'Nóng' các vấn đề Quốc hội thảo luận và dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Tuần qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới các vấn đề thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV; tình hình dịch tả lợn châu Phi lan rộng trong cả nước và tình trạng đuối nước trẻ em…

Thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội tại nghị trường

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tuần qua, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận các vấn đề như: Chạy điểm, chạy chức ăn mòn giá trị đạo đức xã hội; gian lận thi cử; tăng giá xăng, giá điện làm đảo lộn cuộc sống người dân; xử lý dân sự vẫn “hành là chính” và hàng loạt các doanh nghiệp lớn làm ăn bết bát…; đồng thời gửi ý kiến cử tri, đề nghị các thành viên Chính phủ sớm làm rõ, giải quyết căn cơ, nhằm lấy lại niềm tin của người dân vào chính quyền, ổn định đời sống xã hội và phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 30/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 30/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Nhìn về bức tranh kinh tế, ngân sách năm 2018, Quốc hội cho rằng đây là bức tranh đẹp, toàn diện. 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách vượt dự toán, Trung ương vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu, bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép… Tuy nhiên, Chính phủ đã thẳng thắn khi nhận định mô hình tăng trưởng đất nước chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ; khu vực nông nghiệp tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững; tính gia công trong sản xuất công nghiệp còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp bên ngoài; trình độ công nghệ sản xuất vẫn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực dịch vụ phát triển còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế; trong khi các vấn đề xã hội chưa được giải quyết rốt ráo… làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng chung. Do vậy, những tháng cuối năm, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương (trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu) phải thật sự nỗ lực để cải thiện tình hình.

Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 46 tỉnh, thành phố

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đắk Lắk và Cà Mau là hai tỉnh mới nhất phát hiện có ổ dịch tả lợn châu Phi trong cả nước. Đến ngày 30/5, dịch bệnh đã lây lan ra 46 tỉnh, thành phố, với số lợn bị nhiễm bệnh và tiêu hủy khoảng 1,85 triệu con. Điều đáng quan ngại là hiện nay dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa, điều trị, các địa phương chủ yếu vẫn phải thực hiện các giải pháp an toàn sinh học là chính, trong khi ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vùng sâu, vùng xa thì việc thực hiện an toàn sinh học không dễ đến tận hộ. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, môi trường.

Phun hóa chất tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại thôn 11, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN.

Trước thực tế này, Bộ Nông nghiệp đã ban hành biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh DTLCP dưới sự giám sát của cơ quan thú y. Từ ngày 28/5/2019, các cơ sở giết mổ lợn tập trung và cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định của Luật thú y và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong khi đó, Bộ Công Thương phải họp khẩn chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ vào cuộc quyết liệt, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ổn định tâm lý người dân, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến chăn nuôi và hoạt động xuất khẩu thịt lợn khi dịch bệnh đi qua. Bộ Công Thương đã phân công Thứ trưởng Đặng Hoàng An và Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh dẫn đầu đi kiểm tra công tác kiểm soát, phòng chống dịch ở các địa phương "điểm nóng" về dịch tả lợn, nhất là các địa phương có đường biên giới, để sớm đề xuất các phương án dập dịch.

Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em nông thôn

Mới bước vào mùa hè, nhưng tại nhiều địa phương, nhất là các vùng nông thôn đã xảy ra hàng loạt vụ đuối nước trẻ em thương tâm. Thực tế này thật sự đáng báo động và các cơ quan liên quan tại các địa phương cần thực hiện khẩn cấp các biện pháp phòng chống, phổ cập, trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em, để có thể tự bảo vệ mình trong các tình huống bất trắc.

Khu vực đập Trại Xanh ở xã Bắc Thành, nơi 5 học sinh bị tử vong do đuối nước. Ảnh: TTXVN.

Liên tiếp trong nhiều ngày từ 11/5 - 31/5, tại các tỉnh Nghệ An, Thái Bình, Quảng Bình đã xảy hàng loạt vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của 17 em học sinh rủ nhau đi tắm sông, suối, ao hồ, đập... ở địa phương. Tại các khu vực này, đều không có biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm, bơi lội. Do không biết bơi, các em lại không có người giám sát, nên đã xảy ra tình trạng đuối nước đáng tiếc.

Để giảm thiểu các vụ đuối nước, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước, tích cực phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý học sinh; khảo sát các địa điểm có nguy cơ mất an toàn và thực hiện cắm biển cảnh báo; khuyến khích tạo điều kiện để các em học bơi, rèn luyện kỹ năng cấp cứu khi bị đuối nước...

Nhiều tình tiết đau lòng từ vụ án nữ sinh giao gà tại Điện Biên

Công an tỉnh Điện Biên đã công bố Quyết định khởi tố và Lệnh bắt tạm giam của cơ quan điều tra đối với bà Trần Thị Hiền (sinh năm 1975, trú tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là mẹ đẻ của nữ sinh Cao Mỹ Duyên (sinh năm 1997) đã bị bắt cóc, sát hại dã man vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, vì liên quan đến một mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy ở địa phương. Vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ các tình tiết mới, nhưng rõ ràng đây là bài học đau xót và thích đáng cho mỗi gia đình, xã hội và các đối tượng lỡ bước chân vào con đường gieo rắc “cái chết trắng”.

Đối tượng Trần Thị Hiền nghe công bố Quyết định khởi tố và Lệnh bắt tạm giam của cơ quan điều tra. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN.

Theo Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có căn cứ để kết luận, tất cả các đối tượng liên quan đến vụ án này là một đường dây buôn bán trái phép chất ma túy và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc Cao Mỹ Duyên bị sát hại. Nếu cơ quan điều tra có tài liệu, chứng cứ chứng minh nhóm đối tượng còn các hành vi vi phạm khác, thì theo quy định của pháp luật sẽ khởi tố bổ sung hoặc mở rộng vụ án. Nhưng trước mắt, cơ quan điều tra sẽ sớm kết thúc điều tra, truy tố để đưa vụ án liên quan đến việc Cao Mỹ Duyên bị sát hại ra xét xử. “Vụ án giết người, cướp, hiếp này là vụ đầu tiên mang tính chất nghiêm trọng, dã man. Các đối tượng đều có tiền án, tiền sự. Việc chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội của chúng hết sức chu đáo, có bàn bạc, thống nhất. Sau khi gây án xong lại tiếp tục thảo luận, bàn bạc về các che dấu hành vi phạm tội của mình…”, Thiếu tướng Sùng A Hồng nói.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nong-cac-van-de-quoc-hoi-thao-luan-va-dich-ta-lon-chau-phi-lan-rong-20190601153806170.htm