Nóng: Chiều nay, giá xăng giảm mạnh?

Sau khi tăng giá lên mức kỉ lục tính từ đầu năm 2018 vào kì điều hành trước, giá xăng trong kì điều hành chiều nay được dự đoán sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân giảm do giá xăng dầu thế giới cũng đang trong đà giảm.

Theo đó, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ mới là 88,27 USD/thùng xăng RON 92, giảm gần 3% so với chu kỳ trước... Trong khi đó, RON 95 là 90,44 USD/thùng, giảm hơn 3%. Như vậy, giá xăng đã quay đầu giảm sau mức tăng mạnh vừa qua.

Trong kì điều chỉnh hôm 6/10, giá xăng tăng cao ở mức kỷ lục kể từ đầu năm 2018. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 lên mức 20.906 đồng/lít; RON 95 lên mức 22.347 đồng; giá dầu diesel lên mức 18.611 đồng/lít.

Chiều nay, giá xăng sẽ bước vào chu kì điều chỉnh mới.

Lý giải về mức tăng cao hôm 6/10, Bộ Công Thương cho rằng, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 6/10 đã tăng mạnh. Giá xăng RON 92 tại Singapore là 92,5 USD (2.2 triệu đồng)/thùng (dùng để pha chế xăng E5 RON 92). Kỳ trước giá là 86,823 USD (2 triệu đồng)/thùng.

Liên bộ cũng cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.

Từ hồi đầu năm đến cuối tháng 9, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã có 18 đợt điều hành giá xăng dầu, với hai lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá, 10 lần giữ ổn định giá. Để giữ ổn định giá xăng dầu tổng cộng 10 lần này, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã phải trích quĩ bình ổn, tổng cộng là hơn 18.000 đồng/lít.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít). Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Tuy nhiên, theo Viện trưởng VEPR, việc tăng thuế có thể làm tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6 điểm phần trăm trong một năm tới.

Theo báo cáo đánh giá tác động về tăng thuế môi trường với xăng, dầu được Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng sắc thuế này sẽ chỉ khiến lạm phát 2019 tăng 0,07 - 0,09%.

Bình luận về con số trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, Tiến sĩ Phạm Thế Anh - chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, "quá thấp, thiếu chính xác". Theo ông, đánh thuế vào xăng dầu còn ảnh hưởng đến nguyên vật liệu, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới giá hàng hóa, tiêu dùng của hộ gia đình và doanh nghiệp. "Thuế với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến cả tiêu dùng hộ gia đình và doanh nghiệp", Tiến sĩ Thế Anh lưu ý.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, Giám đốc ngân hàng châu Á tại Việt Nam lại cho rằng, tăng thuế môi trường với giá xăng không nhất thiết gây ra lạm phát. Bởi, theo giám đốc ngân hàng châu Á: “Nếu như tăng giá xăng và từ đây làm kích động tăng giá của những mặt hàng khác thì lúc đấy sẽ gây áp lực về lạm phát. Còn việc tăng thuế môi trường với giá xăng chỉ có thể có tác động ngắn hạn đối với lạm phát. Nhưng rõ ràng, tăng thuế môi trường với xăng dầu lại giúp cho Chính phủ có thể cải thiện tăng thu ngân sách. Vì vậy, cần nhìn nhận những tác động tích cực chứ không nên nhìn nhận những tác động tiêu cực của việc tăng thuế môi trường đối với giá xăng”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, việc tăng thuế môi trường với giá xăng lên thêm 1.000 đồng cũng chỉ như việc giá xăng tăng, giảm theo chu kì và không ảnh hưởng nhiều đến giá cả thị trường. Tuy nhiên, vị chuyên gia này đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi thuế môi trường với giá xăng tăng thêm 1.000 đồng và nên thay vào đó là Quỹ cho môi trường giá xăng dầu.

“Vì Quỹ cho môi trường xăng dầu tốt hơn Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo tôi quỹ bình ổn giá xăng dầu không có tác dụng mà còn làm tăng thêm giá xăng dầu”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhận định.

Phương Nam

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nong-chieu-nay-gia-xang-giam-manh-d150090.html