăn trở: “Tại sao nuôi với quy mô lớn nhưng đến con giống mình cũng phải phụ thuộc và đi mua thì sẽ không bảo đảm chất lượng.”

Xuất phát từ suy nghĩ đó, chị Huyền lại quay sang hướng đầu tư nuôi thêm 60 con lợn nái và thấy có hiệu quả. Sau đó chị quyết định đầu tư mở rộng và xây hệ thống chuồng trại với quy mô khoảng 350 con lợn nái. Tuy nhiên, để tránh việc nuôi ồ ạt, chị đã thận trọng nuôi thử với phương cách nhân đàn dần dần từ 60 lên 100 con lợn nái. Hiện tại, chị Huyền có khoảng 217 con lợn nái đang độ tuổi sinh sản.

Bên cạnh hệ thống chuồng trại nuôi lợn nái chuyên sinh sản và bán giống, chị Huyền còn có một hệ thống chuồng trại để nuôi lợn con và lợn thịt với tổng số lượng lợn con theo mẹ (lợn khoảng 40-50kg) là hơn 700 con. Ngoài chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, chị Huyền còn là chủ của đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi vì thế bảo đảm được nguồn cung ổn định cho trang trại của mình.

Về thị trường “đầu ra” các sản phẩm lợn giống cũng như lợn thịt, chị Huyền cho biết, các sản phẩm của chị đều phân phối đến hầu khắp các tỉnh từ Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… Mỗi địa phương chị đều có những đầu mối thương lái quen để xuất hàng, do đó đã đa dạng được thị trường “đầu ra” và không lo phụ thuộc vào một thị trường nào.

"Chết đi sống lại" vì lợn

Nói nghe chừng có vẻ đơn giản, nhưng để có được ngày hôm nay, chị Huyền đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả. Đặc biệt, là khi chị gặp "cú sốc" về giá lợn từ cuối năm 2016 đến giữa năm nay. Có thời điểm, chị Huyền tưởng chừng như mình đã kiệt sức và buông xuôi.

Nhìn lại giai đoạn khốn khó này, chị Huyền vẫn không tưởng tượng được là mình đã "vật lộn" ra sao để duy trì được đàn lợn cho đến thời điểm này. Chưa kể số vốn nợ đọng trong dân vì họ không đủ khả năng để trả tiền giống và tiền thức ăn chăn nuôi do chị cung cấp.

“Nếu thời điểm đó, những hộ dân chịu chết một lần vì giá lợn thấp kỷ lục, thì tôi lại trong cảnh "chết kép" vì vừa ôm một đống lợn, bán thì chết vì lỗ, không bán thì chết vì tiền đầu tư nuôi không có. Đã thế lại chết thêm khoản "nợ khó đòi" của các hộ chăn nuôi. Nhiều người nghĩ quẩn thậm chí tự tử vì lợn”, chị Huyền nhớ lại.

Trải qua một cơn sóng gió vừa qua, chị cảm thấy mình dường như vừa chết đi sống lại. Bởi nửa năm qua, chị gần như ở ngoài chuồng lợn cả ngày, sống cô lập với xã hội và sợ cả những ánh mắt dò xét của những người chung quanh.

“Đường từ trại về nhà, ngày nào cũng có những người xì xùm bàn tán kiểu như: nhà nó sắp chết rồi, có ai mua lợn nữa đâu, nuôi lợn giờ chỉ có nước vỡ nợ…”, tôi vô cùng áp lực và khủng hoảng. Nhưng bản thân mình cũng nhận được sự hỗ trợ động viên rất lớn từ người thân và gia đình. Trước đây, tôi phải thuê thêm sáu nhân công để chăm sóc lợn, nhưng từ ngày giá lợn “rớt thảm” tôi phải huy động cả nhà ra trực tiếp ở trại để làm, giảm chi phí thuê nhân công.

Thậm chí chị còn cảm thấy cùng cực đến mức khi bố chị, một cán bộ quân đội về hưu, phải chìa những đồng lương hưu ít ỏi để chia sẻ gánh nặng trong cuộc sống với con. Rồi cả những đứa em, đứa cháu, bạn bè - mỗi người dăm ba triệu gom góp để mình có thể cầm cự chăn nuôi, chị Huyền xúc động nói.

Về câu chuyện vốn, mới đây tại Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao" do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức đầu tháng 7, tại Hà Nội, anh Lê Văn Trường, chồng của chị Huyền cũng đã thay mặt chị Huyền tham dự và bày tỏ mong muốn được phía ngân hàng tạo điều kiện để tiếp tục vay vốn và gia hạn thời gian cho vay đối với hộ chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặc dù, phía ngân hàng đã về khảo sát đánh giá trực tiếp tại trang trại của gia đình chị nhưng việc huy động vốn vẫn đang trong tình trạng trông chờ và chưa được giải quyết.

Chăn nuôi phải chú trọng chất lượng đầu tiên

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng người nông dân ấy vẫn kiên cường vững chí để tiếp tục chăm sóc đàn lợn và kiên quyết không bỏ qua bất kỳ giai đoạn nào. Bởi như chị Huyền chia sẻ: Lợn đến bữa vẫn phải ăn, có điều chỉ giảm khẩu phần thay cám tổng hợp bằng cám ngô, bã bia… còn vẫn phải bảo đảm các khâu từ tiêm vaccine phòng bệnh và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

“Chi phí mỗi con lợn nái tôi đầu tư khoảng 9-10 triệu đồng tiền giống/con, nuôi đến thời điểm sinh sản thì chi phí lên khoảng 12-13 triệu đồng/con là không hề rẻ và quan trọng là phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, môi trường sạch sẽ, nếu không mình là người chết đầu. Tiêu chí chăn nuôi của tôi đầu tiên là phải an toàn, như vậy mới có hiệu quả kinh tế bền vững”, chị Huyền khẳng định.

Trở lại với cuộc trò chuyện, chị Huyền cho rằng, để tồn tại được đến thời điểm này chị nghĩ là chị đã cố gắng hết sức mình. Câu chuyện về giá cả thị trường không đơn giản là câu chuyện cao - thấp nữa, mà đó dường như đã phản ánh được những chuyện mưu sinh của người nông dân “một nắng hai sương” chịu thương, chịu khó làm lụng, kiếm kế sinh nhai.

“Nhiều người bạn gọi điện hỏi thăm và còn đùa bảo mình như anh hùng vì dám liều và cầm cự được gần nghìn con lợn, khi thời điểm cứ nói đến lợn là người ta nghĩ đến nợ nần, thua lỗ và nghĩ đến phá sản. Biết làm sao được, mình chăn nuôi, mình tâm huyết và mình phải gắn bó với nó thì chỉ còn nước cố gắng hết sức thôi”, chị Huyền lạc quan nói.

Năm 2016, chị Huyền vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, sau đợt biến cố vừa qua, chị cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Chị Huyền bật mí, người nông dân chăn nuôi cần biết lựa chọn thời điểm vào đàn hợp lý, cần lượng sức mình khi đầu tư và lường trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Phải tự tin vào chính mình thì mới đứng vững được.

“Đặc biệt, chăn nuôi phải chú trọng đầu tiên là yếu tố chất lượng, muốn chất lượng tốt thì không thế thiếu công nghệ, tạo dựng được uy tín từ đó có thương hiệu và có thị trường ổn định”, chị Huyền khẳng định.

Chị Huyền cũng phấn khởi cho biết, những năm trước chăn nuôi thuận lợi, tính ra mỗi năm chị lãi hơn ba tỷ đồng đối với chăn nuôi lợn và thu khoảng hơn 200 triệu đồng từ mô hình nuôi cá. Với những thành tích vượt bậc đó, năm 2016 chị vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ với danh hiệu nông dân xuất sắc năm 2016 đã có thành tích trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

“Tấm bằng khen này là một vinh dự lớn lao mà tôi may mắn có được. Đó cũng chính là nguồn động lực để tôi tiếp tục phấn đấu và lao động sản xuất góp phần xây dựng kinh tế gia đình, quê hương và đất nước ngày một vững mạnh”, chị Huyền xúc động nói.

THANH TRÀ - THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34709702-nong-dan-dau-tu-hang-chuc-ty-lam-giau-tu-mot-trang-trai-%E2%80%9Cbo-hoang%E2%80%9D.html