Nồng ấm tình nghĩa anh em

Nhân kỷ niệm 68 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/2018), nghĩ về tình hữu nghị không thể tách rời giữa báo giới hai nước, nghĩ về việc quan trọng chúng ta đang làm là sắp xếp, quy hoạch lại báo chí… nên có vài ghi chép tản mạn, ngõ hầu chỉ là cung cấp thông tin.

Chúng tôi, bảy anh em là những người làm báo Việt Nam: Lê Trọng Lập, Chủ tịch HNB Hà Giang; Phạm Văn Dũng, Chủ tịch HNB Long An; Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Cổng TTĐT của Bộ Quốc phòng; Đặng Văn Mậu, Phó Chủ tịch Thường trực HNB Quảng Trị; Tống Văn Thanh, Phó TBT báo Đại Đoàn Kết; Phạm Trường Sơn, trợ lý Ban Công tác hội viên của Trung ương HNBVN và tôi Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra của HNBVN vừa có chuyến đi thăm và làm việc với các bạn làm báo của nước CHDCND Lào – một chuyến đi thú vị và đầy ấn tượng… Nhân kỷ niệm 68 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/2018), nghĩ về tình hữu nghị không thể tách rời giữa báo giới hai nước, nghĩ về việc quan trọng chúng ta đang làm là sắp xếp, quy hoạch lại báo chí… nên có vài ghi chép tản mạn, ngõ hầu chỉ là cung cấp thông tin.

Cuối tháng 10, tháng cuối của mùa mưa bên Lào nên thật giống như câu thơ của ai đó: “Trường Sơn Đông/ Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt/ Bên mưa quây”.

Tin tức dồn dập đưa về lũ lớn Việt Nam - phía đông Trường Sơn xả lũ hồ, đập, giải quyết sạt lở, cứu người gặp nạn, đọc tin mà tâm trạng rối bời, thương đồng nghiệp vì tác nghiệp mà phải hy sinh, thương đồng bào hết trận nọ đến trận kia chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, chống chọi với nạn hủy hoại môi trường sống. Đi trong cái nắng chang chang trên đất bạn Lào mới thấy nước bạn cũng có những nghiệt ngã riêng: Đất rộng người thưa, cuộc sống cũng chưa lấy gì làm khấm khá…

Nhà báo Phan Hữu Minh trao đổi với Chủ tịch HNB Lào Savankhon Raznontry.

Tôi đi Lào chuyến này là lần thứ 3; 10 năm trước trên chiếc xe Uoát dã chiến, đi hầu hết các tỉnh biên giới Việt Lào, bên Tây Trường Sơn để tìm hiểu về con đường mòn Hồ Chí Minh bên sườn Tây, những cuộc hành quân miệt mài của bộ đội ta của hơn 40 năm về trước; tìm hiểu sự đùm bọc, thương yêu của nhân dân các bộ tộc Lào đối với cách mạng Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Bộ phim hành trình theo nhật ký Vũ Xuân – một chính trị viên tiểu đoàn của quân đội ta 3 lần hành quân vào Nam đánh Mỹ đều có những năm tháng hành quân, nương nhờ trên đất Lào anh em. Chính vì thế, chúng tôi hiểu khá sâu về đời sống và tình cảm của đồng bào các tỉnh từ Sầm Nưa, Hủa Phăng, Bulikhamxay, Savannaket… cũng như hành trình giành độc lập của Đảng Nhân dân cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào. Lần thứ 2, chúng tôi sang Lào để ghi hình các chương trình hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Việt Nam và các tỉnh nước bạn Lào anh em. Riêng lần thứ 3 này, đoàn chúng tôi làm việc và trao đổi về lĩnh vực báo chí, lĩnh vực Hội nghề nghiệp…

Ông Khammuang Udomhuk, Chánh văn phòng Hội Nhà báo Lào là một người đứng tuổi, khỏe mạnh, tình cảm, đặc biệt ông hiểu rất sâu về đất nước, con người Lào. Trí tuệ của Khammuang lại được sự cộng hưởng, ăn ý của Sắm Niêng - cô gái Lào duyên dáng đang làm việc tại tổ tiếng Việt thuộc Ban Quốc tế Đài phát thanh Quốc gia Lào phiên dịch cho đoàn. Sắm Niêng học đại học 5 năm ở Việt Nam nhưng do có năng khiếu ngoại ngữ nên những câu đại loại như “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” cô vẫn dịch ngon ơ.

Thăm tòa soạn báo Phatthana.

Khammuang kể: Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào hiện nay có nguồn gốc lịch sử từ Vương quốc Lan Xang (triệu voi). Mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước, nhân dân các bộ tộc Lào luôn tự hào về truyền thống quật cường, đoàn kết và chịu thương chịu khó. Đất nước Lào có 6,8 triệu dân, 60% trong đó là người Lào (Lào loum). Tại các vùng núi Trung và Nam Lào là nơi cư trú của phần đông người
Môn-Khmer (Lào Theung), còn lại là các dân tộc H.Mông, Tạng - Miến, Khơ Mú, Việt… 67% người Lào là tín đồ Phật giáo Thượng tọa độ, chi phối hầu hết hoạt động tâm linh, văn hóa, nghệ thuật… Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, Đảng nhân dân cách mạng Lào sau này mở đường cho cách mạng Lào thành công, xây dựng Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đi lên phồn vinh… Từ khi có Đảng lãnh đạo, cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào luôn sát cánh bên nhau. Hai nước không chỉ chung một dải Trường Sơn hùng vĩ mà còn có chung truyền thống và mối tình đoàn kết đặc biệt.

Bạn tổ chức đón tiếp đoàn Việt Nam trang trọng và thân tình. Cuộc hội đàm ngắn giữa 2 đoàn mà phía bạn là đồng chí Savankon Raznontry, Chủ tịch Hội Nhà báo Lào, Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa & Du lịch Lào và các đồng chí ủy viên ban chấp hành Hội Nhà báo Lào để lại ấn tượng sâu sắc. Các bạn khẳng định rằng Việt Nam - đất nước anh em đã có nhiều giúp đỡ, hỗ trợ để nền báo chí của Lào từng bước phát triển, đáp ứng yêu cầu của Đảng cũng như nhân dân. Các bạn mong muốn tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, nghiệp vụ, thúc đẩy hợp tác báo chí, công tác Hội của hai nước. Đặc biệt tạo cơ chế để kết nghĩa, trao đổi giữa các địa phương. Một lần nữa khẳng định: cấp Trung ương của 2 Hội, quan hệ nồng ấm này đã trải qua nhiều năm, hiểu biết và chia sẻ; nhưng ở cấp tỉnh và cơ sở cũng còn phải được củng cố và phát triển thêm. Công tác đào tạo thể hiện rõ sự gắn bó giữa nhà trường Việt Nam và Lào nhưng số lượng còn chưa thật sự tương xứng.

Chúng tôi được mời đến thăm Đài Truyền hình, Đài Phát thanh Quốc gia, Thông tấn xã Lào, về mặt công nghệ bạn còn phải tiếp tục đầu tư, nhưng trong quản lý và tác nghiệp, bạn đã có những hoạch định để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ mà không hao tốn nhân lực. Các đồng chí Tổng Giám đốc các cơ quan nói trên đều bày tỏ sự biết ơn các cơ quan báo chí Việt Nam đã ủng hộ và giúp đỡ để báo chí chủ lực của Lào phục vụ tốt yêu cầu của đất nước.

Viêng Chăn là một tỉnh liền kề thủ đô Viêng Chăn, đất rộng, người thưa, tiềm năng rất lớn nhưng lại thiếu lao động, cả tỉnh chỉ có 290.000 dân. Tác nghiệp báo chí của bạn gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, phương tiện hạn chế… Dù vậy, tờ báo của Đảng bộ và cơ quan Phát thanh Truyền hình, Truyền thanh cũng đã nỗ lực rất lớn để phục vụ tốt yêu cầu chỉ đạo của cấp ủy chính quyền và nhu cầu hưởng thụ thông tin của nhân dân.

Đoàn đại biểu HNBVN với các cháu thiếu nhi Lào.

Thắp nén nhang tưởng nhớ công lao của bậc tiền bối, đồng chí Xithomphon Lò Văn Xay, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Đảng Nhân dân cách mạng Lào tại quê hương của ông – tỉnh Bulikhamxay, làm việc với tỉnh, các cơ quan báo chí thông tin, chúng tôi được chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động báo chí của địa phương.

Khu du lịch sinh thái Văng Viêng, điểm đến của hoạt động du lịch góp phần quan trọng làm nên kỳ tích lượng khách du lịch đến Lào mỗi năm tương đương dân số nước này, niềm tự hào của các bạn. Đó là cảm nhận, cũng là minh chứng cho sự vươn lên thời kỳ hội nhập của bạn.

Ở tất cả những nơi chúng tôi đến, từ báo chí Đảng, Nhà nước, đến báo chí Quân đội ngoài thuận lợi là sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các bạn cũng gặp những khó khăn: Báo in rất khó phát hành, Tia ra thấp, hệ thống phát thanh, truyền hình công nghệ còn lạc hậu, công suất máy phát thấp, độ phủ sóng còn hạn chế. Có đường biên giới với Thái Lan bằng dòng Mê Kông, các cơ quan báo chí Lào còn phải lo phục vụ bạn đọc khán thính giả của mình, cạnh tranh với thông tin, giải trí của nước bạn Thái Lan.

Trong một tuần thăm và làm việc, với sự đón tiếp nồng hậu, tình cảm của đồng chí Chánh văn phòng Trung ương Hội Nhà báo Lào Khammuang Udomhuk, Biên tập viên Ban quốc tế Đài Phát thanh Quốc gia Lào Sắm Niêng, chúng tôi sống trong không khí người thân, người nhà. Chia sẻ công việc, kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn, cùng nhau mong muốn sự phát triển của báo chí 2 nước.

Báo chí của Lào do Đảng NDCM và Nhà nước CHDCND Lào quản lý, mô hình khá gọn nhẹ. Đài phát thanh và Đài truyền hình Quốc gia trực thuộc quản lý của Bộ Thông tin văn hóa và du lịch. Hãng thông tấn Quốc gia Khao San Pathet Lào phát hành phiên bản tiếng Anh và Pháp. Lào có 9 nhật báo, trong đó phải kể đến tờ Pa sa xôn, Phátthana; 90 tạp chí, 43 đài phát thanh, 32 đài truyền hình hoạt động khắp đất nước có diện tích 236.800 cây số vuông, thuộc quản lý của 17 tỉnh và thủ đô Viêng Chăn. Báo chí, truyền thông Lào đậm nét sự giúp đỡ vô tư của báo chí Việt Nam ta. Thông tấn xã Việt Nam, VTV, VOV; Báo đài các tỉnh chung biên giới Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… luôn được các bạn nói tới trong suốt chuyến thăm của chúng tôi.

Ngày thứ 3 của hành trình, Thủ đô Viêng Chăn mưa lớn, đường phố mát mẻ, cây cối xanh tươi trở lại sau những ngày nắng gắt. Có gì đó như sự sẻ chia của đất trời với tình cảm 2 nước láng giềng thân thiết.

“Em giang tay, em xòe tay/ Chẳng thể nào mà xua tan mây/ Chẳng thể nào mà che anh được”.

Câu thơ trên nói lên phần nào tâm trạng của chúng tôi và của cả các bạn làm báo của Lào…

Chúng tôi nghĩ rằng tình hữu nghị giữa báo chí Việt Nam và báo chí Lào có nguồn gốc từ tình cảm sâu nặng, đồng hành cùng với cuộc đấu tranh giành độc lập và công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh của cả 2 Đảng, 2 dân tộc Việt – Lào anh em.

Ghi chép của Hữu Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/cong-tac-hoi/nong-am-tinh-nghia-anh-em-35338