Nóng bỏng thị trường vàng

Tuần qua, giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng kỷ lục vượt 1.900 USD/ounce còn vàng trong nước cũng được đẩy lên tới 58,1 triệu đồng. Giá vàng trong nước vẫn đang giữ khoảng cách cao hơn thế giới đến 3 triệu đồng/lượng.

 Mua bán vàng tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Mua bán vàng tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Giá vàng SJC vượt 58 triệu đồng

Tuần qua, giá vàng đã cán mốc 58 triệu đồng với giá bán ra của SJC lên tới 58,1 triệu đồng/lượng. Tương tự, biểu giá niêm yết của Tập đoàn DOJI cũng tăng lên 56,5 triệu đồng (mua vào) - 58 triệu đồng/lượng (bán ra). Không chỉ có giá vàng tăng sốc, mức chênh lệch mua vào - bán ra cũng được các đơn vị kinh doanh nới rộng kỷ lục, lên tới hơn 1 triệu đồng/lượng thay vì 300.000 - 400.000 đồng/lượng ở thời điểm trước.

Giá vàng thế giới trong tuần có lúc tăng lên mức kỷ lục mới là 1.974,57 USD/ounce, bỏ xa mức kỷ lục năm 2011 (mức cao kỷ lục 1.920.70 USD/ounce vào tháng 8/2011), khi USD suy yếu cùng với hy vọng về gói kích thích bổ sung đã lôi kéo nhà đầu tư tìm đến sự an toàn của vàng.

Theo The Nation, nguyên nhân cơ bản khiến vàng thế giới tăng kỷ lục gồm: Nền kinh tế thế giới yếu; đại dịch cũng khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm, buộc các ngân hàng thế giới bơm thêm thanh khoản vào hệ thống kinh tế. Lãi suất thấp, tiền gửi không sinh lời nhiều là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh; căng thẳng giữa các quốc gia như Mỹ và Trung Quốc, giữa Mỹ và Iraq khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các loại "tài sản trú ẩn an toàn" vốn giữ nguyên giá trị khi thị trường biến động; đồng USD yếu bởi nợ công của Mỹ tăng liên tục; nhu cầu vàng tăng: Các quỹ đầu tư và ngân hàng T.Ư quyết định giữ nhiều vàng hơn như một "tài sản trú ẩn an toàn".

Vàng thế giới sớm cán ngưỡng 2.000 USD

Tính từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng 24% giá trị. Còn riêng tuần vừa qua, theo Marketwatch, vàng cũng đã tăng 4,8% giá trị. Giới phân tích đang đặt cược vào đà tăng của vàng khi nhiều yếu tố cùng ủng hộ kim loại quý này. Ngày 30/7, sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo sẽ giữ nguyên mức lãi suất như hiện nay, đồng thời cảnh báo mức tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn nhiều so với mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Quyết định trên đã được giới chuyên gia dự báo từ trước, theo đó lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức gần bằng 0 kể từ ngày 15/3/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Vàng được đánh giá đã tăng giá quá nóng thời gian gần đây và mặt hàng này vẫn được dự báo còn dư địa để tăng thêm. Các công ty đầu tư cho rằng, vàng có thể sớm cán mốc 2.000 USD/ounce. Khi vàng thế giới tăng diễn biến trong nước ra sao. Liên tiếp 2 tuần qua, giá vàng đều có diễn biến tăng dựng đứng 2 - 3 triệu đồng/lượng, rồi bất ngờ giảm mạnh. Ngoài ra, giá vàng trong nước cũng tăng giảm lệch so với thế giới.

Trong khi vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt thời điểm cao nhất (1.974 USD/ounce) mới trong khoảng 55,4 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC đã vượt mốc 58 triệu đồng. Mức chênh lệch gần 3 triệu đồng/lượng cho thấy vàng miếng trong nước không chỉ tồn tại yếu tố tăng theo thế giới mà còn do thiếu nguồn cung. Bên cạnh đó, trong khi giá vàng miếng liên tục thiết lập kỷ lục thì giá vàng nữ trang, vàng nhẫn tròn trơn lại có đà tăng rất hẹp, thậm chí giảm.

Đây không phải lần đầu tiên vàng miếng ghi nhận xu hướng này. “Vàng trong nước thường bị đẩy cao hơn nhiều so với thế giới do quota (hạn ngạch) thấp, nguồn cung hạn chế. Ngoài ra, mỗi khi giá tăng lên thì người dân lại đổ xô đi mua dù được khuyến cáo rất nhiều. Hai yếu tố này cộng hưởng càng khiến giá vàng tăng nóng hơn” - một chuyên gia kinh tế nói.

Biểu đồ giá vàng tháng 7/2020.

“Chết” ở chênh lệch giá

Những diễn biến thất thường của giá vàng đã khiến giới đầu tư, đặc biệt là người đầu tư vàng lướt sóng đứng ngồi không yên. Theo ghi nhận tại thị trường Hà Nội, dù vàng miếng vượt mức 58,1 triệu đồng/lượng kéo theo giá vàng trang sức tăng cao nhưng vẫn ghi nhận nhiều người dân tới giao dịch mua bán. Đại diện một số DN lớn tại Thủ đô cũng khẳng định, trong vài ngày gần đây, lượng người tới mua vàng vẫn cao hơn bán, tỷ lệ phổ biến khoảng 60% khách mua và 40% khách bán.

Chị Trần Thu Hằng (ở Thái Hà, Hà Nội) mua 2 lượng vàng ở ngưỡng 56,8 triệu đồng/lượng. Đến sáng 28/7 giá vàng tăng vù vù lên 58,1 triệu đồng/lượng. Tưởng có thể chốt lời trong chớp nhoáng, nhưng giá mua vào chỉ ở mức 56,4 triệu đồng/lượng. Mức giá này thấp hơn đến 400.000 đồng/lượng so với mức giá chị mua vào.

Còn anh Nguyễn Nam, ở Giảng Võ cho biết, ngay khi vàng chạm 58 triệu đồng, anh vội mang đi bán nhưng không kịp, giá sau đó đảo chiều rớt mạnh xuống còn 57 triệu dù giá vàng thế giới đã vượt 1.900 USD/ounce - mức kỷ lục 9 năm trước. Chưa kể mức 57 triệu đồng đó là giá nhà vàng bán ra, còn giá họ thu mua vào chỉ là trên 55 triệu đồng. Do vậy, anh phải ngậm ngùi chờ đến đợt tăng giá tiếp theo mới có cơ hội hòa vốn.

Thực tế kiếm lời thời điểm này rất khó. Theo ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, giá vàng đã tăng liên tục trong 8 tuần. Hiện có đến 2/3 các nhà bình luận trên thế giới cho rằng giá vàng còn tăng. Nhưng 1/3 còn lại cho rằng giá vàng tăng quá nhanh, có yếu tố đầu cơ.

“Còn ở trong nước, điều quan trọng cần ghi nhận là chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới gần đây có lúc dương, lúc âm, khác với nhiều năm trước là chỉ có dương, tức trong nước luôn cao hơn thế giới. Đấy chính là rủi ro cho người mua vàng”- ông Khánh phân tích.

Ông Huỳnh Trung Khánh chia sẻ: “Quan điểm của tôi là nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư vàng vào lúc này. Đặc biệt, việc đầu tư lướt sóng chỉ dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, các quỹ đầu tư… họ muốn bảo toàn vốn, đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Còn người dân mà có khoản tiền tiết kiệm đưa ra lướt sóng vàng thời điểm này thì rất rủi ro.

Trên thực tế, các chuyên gia đều cảnh báo rủi ro khi mua bán vàng trong thời điểm diễn biến bất thường hiện nay. Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cảnh báo, thị trường vàng hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua. Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) Trần Thanh Hải cho rằng, vàng thực sự chỉ dành cho nhà đầu tư có hiểu biết và đầy đủ công cụ.

Chứng kiến diễn biến của vàng trong thời gian qua, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cho rằng, vàng còn rủi ro từ nay đến cuối năm có rất nhiều sự kiện từ kinh tế, chính trị, dịch bệnh mà không ai có thể lường hay dự báo được. Với kênh đầu tư chứng khoán, thị trường này còn chịu tác động từ thị trường chứng khoán thế giới.

“Do đó, gửi tiết kiệm là an toàn, phù hợp với người không thích mạo hiểm. Cần ghi nhận rằng tiết kiệm của Việt Nam luôn ở trạng thái dương, tức lãi suất tiết kiệm luôn cao hơn lạm phát...”- ông Phước chia sẻ.

Dù giá vàng thế giới có tăng thế nào đi nữa thì tỷ giá vẫn ổn định, mua bán vàng không có gì đột biến bởi chúng ta đã chấm dứt hoạt động của sàn vàng, huy động cho vay vàng. Thực tế cho thấy, 7 tháng đầu năm tỷ giá chỉ tăng 0,1 - 0,2%, trong đó tỷ giá trung tâm tăng 0,3%, tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá thị trường tự do tăng 0%. Đây là câu trả lời thuyết phục dù vàng có tăng cao cũng không làm giá hàng hóa trong nước tăng lên và gây sức ép lên tỷ giá VND/USD.

Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nong-bong-thi-truong-vang-391657.html