''Nóng'' chuyện quản lý thủy điện và chuyển đổi đất rừng

Sáng 5-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường các vấn đề kinh tế - xã hội. Trong đó, câu chuyện quản lý thủy điện, nhất là những dự án thủy điện nhỏ; hạn chế tiêu cực của việc chuyển đổi đất rừng nhằm bảo vệ môi trường và ngăn ngừa tình trạng phá rừng tự nhiên để khai thác gỗ quý... được nhiều đại biểu quan tâm.

Cân nhắc kỹ các dự án chuyển đổi rừng để phát triển kinh tế

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) cho rằng, thời gian qua vẫn còn điểm nóng về phá rừng. Số dự án kinh tế chuyển đổi diện tích rừng từ năm 2019 đã giảm 96% nhưng 90% diện tích rừng chuyển đổi là rừng tự nhiên. Mặc dù diện tích rừng trồng thay thế gấp 3 lần rừng tự nhiên chuyển đổi nhưng do chủng loại cây trồng, vị trí trồng thay thế nên chưa đáp ứng được công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; cân nhắc kỹ các dự án chuyển đổi rừng phát triển kinh tế; đánh giá tác động trồng rừng thay thế, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng…

Đề xuất cần có báo cáo đánh giá khách quan về thủy điện, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đã tham gia tranh luận về chủ đề lợi ích và tác hại của thủy điện nhỏ.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, đợt lũ lụt vừa qua ở miền Trung đặt ra vấn đề phải có quan điểm lịch sử về thủy điện. Dẫn chứng việc khi xây dựng Thủy điện Hòa Bình, đại biểu cho biết: “Với mục đích ưu tiên là trị thủy nên Thủy điện Hòa Bình được sử dụng chủ yếu để điều tiết lũ, giúp Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử. Năm 1971, chúng ta phải phá đê để cứu Thủ đô Hà Nội, nhưng từ khi có Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà thì lũ được điều tiết tốt”.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, cần làm rõ mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng của các nhà đầu tư. Theo đại biểu, nói về thủy điện thì các nhà chuyên môn phải nghĩ đến việc điều tiết dòng chảy để tránh thiệt hại cho nhân dân. Nhưng một số chủ đầu tư lạm dụng quy trình ấy để trục lợi thông qua phá rừng, lấy gỗ quý…

Tiếp tục giải đáp ý kiến đại biểu về thủy điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường và xử lý như thế nào khi hết khấu hao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Chúng ta có những quy trình pháp lý rất bài bản để quản lý. Về các thủy điện nhỏ hết khấu hao, luật quy định chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên thảo luận.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã tranh luận với phát biểu trên và đề cập vấn đề 40 - 50 năm sau, khi đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì những công trình thủy điện nhỏ xây ở những nơi rừng sâu nước thẳm là vấn đề cần quan tâm. Do đó, ngay từ khi xây dựng thủy điện nhỏ, cần nhìn thấy kết cục đó để tránh những hậu quả sau này.

Giải trình ý kiến các đại biểu về thiên tai ở miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần có đánh giá độc lập của cơ quan khoa học, bởi "lúc này đưa ra kết luận còn quá sớm”. Về chuyển đổi mục đích rừng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, phải xác định các khu vực cần giữ là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đồng thời cũng kêu gọi các đại biểu ủng hộ thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận.

Thêm nhiều gợi ý phát triển kinh tế - xã hội

Đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ là mấu chốt để Việt Nam trở thành nước phát triển, với thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD vào năm 2045.

Theo kinh nghiệm phát triển của "những con rồng châu Á", Việt Nam cần có những giai đoạn tăng trưởng nhanh trên 10%, mới có thể đạt mục tiêu đề ra. Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, cần tập trung nguồn lực vào tăng trưởng. Trong đó, một giải pháp là phát triển các tập đoàn mạnh để làm trụ cột của nền kinh tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình việc xây dựng tuyến Metro số 5 tại Hà Nội (đoạn Văn Cao - Hòa Lạc), làm cơ sở thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt. "Chúng ta có thể kêu gọi tập đoàn nước ngoài tham gia, thậm chí là mua lại công nghệ phát triển để trở thành người chủ trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp đường sắt. Bởi những tập đoàn kinh tế tư nhân, nếu được sự hỗ trợ của Chính phủ, có thể thực hiện mục tiêu này nhanh hơn, hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhà nước", đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết thêm.

Bày tỏ sự quan tâm đến định hướng hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) dẫn số liệu tính đến tháng 10-2019, ngành Giáo dục cả nước thiếu 45.000 giáo viên mầm non, hơn 18.000 giáo viên tiểu học, hơn 11.000 giáo viên trung học cơ sở và hơn 10.000 giáo viên trung học phổ thông, cùng với sự ra đời nhiều trường tư, trường công rơi vào tình trạng không đủ giáo viên giảng dạy. Trong khi đó, các cấp chính quyền chưa chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực đào tạo đáp ứng nhu cầu thiếu hụt, mà chỉ chờ số lượng sinh viên ít ỏi của ngành sư phạm ra trường.

Từ thực tế này, đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn đến quy hoạch nguồn nhân lực, trên tinh thần Chính phủ chỉ đạo, có chính sách lộ trình thu hút nhân lực trong các cơ quan quản lý nhà nước đơn vị sự nghiệp hiệu quả, đúng hướng.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) lại bày tỏ sự quan tâm tới việc những năm gần đây, thiên tai và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành các chính sách đồng bộ hơn, như xây dựng các công trình hạ tầng công cộng, cải tạo nhà ở cho người dân thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ; bố trí di dời dân cư ở những nơi có nguy cơ cao sạt lở đất...

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu cũng đề nghị người dân vùng núi cao cần được cấp bù gạo; Quỹ phòng chống thiên tai phải được huy động và sử dụng hiệu quả hơn, bởi từ khi ra đời đến nay, nhiều địa phương sử dụng quỹ này chưa hiệu quả...

Theo kế hoạch, chiều 5-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường các vấn đề kinh tế - xã hội.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/982820/nong-chuyen-quan-ly-thuy-dien-va-chuyen-doi-dat-rung