Nông dân chưa 'mặn mà' với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Chợ Mới là địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp với rau màu và cây ăn trái. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đã và đang phát huy hiệu quả, giúp nông dân hạn chế chi phí và tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường... Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một bộ phận nông dân chưa 'mặn mà' do nhiều nguyên nhân.

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Chợ Mới hiện còn gặp không ít khó khăn, đó là chi phí đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nguồn lực tài chính của người dân và các nhà đầu tư còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp có độ rủi ro cao về thời tiết, thị trường nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm chủ yếu là sản xuất thô, chưa qua chế biến, từ đó chưa nâng được giá trị sản phẩm nông sản. Hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương chưa vận hành chính thức để đánh giá hiệu quả, nhân rộng, từ đó nông dân chưa mạnh dạn đăng ký đấu nối do còn ngại về chi phí đối ứng, chi phí tiền sử dụng nước. Bên cạnh đó, do tập quán canh tác đã hình thành lâu đời nên khi vận động chuyển đổi phương thức sản xuất rất khó. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chưa nhiều, chất lượng và mẫu mã sản phẩm chưa cao nên chưa tăng năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp.

Chủ tịch UBND xã Tấn Mỹ Huỳnh Cẩm Giang cho biết: “Theo kế hoạch, xã Tấn Mỹ thực hiện 200ha xoài tưới nhỏ giọt. Đến nay đã vận động được 68 hộ đăng ký 34ha. Đã phối hợp thiết kế đường ống cho 42 hộ, với 29ha, vận hành thử 5 hộ, 3,3ha. Người dân băn khoăn giá lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt khá cao, thậm chí chênh lệch so giá chiết tính (ban đầu dự kiến 3,5-4 triệu đồng/1.000m2). Thực tế, báo giá tăng lên 6-8 triệu đồng/1.000m2, nên nông dân rất ngán ngại đầu tư. Thêm nữa, nhà đầu tư chưa tính toán cụ thể giá tiền sử dụng cho 1.000m2 đất trồng xoài trong 1 tháng, 1 năm là bao nhiêu”.

Nông dân Nguyễn Hữu Hội (ấp Tấn Quới, xã Tấn Mỹ) cho biết: “Đầu tư đường dây, phụ tùng máy bơm, giá tiền nước hàng tháng chưa biết bao nhiêu 1m3. Ngay cả chính quyền địa phương còn chưa biết, bởi phụ thuộc nhà đầu tư. Dân ở đây trồng xoài ít nhất cũng vài ngàn m2, nhiều nhất 20.000 m2, nếu tính chi phí đầu tư ban đầu tiêu tốn hơn 100 triệu đồng nên rất ngán ngại”. Trong khi đó, tại nơi đã vận hành thử nghiệm xoài tưới nhỏ giọt nông dân rất phấn khởi, hiệu quả thấy rõ, xoài cho trái màu đẹp, bóng hơn; chủ yếu xoài loại 1, trọng lượng đều 800gr-1kg, đặc biệt là rất ít xoài cóc, nhẹ chi phí và ít tốn công chăm sóc. Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Mỹ Hiệp) chia sẻ: “Được sự hỗ trợ, tôi mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt 5.000m2 xoài 3 màu. Mô hình 3 trong 1, tưới được nước, phân, thuốc, cho lợi nhuận cao hơn nhờ giảm chi phí công lao động, phân bón khoảng 300.000-350.000 đồng/1.000m2”.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Chợ Mới Nguyễn Xuân Thịnh cho biết: “Năm 2018, Chợ Mới được hỗ trợ đầu tư thực hiện 4 dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, với kinh phí 54 tỷ đồng (3 dự án tưới nhỏ giọt trên cây ăn trái 3 xã cù lao Giêng với diện tích 540ha, 1 dự án tưới phun sương trên rau màu xã Kiến An với diện tích 80ha); hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng mô hình sản xuất xoài 3 màu 500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm; đề án hỗ trợ nông dân 50% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt đến vườn của hộ dân với diện tích 200ha. Hiện, các hạng mục ở 3 xã cù lao Giêng lắp đặt thiết bị 540ha hoàn thành, đã vận hành thử ở Tấn Mỹ, còn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân đang chờ đóng điện. Dự án ở xã Kiến An đã lắp đặt thiết bị máy hoàn thành. Đã tính được giá 1 khối nước, nhưng chưa tính được tiền quản lý vận hành do huyện chưa giao đơn vị nào quản lý vận hành”.

Để nông dân ứng dụng với công nghệ cao vào sản xuất, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu để sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đầu tư bài bản mô hình mẫu. Xây dựng quy hoạch các vùng ứng dụng công nghệ cao chuyên canh, hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, theo quy trình và sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu.

Toàn huyện Chợ Mới có 6.475ha trồng cây ăn trái, trong đó diện tích trồng xoài 5.707ha, chiếm 88,1% diện tích (127,3ha xoài đạt chứng nhận VietGAP ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân). Đề án hỗ trợ 200ha ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ở 3 xã cù lao Giêng (nhà nước hỗ trợ 50%, dân đối ứng 50%), đến nay có 188 hộ đăng ký tham gia dự án, với diện tích xoài 115,09ha/200ha, đạt 60,15% so kế hoạch.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/nong-dan-chua-man-ma-voi-ung-dung-nong-nghiep-cong-nghe-cao-a243365.html