Nông dân Đà Nẵng thất thu vụ Tết

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích trồng rau, củ, quả, hoa, cây cảnh phục vụ Tết trên địa bàn TP Đà Nẵng bị hư hỏng gần như hoàn toàn, thiệt hại rất lớn.

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích trồng rau, củ, quả, hoa, cây cảnh phục vụ Tết trên địa bàn TP Đà Nẵng bị hư hỏng gần như hoàn toàn, thiệt hại rất lớn.

Anh Đoàn Mai tiếp nhiên liệu cho máy bơm hút nước.

Anh Đoàn Mai tiếp nhiên liệu cho máy bơm hút nước.

Ông Trinh Minh Nhiên (trú thôn Túy Loan Tây 2, xã Hòa Phong, H.Hòa Vang) tiếc nuối: “Qua tháng 11 âm rồi nên không ai mà nghĩ còn mưa ngập. Bà con ai nấy đều dồn công sức cho rau vụ Tết, chừ ri thì thả tay hết trơn, cứu chi nổi nữa”.

Tan hoang vựa rau Tết

Trên địa bàn H.Hòa Vang, mưa lớn kéo dài trên diện rộng khiến cánh đồng rau sạch Túy Loan (xã Hòa Phong) - vựa rau, củ, quả cung ứng thị trường tiêu dùng hằng ngày và Tết Nguyên đán sắp tới của huyện đã bị ngập úng dường như toàn bộ. Gần hàng chục héc-ta rau đang cho thu hoạch và nhiều diện tích vừa xuống giống hư hại khiến nông dân đứng ngồi không yên.

Theo ghi nhận của PV Báo Công an TP Đà Nẵng, nước rút dần, toàn bộ rau, củ, quả của bà con gieo trồng đã bị nước ngâm hư hại, hệ thống giàn, lưới che, ống ngã xiêu vẹo, thiệt hại của bà con là rất lớn. Dù trời vẫn chưa ngớt mưa nhưng nhiều bà con nông dân vẫn tranh thủ ra đồng rau với hy vọng vớt vát được chút ít vốn liếng từ những vạc rau ăn lá còn sót lại trên những mô đất cao, nhưng có lẽ cũng không được bao nhiêu bởi đa số rau đã bị dập nát. Chưa kể các loại rau ăn trái như mướp, khổ qua, bí đao, dưa leo, đậu cô-ve... trồng để chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán nay đang chìm trong nước từ 30-40 cm. Vậy là vụ này người nông dân lại trắng tay.

Ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan cho hay mưa lớn dài ngày, khiến cả cánh đồng rau ngập sâu trong nước, hơn 6ha rau màu của bà con dường như đã bị dập nát, hư hại hoàn toàn. Hiện tại HTX đang thống kê thiệt hại để đề nghị chính quyền hỗ trợ giống, thuốc xử lý đất cho bà con nông dân.

Ông Đặng Vui, người dân thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong chia sẻ: “Bà con đã xuống giống coi như mất trắng trong vụ này. Nếu muốn làm lại phải chờ khoảng lưng nửa tháng nữa để nước rút, đất khô. Tết tới đây có lẽ sẽ rất khó khăn cho bà con...”. Theo thống kê sơ bộ của H.Hòa Vang, sau đợt mưa lớn này diện tích rau vụ đông của địa phương đã bị ngập, hư hại hơn 28 ha, gồm các vựa rau lớn như HTX rau sạch Túy Loan (xã Hòa Phong), Thạch Nham Tây, Phước Hưng Nam, Ninh An, vùng sản xuất kiệu Tết ở thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn), Giáng Nam và hơn 16 ha lạc mới tỉa ở xã Hòa Phước... Hàng trăm hộ dân chuyên canh rau giờ cũng chỉ biết đứng nhìn ruộng rau nhà mình ngập trong nước. Kể cả rau màu đang sắp thu hoạch cũng như rau vụ Tết đều hư hại toàn bộ.

Bà con nông dân H. Hòa Vang tranh thủ thu hoạch, hy vọng vớt vát được chút ít rau còn sót lại.

Nông dân Hòa Quý điêu đứng

Có mặt tại vườn trồng cúc của anh Đoàn Mai (42 tuổi, P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn), khi được hỏi về tình hình tại vườn, anh vừa kể vừa xúc động, đôi mắt đỏ hoe rưng rưng nước mắt: “Đã 3 ngày rồi không màng đến chuyện ăn uống, lo bơm nước ra khỏi vườn cứu hoa. Nhà 4 người thì 2 người đau ốm, còn tôi với đứa con trai học lớp 9 túc trực ở đây từ hôm mưa đến giờ”. Anh kể phải thuê máy bơm hút nước liên tục cả ngày lẫn đêm để cứu 1.000 chậu cúc phục vụ Tết. Mỗi ngày thuê máy hết 1 triệu đồng, mặc dù tốn kém nhưng anh vẫn chấp nhận vì để tình trạng nước ngập như thế này sẽ mất trắng. Sáng 11-12, khi trời đã ngớt mưa thì vườn cúc của anh Mai vẫn ngập khoảng 40cm. Các chậu cúc không thể di chuyển lên chỗ cao ráo hơn được vì nước đã ngấm, dễ bể chậu và nhân lực không có. “Để chuẩn bị cho vụ Tết, tôi đã vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng đầu tư, chưa kể công sức bỏ ra. Còn 2 tháng nữa là tới Tết, không biết hoa có kịp nở đúng vụ không nữa”, anh Mai thở dài.

May mắn ở mỏm đất cao hơn nhưng sau trận mưa vào ngày 10 thì vườn hoa khoảng 900 chậu của anh Phạm Bé (38 tuổi) cũng ngập, nhiều chậu ngập lút ngọn, thiệt hại ước tính cả trăm triệu đồng. Dựa theo kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa, anh Bé cho biết, hoa cúc ngập ngọn rất khó xử lý, nếu cố gắng thì cũng sợ nở không đúng dịp Tết Nguyên đán. Còn đối với các chậu bị ngập sơ sơ thì xử lý bằng cách phun thêm thuốc rễ, nếu may mắn thì cứu được 60-70%. Ngoài cúc thì vườn anh Phạm Bé cũng trồng gần 10.000 cây Phong ba để cung cấp cho các resort, khách sạn nhưng cũng bị ngập toàn bộ. Hiện tại, anh Bé đang huy động 2 máy bơm để hút nước. “Do đặc điểm của loại cây này chỉ cao khoảng 35-40cm nên bị nước nhấn chìm sâu, uớc tính thiệt hại thêm khoảng 70-80 triệu đồng. Hy vọng ông trời thương không để mưa nữa, vụ này chỉ mong huề vốn là mừng lắm rồi!”, anh Phạm Bé cười trừ.

Ông Nguyễn Khanh (trú P. Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn) cho biết, do chưa chuyển đổi được ngành nghề vẫn làm nông, đến thuê đất ở khu vực Khái Tây, P.Hòa Quý để trồng rau diếp cá mỗi năm 20 triệu đồng. Theo kinh nghiệm, qua 23-10 âm lịch thì thời tiết hết mưa lũ nên nông dân ai cũng xuống giống, rải phân. Một số người bạn của ông cũng vừa thả cá giống xuống hồ thì cũng theo dòng nước trôi đi rồi, thiệt hại rất nặng nề.

Ông Nguyễn Kim, Chủ tịch UBND P. Hòa Quý cho biết, phường đã thống kê thiệt hại sơ bộ sau trận mưa lịch sử vừa qua. Cụ thể đã có 3 ha hoa phục vụ Tết bị ảnh hưởng; 9ha nuôi tôm và 2,5 ha nuôi cá bị thiệt hại với tổng sản lượng 10 tấn. Ngoài ra còn có hàng chục héc-ta hoa màu bị thiệt hại như khoai lang (3 ha), đậu phộng (20 ha), rau diếp cá, rau muống (14 ha)... Ước tính thiệt hại khoảng 650 triệu đồng. “Thời gian tới, phường sẽ hỗ trợ kinh phí tái sản xuất cho bà con bị thiệt hại. Bên cạnh đó sẽ rà soát lại các điểm trồng hoa phục vụ Tết bị ngập úng nặng để hướng dẫn, chuyển đổi vị trí trồng cao hơn trong vụ sau”, ông Kim chia sẻ hướng khắc phục.

Theo thống kê từ UBND quận Ngũ Hành Sơn, đợt mưa vừa qua có khoảng 150 hộ dân ở các khu vực Bá Tùng, Bình Kỳ, Khuê Đông, Mân Quang, Khái Tây, Hải An (P. Hòa Quý); khu dân cư Sơn Thủy, khu vực dự án FPT (P. Hòa Hải); khu vực K20 (P. Khuê Mỹ) bị ngập cục bộ với mực nước ghi nhận từ 30 cm đến 50 cm. Về thiệt hại, thống kê ban đầu có 33 ha rau bị hư dập từ 30% đến 70%; dập nát 5.000 chậu hoa đã đến kỳ xuất bán, 1 héc-ta hoa cúc, vạn thọ thời vụ; 10 hộ trồng hoa cúc bán Tết bị dập nát 30%.

THANH HOA - MAI VINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_199492_nong-dan-da-nang-that-thu-vu-tet.aspx