Nóng chuyện Vũ 'nhôm', BOT

Các sở - ngành ở Đà Nẵng để kéo dài công trình trái phép, chậm báo cáo việc kiểm tra tài sản của ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) l Tỉnh Khánh Hòa tham mưu đặt trạm BOT vì muốn bảo đảm phương án tài chính cho nhà đầu tư

Ngày 11-1, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức họp báo quý IV/2017. Nhiều câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền trong quản lý đất đai liên quan đến ông Vũ "Nhôm" đã được đặt ra tại cuộc họp báo này.

Chậm xử lý công trình trái phép

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc xử lý xây dựng trái phép hàng chục biệt thự tại dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển The Song (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) của Công ty CP Phát triển đô thị Du lịch Sóng Việt, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP, nói các công trình vi phạm đã được phát hiện rất lâu, giao quận Ngũ Hành Sơn xử lý. Quận này đã phạt chủ đầu tư 100 triệu đồng.

Ông Hùng nêu quan điểm là phải xử lý tới cùng những sai phạm tại dự án The Song. "Sai phạm chỗ nào, chỗ nào lấn chiếm không gian công cộng thì phải xử lý, dứt khoát phải dỡ bỏ chứ không xem xét mềm dẻo ở đây được! Tôi đề nghị phạt thêm đơn vị thi công và đơn vị giám sát" - ông Hùng đề xuất.

Trong trách nhiệm của mình, ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, phân trần khi phát hiện công trình xây dựng trái phép, quận đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, buộc đình chỉ thi công nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp. Do đó, quận vừa thành lập tổ giám sát, tiếp tục ngăn chặn công trình thi công. Sau 60 ngày, nếu chủ đầu tư không trình được giấy phép của cơ quan chức năng thì quận buộc phải tháo dỡ công trình, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế.

Lắng nghe trình bày vụ việc trên, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý kiên quyết, không để vi phạm lớn như vậy dây dưa, kéo dài.

Đáng chú ý là nhiều câu hỏi liên quan đến việc thâu tóm đất công của ông Vũ "nhôm" và việc chỉ đạo xử lý sai phạm ra sao. Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết UBND TP Đà Nẵng đã ra văn bản yêu cầu ngừng giao dịch các tài sản của ông Vũ "nhôm" cùng 3 cá nhân liên quan; đồng thời yêu cầu các sở - ngành chức năng rà soát tất cả tài sản của 4 cá nhân này, báo cáo trước ngày 10-1.

Tuy nhiên, do tài sản của ông Vũ "nhôm" nằm rải rác ở một số quận - huyện, đã chuyển nhượng, phải mất thời gian rà soát, kiểm tra nên đến nay, các sở - ngành chức năng vẫn chưa tổng hợp, báo cáo. Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc, phải chờ đến khi có kết luận chính thức mới trả lời được.

Tình trạng xây dựng trái phép tại dự án The Song vẫn để kéo daìẢnh: Bích Vân

Tình trạng xây dựng trái phép tại dự án The Song vẫn để kéo daìẢnh: Bích Vân

Lo thay nhà đầu tư BOT!

Cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh này năm 2017. Tình hình thu phí ở các trạm BOT ở tỉnh này đã làm nóng không khí cuộc họp. Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa, đã trả lời những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của sở trong tham mưu đặt trạm BOT giao thông trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, báo chí đặt vấn đề: Vừa qua, khi tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất với Bộ GTVT cho phép dời trạm Cam Thịnh (đặt tại xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh), phải chăng Sở GTVT "bắt tay" nhà đầu tư để tận thu? Ông Dần cho rằng khi BOT Cam Thịnh khi đi vào hoạt động, nhiều xe đã né trạm và đi qua tỉnh lộ thuộc Cam Thịnh Tây, phá nát đường này, làm ảnh hưởng đến đời sống, đến môi trường của người dân, tỉnh buộc phải đầu tư sửa chữa. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc Bộ GTVT xem xét di dời trạm thu phí BOT Cam Thịnh.

"Tỉnh thấy rằng đấy là phương án đúng đắn nhất để bảo đảm các xe không né tránh trạm, không phá tỉnh lộ" - ông Dần lý giải. Khi báo chí đặt vấn đề có lấy ý kiến người dân vùng bị ảnh hưởng khi dời trạm thu phí trước khi thỏa thuận hay chưa thì ông Dần không trả lời.

Trong khi đó, trạm Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) dự kiến thu phí vào cuối năm 2018. Người dân không đồng tình trạm này đặt trên Quốc lộ 26, chỉ cách trạm Ninh An (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa) chưa đến 8 km. Ông Dần lý giải việc sở tham mưu dẫn đến việc tỉnh Khánh Hòa, chủ đầu tư và Bộ GTVT thống nhất đặt trạm ở xã Ninh Xuân là để tiện việc kiểm soát cũng như thực hiện phương án tài chính cho nhà đầu tư. Ông Dần còn phân trần: Khi hoàn thành giai đoạn 1 khoảng 11,5 km, để tiến hành thu phí thì Bộ GTVT thấy phát sinh nhiều vấn đề cần phải xem xét bổ sung nên thống nhất với nhà đầu tư nâng cấp Quốc lộ 26 thêm hơn 4 km nữa. Sau khi đầu tư xong thì nhà đầu tư mới bắt đầu thu phí.

Về việc tham mưu vị trí đặt trạm khi khoảng cách giữa 2 trạm thu phí Ninh Xuân và Ninh An chỉ 8 km mà không phải 70 km như quy định của Bộ GTVT, ông Dần giải thích: "Hai trạm Ninh Xuân và Ninh Lộc là 2 nhà đầu tư khác nhau. Mỗi dự án BOT phải có một phương án tài chính riêng nên phải bảo đảm phương án tài chính cho họ. Khoảng cách quy định trạm cách trạm tối thiểu 70 km là áp dụng trên cùng tuyến đường chứ không áp dụng trên các tuyến đường được".

Vì cho rằng vị trí đặt 2 trạm trên là phù hợp nên ông Dần cũng không trả lời về trách nhiệm tham mưu của Sở GTVT, nhất là trong trường hợp sau khi trạm thu phí Ninh Xuân đi vào hoạt động bị người dân phản đối, gây mất an ninh trật tự như đang diễn ra tại trạm Ninh An.

Bị báo chí truy trách nhiệm về việc tham mưu đặt trạm thu phí Ninh Xuân bên cạnh "điểm nóng" BOT Ninh An, ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, đã phải lên tiếng: "Tôi thấy báo chí đặt ra vấn đề ở trạm Ninh Xuân thì ngành giao thông cũng nên ghi nhận, sớm tham mưu cho UBND tỉnh trả lời… Chúng tôi ghi nhận ý kiến này, cần thiết sẽ có kiến nghị với Bộ GTVT xem xét vị trí đặt trạm ở Ninh Xuân cho phù hợp".

Hoàng Dũng - Bích Vân - Hồng Ánh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nong-chuyen-vu-nhom-bot-20180111235427813.htm