Nóng chuyện an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Lợi dụng thời điểm cận tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, các đối tượng đã trà trộn thực phẩm, sản phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc để đưa ra thị trường tiêu thụ. Do đó, các cấp, các ngành đã thành lập nhiều đoàn liên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra và tập trung vào các nhóm thực phẩm tiêu thụ nhiều dịp tết, như: thịt, cá, trứng, các mặt hàng khô, lạp xưởng, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu...

Lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ xe vận chuyển thực phẩm bẩn.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ chế biến, vận chuyển kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn. Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 10 (Cục Quản lý thị trường) đã phát hiện, thu giữ tại cơ sở kinh doanh của ông Trần Văn Tiến ở số nhà 109, phố Sơn Vạn, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa gần 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, gồm đùi, chân, cánh gà, thịt lợn trong tình trạng đang phân hủy, biến đổi màu sắc. Theo khai nhận của chủ cửa hàng, số hàng hóa này được mua trôi nổi trên thị trường sau đó đem về cấp đông để bán online trên mạng xã hội cho những người có nhu cầu đặt mua. Qua phối hợp với cơ quan chức năng xác định số hàng hóa đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng đã ra quyết định buộc tiêu hủy số hàng hóa trên.

Trước đó, Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy (Công an TP Thanh Hóa) đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường) kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 89C - 151.65 do ông Vũ Trọng Hiếu, ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên làm chủ đang bốc dỡ xuống xe số lượng lớn hàng hóa tại phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 740 kg bì lợn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, không có giấy tờ hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Theo khai nhận của lái xe, số hàng hóa trên được mua trôi nổi tại địa bàn tỉnh Hưng Yên sau đó vận chuyển đi tiêu thụ. Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gia tăng thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng xâm nhập vào thị trường tiêu dùng dịp cuối năm.

Thời gian qua, các ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý các vi phạm vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tại tuyến xã còn nhiều và phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tại các địa phương vẫn còn tồn tại, không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tại các chợ truyền thống, nơi tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất trong dịp tết, nhưng chất lượng hàng hóa ở đây vẫn còn nhiều vấn đề khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng. Dạo quanh một vòng qua các chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa, chúng tôi nhận thấy, nhiều mặt hàng, như: bánh, kẹo, hạt dưa, hướng dương... được đóng gói sơ sài trong các túi nilon, không có thông tin sản phẩm hoặc thông tin không rõ ràng và bán theo cân với mức giá khá “mềm”. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của những loại mặt hàng này, người bán đều giới thiệu hàng được sản xuất ở Hà Nội, thậm chí nhập ngoại từ các nước, như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... Các mặt hàng đồ khô, như: măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương... người tiêu dùng cũng chỉ biết đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm qua lời giới thiệu của người bán hàng. Thực tế vẫn còn không ít người tiêu dùng chưa lưu tâm đến nguồn gốc xuất xứ của loại hàng hóa mình mua, dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn. Đa số người tiêu dùng chưa biết hoặc không thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để kiểm chứng nguồn gốc thực phẩm. Nhiều người phó thác niềm tin cho người bán hàng, đến khi sử dụng, nhận biết thực phẩm hỏng, ôi thiu hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái thì lại chọn cách... im lặng, tặc lưỡi cho qua, hoặc không sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó nữa.

Người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm tại chợ Trào, xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân năm 2021, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân năm 2021. Cụ thể, các sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ nhiệm vụ, chức năng chỉ đạo đơn vị liên quan thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành lĩnh vực được phân công quản lý về an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đồng thời, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua đó, nhằm hạn chế hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm trên thị trường... Đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng, mỗi người tiêu dùng cần kiên quyết nói không với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ... là cách để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Bài và ảnh: Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/nong-chuyen-an-toan-thuc-pham-dip-cuoi-nam/130723.htm