Nóng bỏng chống buôn lậu mùa lũ

Lũ đang tràn về. Khi nước dâng trắng đồng cũng là lúc hoạt động buôn lậu ở tuyến biên giới Việt Nam - Tây-Nam trở nên sôi động, nóng bỏng. Cuộc chiến chống buôn lậu ở vùng lũ với chiều dài gần 300 km dọc đường biên giới Việt Nam - Campuchia cũng trở nên rất khó khăn, phức tạp.

Thu giữ hàng hóa buôn lậu (ảnh lớn), một trong các hình thức vận chuyển hàng lậu mùa lũ (ảnh nhỏ). Ảnh: PV.

Thượng tá Hoàng Văn Nam-Đồn trưởng Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn (Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết, từ khu vực này băng đồng chưa đầy chục cây số và chỉ mất dăm phút là vượt qua kênh Vĩnh Tế đến ngay trung tâm thành phố Châu Đốc. Từ đó, hàng lậu tỏa đi nhiều nơi, do vậy hoạt động buôn lậu rất sôi động. Trong 3 tháng cao điểm, lượng thuốc lá lậu do Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn bắt được bằng gần nửa số thuốc lá lậu bắt được trong toàn tỉnh.

Một đêm cuối tháng 8, phóng viên Tiền Phong theo chân các chiến sỹ Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn mật phục, truy bắt buôn lậu giữa cánh đồng mênh mông nước. Gần 20 giờ, chuông điện thoại reo, thượng tá Nam nhận được mật báo, khuya nay có ghe chở thuốc lá lậu từ bên kia biên giới về. Lực lượng tham gia cuộc truy bắt đêm nay có 6 chiến sỹ, do thượng tá Nam trực tiếp chỉ huy. Theo thượng tá Nam, đội quân buôn lậu “rải người” khắp nơi để theo dõi lực lượng chống buôn lậu. Vì vậy, trước khi xuất phát, Thượng tá Nam lệnh cho một chiến sỹ đánh lừa bọn canh đường bằng cách di chuyển vỏ lãi sang điểm khác cách đồn vài trăm mét.

Bất lực trong đêm

Khoảng 22 giờ 30 phút đêm hôm đó, lực lượng bắt đầu xuất phát. Chỉ huy yêu cầu dùng chèo bơi một đoạn xa, sau đó mới nổ máy chạy để tránh bị phát hiện. Ngoài đồng trống, trời tối như mực, chỉ nghe gió thổi ù ù. Từ điểm xuất phát đến giáp biên giới non chục cây số, dọc đường đi, vỏ lãi của lực lượng biên phòng vướng nhiều dớn đăng cá linh của người dân. Chạy chừng vài chục phút đến đường biên giới thượng tá Nam cho dừng lại mai phục rồi gọi điện cho đề lô (cơ sở) bên Campuchia để nắm tình hình. Đầu bên kia cho biết, có 2 xuồng đang xuống hàng (thuốc lá) chuẩn bị đưa về Việt Nam. Đây cũng là lúc bọn canh đường chạy nhiều nơi trên bộ lẫn trên đồng, soi đèn canh phòng. Để tránh bị phát hiện, mọi người trong tổ công tác phải nằm sát xuống lườn vỏ lãi và giữ im lặng tuyệt đối, kể cả khi bị muỗi hay côn trùng cắn.

Nửa đêm, nhận được thông tin bọn buôn lậu chuẩn bị xuất phát, thượng úy Trần Văn Đang-Đội trưởng trinh sát giương ống nhòm quan sát, và cho biết có 2 vỏ lãi từ hướng casino bên kia biên giới đang nhập nội với tốc độ cao. Gần đến đường biên giới, bọn chúng giảm tốc độ và pha đèn thăm dò. Không thấy động tĩnh, hai chiếc vỏ lãi được trang bị máy công suất lớn nối nhau tăng tốc lao về phía trước. Chiếc vỏ lãi chở hàng lậu đi trước, áp sát vỏ lãi của lực lượng biên phòng và tiến vào lãnh thổ Việt Nam nhưng không phát hiện lực lượng chức năng. Chiếc thứ hai chạy sau phát hiện bị lọt vào lưới biên phòng, một người liền hô: “Biên phòng!” rồi lập tức hạ ga quay đầu lại bên kia biên giới. Chiếc đi trước cũng cuống cuồng quay theo. Thượng tá Nam lệnh nổ máy bám theo. Nhưng phải giật đến lần thứ 3 máy mới nổ, lúc này bọn buôn lậu đã sang hẳn địa phận Campuchia.

Trong lúc tháo chạy, những tay buôn lậu làm rơi 6 bọc ni lông đựng thuốc lá với khoảng 1.500 gói Hero và Jet. Trong lúc mọi người loay hoay vớt tang vật thì từ xa có chiếc ca nô cùng một chiếc vỏ lãi khác băng tới hỗ trợ. Hiểu được thắc mắc của phóng viên vì sao ngay từ lúc đầu không cho ca-nô đến mật phục và truy đuổi, thượng Tá Nam giải thích: “Nếu ca-nô rời khỏi chốt thì bọn canh đường phát hiện sẽ nghi ngờ và cho dừng mọi hoạt động. Hơn nữa, buôn lậu chạy qua địa phận Campuchia thì mình không đuổi qua đó được, trong khi chạy ở địa phận Việt Nam thì bị vướng đăng, dớn của dân, không chạy được, chưa kể về vận tốc ca-nô của mình chạy không lại vỏ lãi của buôn lậu”. Thượng tá Nam còn cho biết, nếu đi ít, chừng vài ba chiếc, bọn buôn lậu sẽ bỏ của chạy thoát thân khi gặp lực lượng chống buôn lậu. Nhưng khi đi đông hàng chục chiếc, chúng sẽ chống cự lại anh em làm nhiệm vụ sẽ gặp nguy hiểm.

Trước đó, với sự giúp sức của ông T., một người dân ở thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) chuyên sống bằng nghề đặt dớn ở Campuchia, phóng viên Tiền Phong đã cải trang thành người dân đánh cá để mục sở thị về hoạt động buôn lậu bên kia biên giới. Ông T. cho biết, suốt mấy chục năm qua, cứ đến mùa lũ, ông lại sang Campuchia đóng tiền thuê đặt dớn và năm nay gia đình ông đóng 150 triệu đồng. Từ nhà ông T. chạy dọc theo kênh Vĩnh Tế vài cây số có kênh nhỏ dẫn sang cánh đồng Campuchia và chạy chừng 20 phút bằng ghe nhỏ là đến nơi đặt dớn. Khoảng 10 giờ sáng, trời bắt đầu nắng gắt, từ đâu đó xuất hiện hai chiếc vỏ lãi chở đầy hàng, trên đậy bạt kín mít tiến về phía biên giới Việt Nam. Ông T. bảo: “Họ chở đường lậu đó. Ở đây, mùa lũ ngày nào tôi chẳng gặp ghe chở hàng lậu, nhất là ban đêm”. Cách chỗ ông T. đặt dớn không xa, có hai ghe lớn và 4 chiếc vỏ lãi chất đầy hàng lậu đang neo đậu. Ông T. bảo, đấy là ghe chở hàng buôn lậu, chờ thời cơ thuận lợi sẽ chở đường về Việt Nam.

Lực lượng biên phòng tịch thu thuốc lá lậu. Ảnh: Hòa Hội.

“Cơ hội vàng” cho buôn lậu

Đại tá Phan Minh Huyền-Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang có gần 100 km đường biên giới với Campuchia. Mùa khô, buôn lậu đi theo các đường mòn, kênh rạch nên có thể biết số lượng để dự báo, mai phục. Vào mùa lũ, mênh mông sông nước, đâu đâu cũng có thể đưa hàng sang được nên phòng chống khó khăn, đặc biệt là ở địa bàn thành phố Châu Đốc, vì nơi đây rất thuận tiện trong việc tuồn hàng lậu vào sâu trong nội địa bằng nhiều ngả đường. Ông Võ Nguyên Nam-Giám đốc Sở Công Thương kiêm Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang dự báo, tình hình buôn lậu thời gian tới diễn biến phức tạp, tăng cao do nhu cầu về mặt hàng đường cát tăng. Hơn nữa, nước lũ tràn ngập các cánh đồng, khó xác định đường biên giới hai nước nên thuận lợi cho buôn lậu, khó khăn cho lực lượng kiểm tra, nhất là các cánh đồng và tuyến đường sông.

Tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, tình trạng buôn lậu dọc đường biên cũng dâng cao theo lũ. Tỉnh Đồng Tháp có gần 50 km đường biên giới, trong đó buôn lậu tập trung nhiều ở các xã Thường Thới Hậu B, Thường Thới Hậu A, cánh gà cửa khẩu Thường Phước và tỉnh lộ 841 của huyện Hồng Ngự; khu vực biên giới các xã Bình Phú, Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng. Trong nội địa, khu vực nội ô thị xã Hồng Ngự là nơi trung chuyển hàng lậu, kể cả đường bộ lẫn đường sông, về thành phố Cao Lãnh, từ đó đi TPHCM và các tỉnh lân cận. Tỉnh Kiên Giang có 57 km đường biên. Địa bàn buôn lậu nóng nhất là khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, đường mòn hai bên cánh gà Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên; khu vực đường chùa Xà Xía… Đối tượng buôn lậu lợi dụng biên giới có nhiều đường tắt, lối mở để vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nong-bong-chong-buon-lau-mua-lu-1185081.tpo