'Nóng' chuyện đề thi mở

Mới đây, đề thi môn văn vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Bên cạnh những quan điểm cho rằng đây là đề thi thú vị, đòi hỏi thí sinh vận dụng nhiều kiến thức để phân tích, phản biện và phát huy sáng tạo, cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về mức độ khó, 'đánh đố' thí sinh.

Ảnh minh họa: Thủy Nguyên.

Ảnh minh họa: Thủy Nguyên.

Mới đây, đề thi môn văn vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Bên cạnh những quan điểm cho rằng đây là đề thi thú vị, đòi hỏi thí sinh vận dụng nhiều kiến thức để phân tích, phản biện và phát huy sáng tạo, cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về mức độ khó, “đánh đố” thí sinh.

Cụ thể, đề thi nêu trên gồm hai câu. Câu 1 (nghị luận xã hội): “Phải chăng lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân”; câu 2 (nghị luận văn học) yêu cầu học sinh bàn luận ý kiến của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh”. Xét về hình thức, đây là mẫu đề thi khá quen thuộc với các trường chuyên, lớp chuyên trong những năm gần đây. Đề ra theo hướng mở với yêu cầu thí sinh thể hiện được cả kiến thức phân tích, lý luận về văn học, xã hội, trải nghiệm thực tế.

Đây không phải lần đầu xuất hiện một đề thi gây tranh cãi. Trước đó, từng có những đề thi đề cập đến các hiện tượng mạng xã hội hay ca sĩ được giới trẻ hâm mộ như Sơn Tùng MTP, Chi Pu, bộ phim Hàn Quốc “Hậu duệ mặt trời”… cũng thu hút nhiều tranh luận trái chiều. Còn nhớ, đầu năm 2020, đề thi học sinh giỏi môn văn ở một trường THCS tại Hà Nội yêu cầu học sinh so sánh hình ảnh người cha trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng và người cha trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, khiến giáo viên, phụ huynh và giới chuyên môn bất đồng quan điểm. Một số giáo viên cho rằng, điểm giống nhau duy nhất ở họ là hai người đàn ông đi lính khi đã có vợ con, việc so sánh hai hình tượng là không thể. Giới nghiên cứu văn học lại đưa ý kiến trái ngược, nhấn mạnh cơ sở so sánh chính là tình huống con không nhận biết được cha với nguyên do chung là chiến tranh, sự xa mặt cách lòng. Câu chuyện này dễ dẫn tới tình huống, cùng một bài thi nhưng điểm giáo viên chấm sẽ khác nhà phê bình văn học(!). Hầu hết các cuộc tranh luận đều không có hồi kết và mùa thi nào cũng “nóng” lên. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là dạng đề thi này không dành cho số đông học sinh trên cả nước mà chỉ cho một nhóm thí sinh thi vào một số trường và các ý kiến tranh cãi thường xảy ra với mẫu đề thi “mở”. Vậy đề thi “mở” mang đến khó khăn và thuận lợi gì trong câu chuyện giáo dục?

Trước hết, với dạng đề thi “mở”, nhiều ý kiến lo ngại sẽ giáo dục được gì cho học sinh, nhất là với đối tượng học sinh không cập nhật thông tin hoặc không quan tâm đến vấn đề mà đề thi yêu cầu giải quyết thì liệu có sự thiệt thòi, đánh giá thiếu công bằng? Bên cạnh đó, một vấn đề lớn hơn đối với dạng đề thi “mở” chính là sự chuẩn mực của đáp án và sự linh hoạt của đội ngũ chấm thi. Đề thi “mở” nhưng đáp án luôn ở dạng cố định, người chấm đếm ý cho điểm nên sự phân định đúng - sai lại phụ thuộc rất nhiều vào chủ quan của người chấm; thí sinh chọn cách phản biện đề, bày tỏ quan điểm và lý luận sắc sảo nhưng nếu không đủ ý theo đáp án thì việc đỗ hay trượt có khi thành may rủi... Như thế, đội ngũ chấm thi phải có đủ tầm nhìn bao quát, chiều sâu kiến thức lý luận văn học, xã hội để nhận định được nền tảng, dẫn chứng, phản biện của thí sinh với đề bài. Có như vậy, đề thi “mở” mới thật sự là “mở”.

Đề thi chính là một trong những phương pháp nhằm nhận biết kiến thức, quan điểm, phân loại và dự báo năng lực của thí sinh. Song, để đề thi phát huy tính hiệu quả thì điều đó lại phụ thuộc phương thức giáo dục của nhà trường, khả năng định hướng của đề bài và sau cùng là năng lực cảm thụ, “gu” thẩm mỹ và trách nhiệm của người chấm thi. Việc đưa ra một số đề thi được ủng hộ hay gây tranh cãi vẫn chỉ là hình thức, còn nội dung quan trọng nền giáo dục cần hướng tới vẫn là nâng cao, đổi mới chất lượng một cách đồng bộ. Suốt quá trình học tập, học sinh cần được cung cấp kiến thức tốt; các kỳ thi cần có đội ngũ ra đề và chấm chọn chuẩn mực, linh hoạt. Ở bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào, nếu chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi ấy thì việc tranh cãi về những đề thi vào từng mùa thi theo kiểu “đến hẹn lại lên” vẫn có nguy cơ trở thành những chuyện
vô nghĩa.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/nong-chuyen-de-thi-mo-609673/