Nông dân bỏ ruộng-vì sao?

Hiện nay, tình trạng nông dân bỏ ruộng, không canh tác, sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp ngày một tăng, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng không nhỏ tới ổn định xã hội và khó khăn lớn cho công tác hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước.

Tính đến thời điểm này chưa thấy cơ quan quản lý nhà nước nào thống kê đầy đủ về thực trạng người nông dân bỏ ruộng và công bố rộng rãi trên công luận. Như vậy, việc đánh giá chính xác tác động, ảnh hưởng của vấn đề này tới kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội là rất khó khăn.

Theo thống kê của một số tỉnh ở về tình trạng này cho thấy, hiện tượng nông dân bỏ ruộng có xu hướng tăng. Năm 2017, tỉnh Hà Nam chỉ có hơn 100 ha ruộng bị bỏ hoang thì năm 2019, số diện tích bị bỏ hoang đã lên tới 310 ha. Tỉnh Vĩnh Phúc, vụ mùa năm 2019 có hơn 1.000 ha ruộng bỏ hoang và diện tích gieo trồng vụ đông năm 2019 của tỉnh này giảm tới 6.000 ha. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có hơn 110 ha ruộng bị bỏ hoang; tỉnh Thái Bình có hơn 1.200 ha ruộng bị bỏ hoang.

 Ảnh minh họa/moitruong.net.vn

Ảnh minh họa/moitruong.net.vn

Tìm hiểu về thực trạng bỏ ruộng ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình nhận thấy, nguyên nhân chính là: Do sản xuất nông nghiệp là hoạt động rất vất vả, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên giới trẻ thời nay rất ngại. Họ chọn đăng ký đi làm ở các nhà máy, xưởng sản xuất tư nhân hoặc tham gia vào các loại hình cung cấp dịch vụ cho giá trị thu nhập đều hơn, cao hơn. Đặc biệt, do biến đổi khí hậu, do giá trị từ sản xuất nông nghiệp của nông dân thấp hơn so với các lĩnh vực kinh tế khác nên không thu hút được lao động. Các loại dịch vụ làm đất, gặt hái và chi phí vật tư nông nghiệp gồm phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... khá đắt đỏ nên giá trị công lao động trong sản xuất nông nghiệp không cao.

Thực tế các địa phương nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ nhận thấy, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi trồng lúa sang các loại cây trồng khác như cây ăn quả có múi, cây cảnh, rau hoặc nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi nhưng giá trị thu nhập cũng không cao và ổn định vì khủng hoảng thừa, nhu cầu tiêu thụ hạn chế và dịch bệnh.

Thay vì sản xuất nông nghiệp tại địa phương như trước đây, nhiều gia đình đã chọn giải pháp cho con em đi làm công nhân, tham gia vào cung cấp các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu xã hội, canh tác lúa hạn chế, chỉ cung cấp đủ lương thực cho gia đình. Nhiều người kéo ra thành phố và các khu đô thị lớn để mưu sinh, trong đó phổ biến là làm các công việc phổ thông, nặng nhọc trong nghề xây dựng, đã khiến cho mật độ dân số khu vực đó tăng lên. Đây là nguyên nhân trực tiếp tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn cho xã hội mà phổ biến nhất là hiện tượng kẹt xe, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tệ nạn xã hội...

Để hạn chế tình trạng này, vấn đề cơ bản là Nhà nước cần có cơ chế, giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn ở các khu vực nông thôn, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hướng mạnh ra xuất khẩu.

Cần khuyến khích và huy động các doanh nghiệp đầu tư sâu vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thông qua các ưu đãi về vốn và cơ chế. Thực tế hiện nay, do đầu tư nông nghiệp công nghệ cao có quy mô vốn lớn nên số doanh nghiệp đủ sức đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều. Hạn chế về thị trường tiêu thụ sản phẩm, vốn, kỹ thuật và cơ chế đã khiến cho nhiều sản phẩm nông nghiệp bị thua ngay trên sân nhà, không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập cùng loại hoặc lâm vào tình trạng “được mùa mất giá”, khủng hoảng thừa.

Thực tế cho thấy, sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ít được đầu tư công nghệ chế biến sâu nhằm xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm. Hơn nữa, một phần là do khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp chưa tìm ra được nhiều loại giống lúa và các loại cây trồng phù hợp với đặc điểm khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng từng địa phương Việt Nam và cho năng suất cao, ổn định nên nông dân chưa mặn mà với sản xuất nông nghiệp.

Để trở thành một quốc gia mạnh về xuất khẩu nông nghiệp, vấn đề tiên quyết là đầu tư khoa học nông nghiệp công nghệ cao thích ứng, cho ra nhiều giống mới vượt trội. Một khi có lợi trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân sẽ yên tâm phát triển sản xuất thay vì ly hương để mưu sinh ở thành phố. Lúc ấy, bài toán quản lý xã hội bền vững sẽ phát huy tốt hiệu quả.

MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/nong-dan-bo-ruong-vi-sao-618100