'Nóng bỏng' rừng tràm Cà Mau

Lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau trở nên 'nóng bỏng'. Chỉ sau một tuần, diện tích dự báo cháy cấp cao nhất đã tăng thêm gần 8.000ha.

Cà Mau tăng cường các hoạt động “canh lửa”, tuần tra bảo vệ rừng trong cao điểm mùa khô hạn.

Cà Mau tăng cường các hoạt động “canh lửa”, tuần tra bảo vệ rừng trong cao điểm mùa khô hạn.

Cà Mau có diện tích rừng ngập ngọt lớn thứ hai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với hơn 43.000ha. Đây là một trong những “lá phổi” xanh của khu vực ĐBSCL, đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài hơn ba tháng liền đã khiến toàn bộ lâm phần khô hạn hoàn toàn.

Báo cáo mới nhất từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, đến hết tuần đầu tháng 3 vừa qua, trong tổng diện tích lâm phần đã có hơn 34.700ha (gần 80%) rừng dự báo cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Đây cũng là cấp cảnh báo cháy cao nhất trong thang cảnh báo cháy rừng, nguy cơ cháy rừng bất cứ lúc nào. Diện tích báo cháy cao nhất tập trung chủ yếu trên địa bàn lâm phần thuộc: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh hạ (hơn 17.000ha); Vườn quốc gia U Minh hạ (gần 2.900ha); xã Khánh An (3.900ha), Nguyễn Phích (2.100ha) của huyện U Minh; Trại giam Cái Tàu (hơn 1.200ha); Sở Chỉ huy thời chiến (hơn 1.300ha)... Trong khi đó, hơn 2.700ha dự báo cháy cấp 3 và hơn 6.100ha dự báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) cũng đang có chiều hướng tăng cấp dự báo cháy, nếu tình hình nắng nóng gay gắt tiếp tục duy trì trong những ngày tới.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, so với thời điểm đầu tháng 3 vừa qua, diện tích báo cháy cấp 5 đã tăng từ hơn 26.000ha lên hơn 34.700ha. Mức tăng trên nằm ngoài dự báo của cơ quan chuyên môn.

Chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mặt công tác PCCCR mùa khô theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhằm kịp thời xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của lực lượng canh lửa mùa khô là tình hình nắng gay gắt kéo dài khiến nước dưới kênh, rạch trong rừng bốc hơi nhanh, khả năng khô cạn hoàn toàn hoặc thiếu nước nghiêm trọng ở một số khu vực nếu có cháy lớn xảy ra. Cộng thêm tầng dưới của rừng là lớp than bùn khô cạn và không còn độ ẩm, một khi có cháy thì rất khó chữa cháy.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/43552302-%E2%80%9Cnong-bong%E2%80%9D-rung-tram-ca-mau.html