'Nóng' chuyện giá điện tại Quốc hội; 'Choáng' bé 9 tuổi muốn hoàn thuế đồng hồ 6 tỷ đồng

Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, vấn đề giá điện đã làm 'nóng' nghị trường với những phát biểu đáng chú ý từ các đại biểu và đại diện từ Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN. Ngoài ra, việc một bé 9 tuổi đề nghị Hải quan Hà Nội làm đơn hoàn thuế đồng hồ 6 tỷ đồng cũng khiến độc giả quan tâm.

Bé 9 tuổi Úc làm đơn hoàn thuế đồng hồ 6 tỷ đồng, Hải quan Hà Nội "bó tay"

Bé 9 tuổi người Úc mua "siêu" đồng hồ 6 tỷ đồng tại Việt Nam, Hải quan Hà Nội không biết làm thủ tục hoàn thuế VAT kiểu gì. (Ảnh minh họa)

Bé 9 tuổi người Úc mua "siêu" đồng hồ 6 tỷ đồng tại Việt Nam, Hải quan Hà Nội không biết làm thủ tục hoàn thuế VAT kiểu gì. (Ảnh minh họa)

Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế (CKSBQT) Nội Bài xuất hiện trường hợp cháu bé 9 tuổi quốc tịch Australia đứng tên trên tờ khai đề nghị hoàn thuế VAT với tư cách người mua hàng, hàng hóa là một chiếc đồng hộ trị giá 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Thông tư 72/2014/TT-BTC hiện tại chưa có quy định về độ tuổi của người đề nghị hoàn thuế.

Chi cục Hải quan CKSBQT Nội Bài không biết xử lý trường hợp này như thế nào và đã đề nghị Tổng cục Hải quan cho ý kiến về người mua hàng này có đủ tư cách đứng tên trên hóa đơn VAT, kiêm tờ khai hoàn thuế hay không?

Tổng cục Hải quan sau đó cho biết: "Cháu bé có hai hộ chiếu Việt Nam và Australia. Khi xuất cảnh đã xuất trình hộ chiếu Việt Nam, do vậy, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài - Cục Hải quan TP. Hà Nội đã từ chối hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp này do không thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 72/2014/TT-BTC".

Để ngăn ngừa các trường hợp có thể lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng nêu trên, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản chính sách có liên quan việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.

Đại biểu Quốc hội nói giá điện không tăng 8,36% như công bố, Chủ tịch EVN nói gì?

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành bên lề Quốc hội đã lên tiếng khẳng định đại biểu Lê Thu Hà đã có tính toán không đúng.

Phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 22/5 “nóng” lên xung quanh câu chuyện tăng giá điện khiến người dân bức xúc.

Đáng lưu ý khi đề cập tới giá điện, đại biểu Lê Thu Hà khẳng định, cách giải trình của EVN đã ẩn đi một lần tăng giá.

Theo vị này, giá điện không phải tăng 8,37% như EVN công bố mà thực chất là 10%, 12,7%, 14,2%,15%. Do đó, Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc, báo cáo Quốc tại kỳ họp tới.

Trước phát biểu này, ngay chiều 22/5, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành bên lề Quốc hội đã lên tiếng khẳng định đại biểu Lê Thu Hà đã tính toán sai .

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích về thời điểm tăng giá điện

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Tại thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 22/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lý giải về nguyên nhân tăng giá điện vào tháng 3 - thời điểm đầu mùa hè khiến hóa đơn tiền điện nhiều hộ gia đình tăng sốc: "20/3 đâu phải mùa hè. Trước 20/3 còn chưa đến rét nàng Bân. Còn có bài thơ “Tháng 3 đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào đời anh”. Chưa có năm nào thời tiết lại trái như năm nay".

Phó Thủ tướng cũng cho biết, thông thường, tháng 3 là tháng sau Tết Nguyên đán và CPI thường giảm rất mạnh. Thực tế giá điện tăng vào tháng 3 nhưng CPI tháng vẫn âm. Chính vì lẽ đó, nếu tăng vào tháng 3 sẽ đỡ được sức ép lạm phát.

"Chính phủ không dự báo được tháng 4 nắng như đổ lửa. Những năm trước, tháng 4 bãi biển nhiều nơi còn lạnh chưa tắm được trong khi năm nay nắng như đổ lửa trước 30/4, 1/5. Nhưng đến đầu tháng 5 lại lạnh như mùa đông. Thời tiết rất lạ, hoa sữa còn nở vào tháng 5. Nên rất khó dự báo, cái này phải thông cảm cho Chính phủ", ông nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, thời điểm tăng vào tháng 3 là phù hợp bởi thời điểm tháng 1, 2 là tháng Tết không tăng được. Còn nếu lùi lại vào tháng 4, 5, 6 là cao điểm mùa hè sẽ tạo sức ép hơn nữa. Và nếu để sau nữa thì sẽ không chịu nổi sức ép từ chi phí đầu vào tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng. Ông cũng cho biết tới đây sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính EVN và điều hành giá điện năm 2019.

Vụ kiến nghị "xử lý cá nhân xuyên tạc về giá điện ", Bộ Công Thương: "Cách diễn đạt gây hiểu nhầm"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: "Cách diễn đạt kể trên trong văn bản có thể gây hiểu nhầm"

Mới đây, trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả đoàn kiểm tra thực hiện quyết định tăng giá điện, Bộ này đã kiến nghị: "Xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc , đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về điều chỉnh giá điện”.

Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, cách diễn đạt như trên trong báo cáo đã "gây hiểu nhầm".

Ông Vượng khẳng định Bộ vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý, phản ánh của người dân, kể cả những quan điểm, ý kiến trái chiều để xem xét, tiếp thu xây dựng các chính sách đúng đắn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân

Ông chủ Nhật Cường bỏ trốn: Đại biểu nói có cơ sở nghi ngờ "không phải ngẫu nhiên"

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).

Liên quan tới vụ truy nã ông chủ của Nhật Cường Mobile, trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng 20/5, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, cử tri "có cơ sở" để nghi ngờ Bùi Quang Huy bỏ trốn không phải là "ngẫu nhiên".

"Cử tri không nghĩ là ngẫu nhiên, nhiều cử tri nhất là các bác lão thành, cả người trong ngành, họ nói, đây là chuyên án, chuyên án thì anh đã có sự theo dõi thường xuyên liên tục. Vì sao lại để trốn mất?", ông nói.

Về câu hỏi lo ngại vấn đề doanh nghiệp sân sau trong vụ Nhật Cường, đại biểu tỉnh Bến Tre thẳng thắn: "Đây là vấn đề sân sau, nếu không thì làm sao doanh nghiệp phát triển như vũ bão, không thể tưởng tượng được. Một doanh nghiệp bình thường lại phát triển với tốc độ cao trong thời gian ngắn, đặc biệt doanh nghiệp này chiếm lĩnh toàn bộ thị phần với nhiều dự án quan trọng, quan trọng cả về tính chất sau đó mới bàn tổng đầu tư dự án. Người ta có thể hình dung ra phần nào lợi ích của dự án có thể đạt được trong lĩnh vực này".

Thêm dự án đội vốn "khủng"... hơn 3.800%

Hàng loạt dự án đội vốn đầu tư với giá trị khủng.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017 gửi đến Quốc hội, theo đó chỉ ra hàng loạt vấn đề ở mục kiểm toán chi ngân sách nhà nước về hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư.

Đáng lưu ý, một dự án được xuất hiện trong báo cáo như điển hình của đội vốn đầu tư với giá trị lớn, từ khi khởi công cho tới khi đi vào hoạt động phải nhiều lần điều chỉnh vốn đầu tư.

Đó là Dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Namtại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với 4 lần thay đổi vốn đầu tư. Cá biệt vốn đầu tư của dự án tăng 268 tỷ đồng, tương đương 3.834%, từ 7 tỷ đồng lên 275 tỷ đồng do điều chỉnh quy mô, công năng sử dụng.

Chính phủ ứng 97 triệu USD trả nợ thay cho nhà máy giấy bán "không ai mua"

Theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội, trong năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng trị giá ứng trả lên 82,6 triệu EUR (tương đương khoảng 97 triệu USD).

Tuy nhiên, đến hết năm 2018, Bộ Công Thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ Tích lũy trả nợ.

Dự án nhà máy giấy Phương Nam là một trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương. Theo như đại diện Bộ Tài chính chia sẻ mới đây thì dự án này "đã đắp chiếu từ lâu và 3-4 lần bán đấu giá nhưng không ai mua".

Nợ công xuống mức thấp nhất từ năm 2015

Theo báo cáo vừa được Chính phủ gửi lên Quốc hội, bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) sau khi đánh giá lại, giảm 12,5 nghìn tỷ đồng so với mức báo cáo Quốc hội trước đó, ở mức 191,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,46% GDP, thấp hơn so với dự toán đã được Quốc hội quyết định (3,7% GDP).

Tính đến 31/12/2018, dư nợ công ước khoảng 58,4% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 50% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 46% GDP. Ủy ban TCNS nhận thấy, tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, các mức dư nợ đều thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cũng cho hay, nợ công đã giảm xuống mức thấp nhất 3 năm qua. Kết quả này cũng thấp hơn kịch bản nợ công ở mức 63,9% GDP mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồi tháng 8/2018 và trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.

(Dân Trí)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nong-chuyen-gia-dien-tai-quoc-hoi-choang-be-9-tuoi-muon-hoan-thue-dong-ho-6-ty-dong-d98178.html