Nóng: 190 đại biểu kiến nghị tháo bỏ 40 móng biệt thự trái phép ở Sơn Trà

Sau khi nghe trình bày 12 báo cáo và 7 tham luận khoa học, gần 190 đại biểu của Hội thảo đã nhất trí kiến nghị tháo bỏ 40 móng biệt thự trái phép ở Sơn Trà. Họ cho rằng đây giải pháp ưu tiên trước mắt.

Ngày 21/7, thông tin mới nhất PV có được, tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” được tổ chức vừa qua, Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam Lưu Hồng Trường và Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh đã đồng ký vào thư kiến nghị gửi các cơ quan cao nhất của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành có liên quan và nhà chức trách Đà Nẵng.

Thư kiến nghị được cho là góp thêm tiếng nói của các nhà khoa học về giá trị đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững.

Theo đó, tham dự hội thảo có gần 190 đại biểu đến từ các bộ ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các chuyên gia trong ngành... Sau khi nghe trình bày 12 báo cáo và 7 tham luận khoa học, tất cả các đại biểu của hội thảo đã cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, diện tích và chất lượng rạn san hô ở vùng biển ven bờ Sơn Trà đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi đã bị biến mất. Nguyên nhân do việc lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng ven bờ, sự lắng đọng trầm tích và khai thác nguồn lợi hải sản ven bờ quá mức, rác thải và ô nhiễm môi trường từ các khu đô thị, nhà hàng, hoạt động du lịch.

Cùng với đó, diện tích thảm cỏ biển ở vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà chỉ còn khoảng 1ha, tập trung tại Bãi Nồm và Bãi Bụt, so với năm 2006 đã có khoảng 9ha thảm cỏ biển bị biến mất, cấu trúc thảm cỏ biển ở Bãi Nồm cũng bị biến động lớn theo xu hướng suy thoái do bị ô nhiễm và tác động môi trường.

40 móng biệt thự Sơn Trà bị kiến nghị đập bỏ

Vùng phân bố và hoạt động của loài Chà vá chân nâu đang bị chia cắt và thu hẹp một cách nghiêm trọng do các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Tình trạng săn bắn trộm vẫn đang diễn ra và việc phát triển du lịch thiếu kiểm soát đang tạo áp lực lên quần thể loài linh trưởng này.

Đáng báo động là hiện tượng khai thác rừng và cây thuốc trái phép vẫn đang xảy ra. Từ năm 1977 Thủ tướng Chính phủ đã quy định Sơn Trà là một khu rừng cấm (rừng đặc dụng) theo Quyết định số 41/TTg ngày 24 tháng 01 năm 1977, nhưng đến nay khu rừng đặc dụng này vẫn chưa có chủ rừng thực sự để quản lý.

"Sơn Trà đúng là một báu vật của Việt Nam. Cần phải có những biện pháp can thiệp kịp thời để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên vô cùng giá trị và độc đáo của Sơn Trà khi đang từng ngày bị suy thoái", trích thư.

Cũng trong nội dung thư này đã đề xuất nhiều giải pháp như cần xác định Sơn Trà là một Vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, hoàn trả lại diện tích rừng của Bán đảo Sơn Trà đã bị chuyển sang cho việc quy hoạch du lịch, tiến hành khảo sát xác định phạm vi, ranh giới, diện tích chính xác của Vườn quốc gia Sơn Trà trên thực địa và trên bản đồ, bao gồm cả hợp phần trên cạn và hợp phần biển ven bờ. Tiến hành quy hoạch bảo tồn và phát triển Vườn quốc gia Sơn Trà theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ để làm nền tảng cho quy hoạch các loại hình và sản phẩm du lịch thích hợp.

Thực hiện các hoạt động du lịch theo phương thức dịch vụ rừng đặc dụng quy định tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP và dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ.

"Biện pháp trước mắt cần thực hiện là Giữ nguyên hiện trạng hiện nay ở Sơn Trà. Không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch. Tháo bỏ ngay 40 móng biệt thự đã xây trái phép. Yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp chống trôi đất xuống biển trước mùa mưa bão 2017.

Kiến nghị UBND Đà Nẵng và chính phủ không quy hoạch Bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia để ưu tiên tập trung cho quy hoạch Bán đảo Sơn Trà thành khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Thành lập đoàn kiểm tra đánh giá hiện trạng các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà để có các giải pháp chấn chỉnh và cải thiện hiệu quả của hoạt động du lịch.

UBND TP Đà Nẵng xem xét, nghiên cứu có thể thành lập Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Hải Vân-Sơn Trà", nội dung thư trình bày.

Bán đảo Sơn Trà có ít nhất 1.010 loài thực vật và 21 loài nấm lớn, trong đó có 43 loài quý, hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế. Thảm thực vật ở cao độ thấp hơn 200m, có vai trò quan trọng bảo vệ an toàn cho loài Chà vá chân nâu.

Có 370 loài động vật (38 loài thú, 160 loài chim, 18 loài lưỡng cư, 52 loài bò sát, 19 loài cá và 79 loài côn trùng), trong đó có 24 loài quý, hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế.

Có từ 700 đến 1.300 cá thể Chà vá chân nâu. Tình trạng sinh trưởng và phát triển tốt, có nhiều con non trong bầy đàn. Bán đảo Sơn Trà đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn nguồn gen và loài trước nguy cơ tuyệt chủng. Loài này phân bố ở tất cả các đai độ cao và sinh cảnh trên bán đảo (kể cả rừng trồng và bãi đá), từ sát mặt nước biển đến độ cao 696m. Bán đảo Sơn Trà có nguồn thức ăn phong phú, đa dạng cho Chà vá chân nâu. Phạm vi kiếm ăn của chúng rất rộng, bao gồm toàn bộ các vùng rừng tự nhiên và trảng cây bụi.

Số lượng loài động, thực vật (kể cả loài quý, hiếm, đặc hữu) tập trung cao trên một diện tích rất nhỏ (4.300 ha).

- Sơn Trà là kho cây thuốc tự nhiên với 329 loài, có mật độ phong phú và đa dạng, trong số đó có 8 loài cây thuốc quý thuộc diện bảo tồn cấp quốc gia.

- Đây là một trong số ít nơi ở Việt Nam là khu bảo tồn thiên nhiên còn có cảnh quan rừng tự nhiên gắn liền với biển.

Nhâm Thân

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nong-190-dai-bieu-kien-nghi-thao-bo-40-mong-biet-thu-trai-phep-o-son-tra-202911.htm