'Nóng' chuyện Quỹ xúc tiến du lịch, xếp hạng sao cho khách sạn

Làm thế nào để có nguồn thu cũng như quản lý Quỹ xúc tiến du lịch; đề xuất tự nguyện hay bắt buộc xếp hạng sao với các khách sạn… là hai nội dung 'nóng' tại tọa đàm 'Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn' do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và ban Nhân Dân cuối tuần (Báo Nhân Dân) tổ chức sáng 9-6.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam; ông Phan Huy Thắng, Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần; ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam.

Từ 2016 với sự tăng trưởng đột biến của du lịch Việt Nam với nhiều chính sách mới ra đời, du lịch Việt Nam đang bước vào cao trào phát triển và còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2017 này. Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Huy Thắng, Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần cho biết, thời gian qua, Báo Nhân Dân cuối tuần đã tổ chức loạt bài chuyên về lĩnh vực du lịch nhằm đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Du lịch lần này. Ông Phan Huy Thắng mong muốn các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến về vai trò quan trọng của Luật Du lịch trong xu thế phát triển; các ý kiến nâng tầm du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn; tăng cường tổ chức xã hội nghề nghiệp với du lịch…

Tại tọa đàm, các nội dung “nóng” về quản lý hướng dẫn viên, thành lập Quỹ xúc tiến du lịch và việc đăng ký xếp hạng sao cho các doanh nghiệp được thảo luận sôi nổi với nhiều quan điểm trái chiều.

Xếp hạng khách sạn: đăng ký tự nguyện hay bắt buộc?

Tự nguyện hay bắt buộc đăng ký xếp hạng khách sạn là câu chuyện nóng nhất tại tọa đàm. Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên – Huế Đinh Mạnh Thắng, nên đề xuất tự nguyện đăng ký thay vì bắt buộc đăng ký với các cơ sở lưu trú vì đây là tự do của các tổ chức cá nhân. Ông bày tỏ “Các doanh nghiệp nếu thấy có lợi, họ sẽ đăng ký còn chưa thấy có lợi, thì không bắt buộc phải đăng ký. Quan trọng là bảo đảm tiêu chí hoạt động đúng chất lượng phục vụ du khách”.

Ông Đỗ Trọng Hiền, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thái Nguyên cũng cho rằng, đây là vấn đề phù hợp luật doanh nghiệp, tự do kinh doanh, do đó việc xếp hạng nâng cao thương hiệu là tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Ông Hiền dẫn chứng, có khách sạn chưa đủ 40 phòng lưu trú để đạt 3 sao nhưng chất lượng của họ có thể tương đương với khách sạn 4 sao. Do đó, ông cũng nghiêng về đề xuất nên để tự do đăng ký xếp hạng.

Ông Bùi Quốc Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng cho rằng xếp hạng là một sân chơi, thích thì tham gia không thì thôi. Nên ông cũng tán thành xu hướng tự nguyện tham gia, phù hợp với tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Tuy nhiên, quan điểm này lại bị nhiều Hiệp hội du lịch khác bác bỏ. Theo ông Hoàng Trí Đức, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Sơn La, cần phải đặt ra yêu cầu bắt buộc đăng ký với các cơ sở lưu trú “Nếu có tiêu chuẩn bảo hộ khách sạn, cơ sở lưu trú thì mới bảo vệ được quyền lợi của khách du lịch”.

Ông Hoàng Văn Khuyên, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Lào Cai cũng khẳng định thêm “Hiện nay, người tiêu dùng và người kinh doanh ở phân khúc từ một sao đến ba sao còn chưa phù hợp. Nếu không bắt buộc đăng ký xếp sao, thì phân khúc này sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Tôi cho rằng, bán hàng phải đi kèm với chất lượng, vì thế chỉ có cách minh bạch bằng đăng ký. Chúng ta phải nhìn nhận, ngoài quyền của người kinh doanh thì quyền của người tiêu dùng cũng phải được bảo đảm để nếu có vấn đề, sẽ có bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước xử lý”.

Hiện nay, xu hướng tự nguyện đăng ký xếp hạng sao được nhiều người ủng hộ. Theo quan điểm của ông Nguyễn Hồng Đài, để tránh sự hiểu lầm với lữ khách, tránh sự lạm dụng của doanh nghiệp khi tự xếp hạng sao quảng cáo lừa dối trên mạng Internet, cần nghiêm cấm hoạt động truyền thông tự xếp sao của doanh nghiệp trong Luật.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, sao của khách sạn khẳng định chất lượng dịch vụ, tạo thương hiệu cho doanh nghiệp. “Thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ xây dựng bằng sao, mà bằng chính năng lực nên nhiều khách sạn không cần xếp hạng sao cũng có khách. Trên thế giới, xu hướng xếp sao chỉ còn là tình nguyện của những ai muốn được sự bảo hộ của thương hiệu. Do đó, việc tự nguyện hay bắt buộc không làm ảnh hưởng quyền lợi doanh nghiệp. Chỉ có điều, các doanh nghiệp không được quyền gắn sao, mạo nhận sao”. Ông Bình đánh giá, quy định tự nguyện xếp hạng sẽ tạo cho các doanh nghiệp thông thoáng trong quá trình kinh doanh và là bước tiến mới trong tiệm cận với ngành du lịch thế giới.

“Nóng” chuyện Quỹ xúc tiến du lịch

Theo ông Phạm Mạnh Cương (Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam) cho biết, hiện nay ngân sách dành cho xúc tiến du lịch của Việt Nam rất thấp, trung bình 2 triệu USD/năm, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan; 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia.

Trên thế giới có nhiều quốc gia/điểm đến đã áp dụng mức thu phí/thuế đối với khách du lịch và khoản thu này được sử dụng để tái đầu tư cho du lịch của nơi đó. Tới đây, một loạt các nước như Malaysia, Myanmar, Osaka (Nhật Bản), các nước châu Âu sẽ đồng loạt áp dụng thuế lưu trú đối với khách du lịch dựa trên trên số đêm lưu trú của khách du lịch, dựa trên từng hạng khách sạn tại quốc gia đó.

Do đó, ông Cương cho rằng, việc thành lập Quỹ xúc tiến du lịch là cần thiết với mục đích để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam trên thế giới. Theo đó, đối với các nguồn hình thành quỹ trong dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị bổ sung thêm “nguồn thu từ khách du lịch”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn La cũng bày tỏ quan điểm, hiện nay ngân sách đầu tư cho du lịch rất hạn chế, nên việc có quỹ xúc tiến du lịch sẽ tạo điều kiện khuyến khích các cơ sở có nguồn kinh phí để duy trì và chi cho xúc tiến quảng bá du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cũng bày tỏ quan ngại “Khi Luật ban hành, với nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ đóng vai trò thế nào để quản lý được quỹ này và phát huy hiệu quả được quỹ”.

Ths Nguyễn Hồng Đài (Chủ tịch CLB du lịch Thủ đô) cho rằng, cần áp dụng các kinh nghiệm trên thế giới việc đưa đóng góp của khách du lịch vào Quỹ (dưới dạng phí hay thuế) doanh nghiệp thu hộ nhà nước. Xác định xúc tiến là nhiệm vụ chính của Quỹ, Ths Đài đề nghị cần phải quản lý Quỹ công khai, dân chủ minh bạch và phải có sự tham gia của Hiệp hội trong việc quản lý, giám sát sự hoạt động của Quỹ. “Nộp phí bao nhiêu % phải do Chính phủ quy định, nếu không thì sẽ khó khả thi”.

Quản lý 17.000 hướng dẫn viên

Một vấn đề nữa cũng được các đại biểu hết sức quan tâm, thảo luận là quản lý hướng dẫn viên. Hướng dẫn viên được đánh giá là là đội quân tinh nhuệ và là “linh hồn” của ngành du lịch, nhưng nhiều năm qua bị nhìn nhận méo mó với nhiều ảnh hưởng xấu cho ngành du lịch. Vì thế, quy định về điều kiện hành nghề với hướng dẫn viên quốc tế và nội địa là vô cùng quan trọng.

Ông Vũ Thế Bình cho hay, theo Luật Du lịch tới đây, những người làm trong công ty du lịch sẽ do chính công ty đó quản lý, những người làm hướng dẫn viên tự do sẽ do tổ chức xã hội nghề nghiệp du lịch quản lý. Các hướng dẫn viên muốn hành nghề, bắt buộc phải có thẻ hành nghề và phải có chứng chỉ do tổ chức xã hội nghề nghiệp du lịch cấp.

Ông Bình đánh giá “Hiệp hội đứng trước nhiệm vụ nặng nề khó khăn khi phải quản lý 17 nghìn hướng dẫn viên, mà có những người gần 20 năm nay hoạt động tự do. Vì thế, để đưa họ khuôn khổ là cả vấn đề”.

Luật Du lịch sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 19-6 tới đây. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có những điều không cần chờ tới khi Luật có hiệu lực mới triển khai, mà việc gì làm ngay được, chỉ cần Luật thông qua, Hiệp hội cũng sẽ triển khai ngay.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

Để phát triển du lịch, nước nào cũng phải có Quỹ, gọi là Quỹ xúc tiến du lịch. Việt Nam chúng ta gọi đó là Quỹ hỗ trợ du lịch nhưng bản chất của nó là xúc tiến du lịch. Để tồn tại Quỹ, có hai vấn đề: làm sao để thu quỹ, nguồn cung cấp quỹ ở đâu và quản lý, khai thác quỹ đó thế nào.

Mỗi nước có nguồn lập quỹ khác nhau. Ví dụ như Nhật Bản là 100% do nguồn ngân sách cấp, Thái Lan 90% ngân sách cấp, vì thế ngành du lịch nước họ hoạt động đơn giản, chủ yếu triển khai phương pháp quản lý quỹ đó như thế nào cho hiệu quả.

12 năm qua, chúng tôi mới chỉ dừng ở mức độ mở ra cần phải có quỹ đầu tư cho du lịch, nhưng nguồn thì chưa xây dựng được. Mỗi năm, ngân sách Nhà nước cấp cho du lịch chỉ 1- 2 triệu USD, không đủ kinh phí hoạt động nên ngành du lịch phải tự lực, tự cứu mình. Nếu chỉ trông đợi tiền nhà nước cấp một lần chẳng bao lâu mà hết. Muốn tái tạo được quỹ phải có nguồn thu ổn định. Mà theo tôi, ổn định nhất là trực tiếp từ khách du lịch và doanh nghiệp du lịch.

Học tập kinh nghiệm các nước, chúng tôi nghĩ rằng, nếu thu phí mỗi khách lưu trú 1 USD/đêm nghỉ cũng không làm tăng giá phòng, không làm ảnh hưởng các doanh nghiệp du lịch mà doanh nghiệp chỉ thu hộ nhà nước. Tuy nhiên, đề xuất này đưa ra không dễ vì sẽ vi phạm phí và lệ phí mà các Luật trước đã xây dựng.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/33126502-%e2%80%9cnong%e2%80%9d-chuyen-quy-xuc-tien-du-lich-xep-hang-sao-cho-khach-san.html