Nông dân 'cứu' lúa và bưởi Phúc Trạch tại 'rốn lũ' miền Trung

Sau những ngày mưa liên tiếp đến nay nước lũ đã bắt đầu rút. Nhiều địa phương tranh thủ thời tiết nắng ráo ra đồng gặt lúa, thu hoạch số bưởi bị ngâm nước.

Các tổ chức, đoàn thể cũng mở chiến dịch “giải cứu” bưởi Phúc Trạch cho người dân vùng lũ.

Sáng ngày 6/9, tại Hà Tĩnh mưa đã ngớt, thời tiết nắng ráo trở lại. Để khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát để cứu trợ, hỗ trợ nhân dân vùng lũ ổn định cuộc sống sinh hoạt sau lũ.

Tại các huyện vùng đồng bằng như Thạch Hà, Cẩm Xuyên… người dân tranh thủ thời tiết nắng ráo ra đồng gặt lúa. Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) có 7 sào lúa đến kỳ thu hoạch. Trước bão số 4, chị thu hoạch được 3 sào, còn 4 sào chưa kịp gặt thì bão đổ bộ rồi đến áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ngập úng mấy ngày nay.

“Lúa gặt về chưa kịp phơi nên bị nảy mầm, bốc mùi chua, lúa ngoài đồng chưa kịp gặt thì bị ngâm nước. Giờ chỉ gặt về xay cho bò ăn chứ người không ăn được nữa. Mùa này coi như mất trắng”, chị Hoa thở dài.

Hương Khê huy động các lực lượng, tổ chức đoàn thể giúp dân khắc phúc hậu quả sau lũ

Hương Khê huy động các lực lượng, tổ chức đoàn thể giúp dân khắc phúc hậu quả sau lũ

Sau khi thu hoạch được 4 sào lúa, chị Nguyễn Thị Thủy (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên) tận dụng mọi chỗ trống trong nhà, bật quạt cả ngày để lúa khỏi nảy mầm. Sáng nay trời vừa hửng nắng, chị liền thúc giục người nhà mang lúa ra phơi, còn chị tranh thủ ra đồng gặt phần lúa còn lại.

Chị Thủy cho biết: “Nhà có 6 sào lúa, cứ nghĩ “xanh nhà hơn già đồng” nên cố gắng gặt chạy bão, nhưng ai ngờ bão đi qua thì xuất hiện áp thấp nhiệt đới “kép” khiến trời mưa triền miên, lúa gặt về cũng chưa phơi được nắng nào. Tôi cũng làm hết cách rồi không biết có còn sử dụng được nữa không”.

Lúa đã thu hoạch bị ướt mưa nảy mầm, bốc mùi chua

Tại một số xã của huyện Hương Khê, nước đã cơ bản rút, đến chiều 6/9 chỉ còn 2 xã bị ngập. Với phương châm “nước rút đến đâu, khắc phục đến đó”, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức, đoàn thể nỗ lực dọn dẹp bùn đất, rác rưởi tại các trường học, trụ sở ủy ban, nhà văn hóa… để ổn định đời sống sinh hoạt.

Ngoài hàng ngàn ngôi nhà bị nước lũ cô lập, hàng trăm héc ta hòa màu mất trắng, huyện Hương Khê còn gần 1.500 ha bưởi đặc sản Phúc Trạch trị giá khoảng 300 tỷ bị ngập úng, nguy cơ hư hại rất cao. Chiến dịch “giải cứu” bưởi Phúc Trạch được các đơn vị, đoàn thể triển khai, trong đó Tỉnh đoàn Hà Tĩnh là đơn vị đi đầu trong việc thu gom và kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ bà con vùng lũ.

Giúp người dân “giải cứu” bưởi Phúc Trạch

Sau một ngày triển khai, hơn 8.000 quả bưởi Phúc Trạch đã được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh bán hết. Giá bưởi giao động từ 20.000 – 50.000 đồng/quả tùy trọng lượng của từng quả.

Ngoài Tỉnh đoàn, các đơn vị khác như các huyện đoàn, trường Đại học Hà Tĩnh, những người con xa quê, hội đồng hương và các cá nhân cũng đăng trên mạng xã hội nhằm “giải cứu” bưởi giúp người dân vùng lũ.

Trước đó, mưa lớn trong những ngày qua kết hợp xả tràn Nhà máy Thủy điện Hố Hô khiến các tuyến giao thông tại 6 xã của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ngập sâu.

Theo báo cáo bước đầu, mưa lũ đã làm 5 người chết, 64 xã, phường, thị trấn với hơn 5.500 hộ bị ngập lụt, có nơi ngập sâu trên 3m, một số địa phương học sinh chưa thể đến trường. Mưa lũ còn khiến hàng ngàn héc ta diện tích lúa hè thu, rau màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, nhiều cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi… bị thiệt hại nặng.

Tâm Đan

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nong-dan-cuu-lua-va-buoi-phuc-trach-tai-ron-lu-mien-trung-157302.html