Nóng dần cuộc đua vào Nhà Trắng

Nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu khởi động trở lại sau khi bị ngưng trệ do tác động của đại dịch COVID-19. Động cơ đằng sau chính là tái khởi động chiến dịch tranh cử.

Trước khi dịch bùng phát, vốn liếng tranh cử lớn nhất của đương kim Tổng thống Donald Trump là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua và thị trường chứng khoán tăng mạnh, thì đến nay đã tan thành mây khói, do đó chắc chắn ông phải thay đổi chủ đề tranh cử. Còn kết quả cuộc chiến chống dịch của Nhà Trắng được cho là đang có lợi đối với ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Dưới tác động của dịch bệnh, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này cũng là một bài kiểm tra sức ép đối với nền chính trị bầu cử, thậm chí là thể chế chính trị Mỹ.

Đối với ông Donald Trump, tái khởi động nền kinh tế là để tái khởi động tranh cử, sách lược then chốt là thay đổi chủ đề. Hình ảnh "Tổng thống thời chiến" của ông Trump coi như đã bị sụp đổ hoàn toàn bởi sau khi tự tuyên bố, tình hình đại dịch của nước Mỹ không những giảm mà còn gia tăng chóng mặt. Sóng gió của phát ngôn "tiêm thuốc khử trùng để tiêu diệt virus trong cơ thể" càng khiến việc thay đổi chủ đề của ông Trump thêm cấp thiết.

Tara Reade thời trẻ và Tara Reade hiện tại, khi đưa ra lời cáo buộc nhằm vào ông Joe Biden.

Tara Reade thời trẻ và Tara Reade hiện tại, khi đưa ra lời cáo buộc nhằm vào ông Joe Biden.

Theo giới truyền thông Mỹ, trước đó ông Trump luôn coi cuộc họp báo hằng ngày về tình hình dịch bệnh được tổ chức ở Nhà Trắng là công cụ thay thế tốt nhất cho việc tập hợp tranh cử mà ông mong muốn nhưng không thể tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, kể từ sau phát ngôn sóng gió nói trên (cuối tháng 4), Tổng thống Trump không còn xuất hiện trong các cuộc họp báo đó nữa, bởi đội ngũ trợ lý tranh cử lo ngại ông sẽ một lần nữa phát ngôn tùy tiện, hủy hoại hình ảnh của mình.

Đồng thời, cũng bắt đầu từ thời điểm đó, hình ảnh "Tổng thống tái thiết nền kinh tế" của Donald Trump bắt đầu trở thành chủ đề trong hoạt động tranh cử của ông. Bản thân ông Donald Trump cũng đã tuyên bố ở rất nhiều diễn đàn rằng nền kinh tế Mỹ sẽ huy hoàng trở lại.

Nếu như ông Trump cần xây dựng lại hình ảnh thì với ông Joe Biden, chiến lược cạnh tranh lại là "bảo vệ hình ảnh". Cùng ngày với việc xuất hiện lại trước công chúng của ông Trump để bắt đầu chiến dịch tái vận động tranh cử sau kỳ cách ly vì COVID-19 hôm 1-5, ông Joe Biden cũng lần đầu tiên chính thức phủ nhận cáo buộc tấn công tình dục nhằm vào ông bằng phương thức kết nối video với các phương tiện truyền thông tại nhà riêng của mình ở bang Delaware.

Trước đó, ngày 9-4, bà Tara Reade - người từng làm trợ lý cho ông Joe Biden cáo buộc ông đã tấn công tình dục bà 27 năm trước. Trong gần 1 tháng sau đó, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhưng cáo buộc tấn công tình dục nhằm vào ông Joe Biden chưa bao giờ bị thông tin về dịch bệnh nhấn chìm cả. Người ta thấy phản ứng chính thức của ông Joe Biden chỉ là sự khởi đầu của một cuộc phản công phòng thủ.

Mặc dù Tara Reade không thừa nhận mình có mối liên hệ với đội ngũ trợ lý tranh cử của Donald Trump nhưng khi trả lời phỏng vấn vào ngày 8-5, bà này hy vọng ông Joe Biden sẽ rút lui. Đương nhiên, ông Joe Biden sẽ không rút lui vì cáo buộc tấn công tình dục này nhưng xét về mặt khách quan thì nó khiến cho ông lâm vào thế bị động trong cuộc cạnh tranh.

Hiện nay, đòn phản công chủ yếu của đội ngũ trợ lý tranh cử của ông Joe Biden là tập trung vào tình hình dịch bệnh của Mỹ với hy vọng biến cuộc bầu cử thành cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về kết quả chống dịch của chính quyền ông Donald Trump.

Và cho dù xét tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò khảo sát hay sách lược tranh cử thì cả ông Donald Trump và ông Joe Biden hiện đều không có ưu thế tuyệt đối hoặc có thể nói rằng đã hình thành sự cân bằng nhất định. Tuy nhiên, theo đánh giá, sự cân bằng này tương đối khó xử, trong bối cảnh hai bên đều không có ưu thế mang tính áp đảo, nên đều lựa chọn điểm yếu của nhau để tấn công. So với lịch sử bầu cử tổng thống từ trước đến nay, có thể nói chính hiện thực nền chính trị của nước Mỹ đã tạo nên cục diện như vậy. Xét từ góc độ vận động bầu cử, tấn công đối thủ dễ hơn nhiều so với việc quản lý bản thân. Đây cũng là sự khó xử trong nền chính trị bầu cử Mỹ hiện nay.

Trong bối cảnh các bang xanh và đỏ ở Mỹ chia ranh giới rõ ràng, chính trị phân cực, các bang dao động ngả về nhân vật nào trong cuộc bầu cử luôn là chìa khóa quyết định thắng lợi cuối cùng. Năm 2016, sở dĩ ông Donald Trump có thể đánh bại bà Hillary Clinton là do nắm được vai trò quyết định của các bang dao động. Xét từ góc độ tư cách ứng cử viên, cuộc bầu cử năm đó tương đối bình đẳng, bởi cả ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đều không phải là tổng thống đương nhiệm, cử tri không thể tham khảo bảng thành tích cầm quyền để quyết định.

Còn trong cuộc bầu cử năm 2020 lần này, cử tri Mỹ, đặc biệt là cử tri ở những bang dao động đang phân vân về ý định bỏ phiếu, khi quyết định có bầu cho ông Donald Trump nữa hay không thì họ sẽ không chỉ nhìn vào tư cách ứng cử viên tổng thống của ông mà quan tâm hơn đến hiệu quả cầm quyền của tổng thống đương nhiệm.

Và vì thế, hiệu quả chống dịch chính là vấn đề dễ nhận thấy nhất. Khả năng Nhà Trắng thất thủ là nguy cơ lớn nhất của ông Donald Trump hiện nay. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là đối với ông Donald Trump chỉ toàn bất lợi. Truyền thông Mỹ đã thống kê cho hay, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, trong số 18 vị tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo, chỉ có 5 người thất bại. Nếu như vậy, xác suất bất lợi thậm chí còn đang nghiêng nhiều hơn về ông Joe Biden.

Ngọc Lan (Theo NYT)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/nong-dan-cuoc-dua-vao-nha-trang-600904/