Nóng chuyện Biển Đông

'Khác với các chính phủ tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lập trường cứng rắn và sắc bén hơn trong vấn đề Biển Đông'- nhận xét của Reuters khi mà ngày 13/7 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một tuyên bố khẳng định rõ ràng lập trường của Mỹ.

Chiến hạm USS Ralph Johnson của Mỹ thực hiện các hoạt động an ninh biển và hợp tác an ninh trên Biển Đông.

Chiến hạm USS Ralph Johnson của Mỹ thực hiện các hoạt động an ninh biển và hợp tác an ninh trên Biển Đông.

Tuyên bố này tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye năm 2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Giới quan sát cho rằng nếu như từ trước đến nay Mỹ luôn theo đuổi lập trường trung lập và thận trọng với những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, thì nay đã khác hẳn khi khẳng định các yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết các nguồn tài nguyên ngoài khơi Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật; phản đối các hoạt động “bắt nạt” của Bắc Kinh nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó. Ông Pompeo nhấn mạnh yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra “không có cơ sở luật pháp quốc tế”.

Nhà phân tích Christian Le Miere (thuộc Tổ chức tư vấn chiến lược Arcipel, phát ngôn của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ) nhấn mạnh, bằng tuyên bố trên Washington đã chọn đứng về phía những quốc gia “đối đầu” Trung Quốc ở Biển Đông.

“Đây có thể coi là lời khẳng định đanh thép, cho thấy Mỹ luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đồng minh và đối tác nhằm chống lại nỗ lực của Trung Quốc muốn thành lập một “đế chế hàng hải” ở Biển Đông”, nhà phân tích C.L.Miere đánh giá.

Không dừng lại ở tuyên bố, trên thực tế thời gian gần đây Mỹ đã gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông. Hồi đầu tháng 7, Mỹ tổ chức cuộc tập trận có sự tham gia của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay. Đây là lần đầu tiên 2 nhóm tàu sân bay của Mỹ cùng hiện diện tại Biển Đông kể từ năm 2014. Trong một số diễn biến khác, Mỹ đã triển khai các tàu hải quân theo dõi tàu khảo sát của Trung Quốc trên vùng biển này.

Nói như Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS) thì sự thay đổi lập trường của Washington đóng vai trò quan trọng khi cho thấy nỗ lực lâu dài nhằm hỗ trợ các đối tác của Mỹ và buộc Trung Quốc “phải trả giá vì các hành vi cưỡng ép và bắt nạt ở Biển Đông”.

Mà cũng không chỉ nước Mỹ, các quốc gia khác cũng đồng loạt phản ứng mạnh mẽ trước mưu toan độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Ngay sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã cho rằng tuyên bố đó cho thấy cam kết vững chắc của Washington đối với hòa bình và ổn định trong khu vực này. Cùng đó, ông Suga cũng bày tỏ quan ngại về các động thái của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Nhật Bản phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông- theo Hãng tin Jiji Press.

Trong ngày 16/7, trả lời giới truyền thông khi được hỏi về việc Mỹ bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc, Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định nước này ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải trên Biển Đông.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lập trường nhất quán là ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải trên Biển Đông”, ông Morrison lặp lại.

Cũng cần nhắc lại rằng, sự hiện diện của Úc trên Biển Đông là khá khiêm tốn nhưng cũng thường vấp phải sự chỉ trích, đe dọa từ phía Trung Quốc. Cụ thể, năm 2018, trên đường tới thăm Việt Nam, 3 tàu chiến Úc đã gặp phải sự thách thức từ tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông. Gần đây nhất Úc công khai hoạt động tại Biển Đông là vào tháng 4/2020. Tàu hộ vệ tên lửa của Úc đã tham gia tập trận chung với nhóm tàu chiến Mỹ gần khu vực tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc hoạt động.

Tuy nhiên, nói như vị chuyên gia Euan Graham (Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế - IISS) thì việc tăng cường năng lực quân sự sẽ không thể hoàn tất trong thời gian ngắn hạn. Do đó trong thời gian tới, Úc có thể sẽ phối hợp với các đối tác trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia... để đối phó Trung Quốc nhằm giúp cho dòng chảy thương mại trên tuyến hàng hải cực kỳ quan trọng này lưu thông mà không bị đe dọa, quấy nhiễu.

Ông Graham cũng không quên nhắc rằng, Úc cần sớm triển khai hệ thống giám sát hàng hải với các cảm biến hiện đại dưới nước và sử dụng các tàu ngầm không người lái, khi mà tới năm 2030 hạm đội tàu ngầm của nước này mới hoàn thiện.

Ngọc Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nong-chuyen-bien-dong-491496.html