Non sông nhớ bóng anh hùng

'Thà mình chết, đừng để cho Đảng bị thiệt hại' – nhà lao Buôn Mê Thuột hôm nay như vẫn còn vang lời cảm khái của người tử tù 'Tê Đơ – Phạm Kiệt' khi anh bị thực dân Pháp lưu đày đến chốn 'rừng xanh, núi đỏ' này.

Như bao dòng sông trên đất Việt, trước khi hắt mình ra biển Đông, Trà Khúc đã miệt mài đắp bồi phù sa cho xứ sở trên suốt hành trình chảy gần 140 cây số. Từ thế kỷ 19, khi đi qua Quảng Ngãi, nhà thơ Cao Bá Quát đã ví Trà Khúc như "lưỡi gươm đầm ánh bạc". Cũng trên dòng sông ấy, Hàn Mặc Tử chèo thuyền “chơi giữa mùa trăng” và Bích Khê thì thảng thốt: "Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông...".

Trung tướng Phạm Kiệt (1910 - 1975).

“Hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam

Và cũng bên dòng Trà Khúc ấy, đã có một anh hùng được sinh ra, đúng như lời thơ của nhà thơ Bế Kiến Quốc: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông/ Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát trắng mênh mông/ Thì cũng sông Trà, sông Hương, Sông Cửu Long uốn chín đầu rồng…”. Đó là Phạm Quang Khanh (SN 1910, quê ở xã An Phú, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), người sau này lớn lên thành anh lính vệ quốc Tê Đơ, thành chú Mười Quảng Ngãi, thành Trung tướng Phạm Kiệt - một người chiến sĩ cộng sản trung kiên, một thứ trưởng Bộ Công an đầy bản lĩnh, một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã được ghi nhận như một danh tướng của lịch sử cách mạng Việt Nam.

“Thà mình chết, đừng để cho Đảng bị thiệt hại” – nhà lao Buôn Mê Thuột hôm nay như vẫn còn vang lời cảm khái của người tử tù “Tê Đơ – Phạm Kiệt” khi anh bị thực dân Pháp lưu đày đến chốn “rừng xanh, núi đỏ” này. Tham gia tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” khi chưa đầy 15 tuổi, “Tê Đơ” nhanh chóng trưởng thành và trở thành “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam. Bị kết án tử hình rồi hạ xuống chung thân, những trận đòn tù dã man tại các nhà lao như Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, Ba Tơ… dường như chỉ là ngọn lửa lò tôi rèn thêm bản lĩnh và lí tưởng của người Cộng sản trẻ, tạo nên một ngọn đuốc sáng trong những ngày cả nước vùng lên giành độc lập.

Những người bạn tù với “Tê Đơ” ngày ấy như Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, Bùi San, Lê Tất Đắc… đã rất ấn tượng với người thanh niên xứ Quảng mưu lược đã từng lập kế hoạch giúp các ông vượt ngục. Ngay cả mật danh “Tê Đơ” cũng là một cái tên được đặt trong những tháng ngày hoạt động cách mạng sôi nổi ấy.

Cuốn hồi ký “Từ núi rừng Ba Tơ” do Đại tá, nhà văn Lương Sĩ Cầm chấp bút là một áng văn học sử sinh động về những người du kích Ba Tơ anh hùng trong những năm đầu cách mạng. Truyện kể rằng, ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, lúc này chỉ thị từ Trung ương “Nhật đảo chính Pháp - hành động của chúng ta” tuy chưa vào đến nơi nhưng bằng sự nhạy bén của mình, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã quyết định cướp đồn Ba Tơ, giành chính quyền về tay nhân dân Ba Tơ.

Nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Ba Tơ đã được Tỉnh ủy lâm thời giao cho “Tê Đơ - Phạm Kiệt”. Suốt một đêm dài giằng co, đấu trí với địch quần chúng cách mạng đã chiếm đồn Ba Tơ, bắt tất cả sỹ quan và quân lính trong đồn, giải tán chính quyền phản động, giành thắng lợi hoàn toàn mà không hề đổ máu, hy sinh một ai. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, là "tiếng súng mở đầu" cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Quyết "hy sinh vì Tổ quốc"

Thời điểm đó, lợi dụng thời cơ chính quyền Trung ương của Nhật còn chưa ổn định ở Đông Dương, chính quyền địa phương của Nhật còn chưa tới Ba Tơ, chính quyền Pháp thì bất ổn, tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Ba Tơ đã lập ra Ủy ban Khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng đứng lên giành chính quyền. Cuộc mít tinh được tổ chức tại sân trại giam đã biến thành cuộc biểu tình kéo đi vây đồn Ba Tơ. Sĩ quan Pháp chỉ huy đồn bỏ chạy, quân lính đầu hàng. Chính quyền cộng sản được thành lập, đội du kích Ba Tơ ra đời. Đây là đội quân vũ trang cách mạng thoát ly đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ở miền Trung Trung Kỳ. Đội quân du kích này đã hoạt động tốt và trở thành lực lượng nòng cốt trong Cao trào kháng Nhật cứu nước năm 1945.

Chiều 11 tháng 3, hai cuộc mít tinh lớn do Việt Minh tổ chức tại sân vận động Ba Tơ rồi biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy kéo đến đồn Ba Tơ. Các chỉ huy Pháp và một số lính bỏ đồn chạy trốn, chỉ còn lại người cai đồn và nhóm lính khố xanh, khố đỏ. Sau khi bị quân khởi nghĩa bao vây, họ đều đầu hàng, quân khởi nghĩa cướp được 17 súng, 15 thùng đạn và nhiều quân trang, quân dụng.

Ngày 12 tháng 3, Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa tổ chức một cuộc mít tinh, thành lập chính quyền mới. Ngày 14 tháng 3, đội du kích Ba Tơ chính thức được thành lập. Tháng 4 năm 1945, đội du kích hoạt động ở một vùng của người Thượng trên dãy núi Trường Sơn hiểm trở. Quân Nhật tìm cách truy lùng nhằm tiêu diệt đội du kích đang còn trong thời kỳ trứng nước. Đội đã phải chịu đựng nhiều gian khổ. Từ cán bộ đến chiến sĩ, ai nấy đều giữ trọn lời thề trong ngày thành lập, quyết "hy sinh vì Tổ quốc". Trong hoàn cảnh gay go thiếu thốn, đội du kích Ba Tơ vẫn đoàn kết và gắn bó với dân.

Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu phòng thủ miền Đông Bắc - Quảng Ninh (tháng 7-1969).

Sáng 13/3/1945, Đội du kích Ba Tơ chính thức được thành lập, có tổ chức mít tinh trước đông đảo quần chúng nhân dân, đồng bào các dân tộc ít người trong vùng Ba Tơ. “Tê Đơ - Phạm Kiệt” được Tỉnh ủy giao làm chỉ huy trưởng Đội du kích Ba Tơ. Tại đây, Chỉ huy trưởng Phạm Kiệt đã tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân, kêu gọi nhân dân đoàn kết, quyết tâm chiến đấu bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung Ưởng Đảng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao thắng lợi này, coi đó là một điển hình tiên phong táo bạo, một bài học kinh nghiệm lớn về chiến tranh nhân dân. Khởi nghĩa Ba Tơ đã mở đầu cho truyền thống đánh thắng trận đầu, tạo nên tinh thần “quyết chiến – quyết thắng” của quân đội ta, của lực lượng vũ trang nhân dân ta.

Từ thắng lợi vẻ vang đó, đội du kích Ba Tơ đã tỏa đi khắp các miền quê Quảng Ngãi, tạo lập nên nhiều chiến khu và căn cứ vững chắc, trở thành lực lượng nòng cốt cùng chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám sớm nhất cả nước. Sau Cách mạng Tháng 8, quân du kích Ba Tơ lan tỏa đi khắp liên khu V và Nam Bộ và trở thành một trong những lực lượng nòng cốt, tiền thân của lực lượng vũ trang Việt Nam. Chỉ huy trưởng Phạm Kiệt sau này trở thành trung tướng, thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.

Bản lĩnh và tài đức Phạm Kiệt còn thể hiện trong nhiều tình huống cam go. Sau ngày 2 tháng 9, niềm vui độc lập còn hiển hiện trên gương mặt bao người, trên bao đường làng, ngõ phố thì kẻ thù đã tiếp tục nổ súng gây hấn. Với quân số áp đảo và trang bị súng ống tối tân, thực dân Pháp nhanh chóng đánh chiếm Nam Bộ và tấn công vào miền Trung hòng thần tốc tiến về Hà Nội, giành lại thế thượng phong, đồng thời bóp chết nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ.

Nhưng các đoàn quân Nam tiến và quân dân Nam Trung Bộ dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và Bộ chỉ huy Nam Trung Bộ, mà đứng đầu là chỉ huy trưởng Phạm Kiệt đã tạo nên một huyền thoại của khu V. Chiến dịch 101 ngày phòng thủ Nha Trang đã xé nhỏ lực lượng quân viễn chinh Pháp, đánh đắm nhiều tàu chở quân, vũ khí, đạn dược, cầm chân và tiêu hao sinh lực địch, buộc chúng phải dừng chân tại nơi này. 101 ngày đêm ấy cũng đã trở thành một bài học quý trong tác chiến và phòng thủ đô thị, giúp cho Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội giành được thế chủ động sau này.

Bản lĩnh và trung hậu

“Nói thẳng, nói thật cũng phải dũng cảm không kém gì xông pha trên chiến trường”, Tướng Kiệt đã nhiều lần nhắc lại điều đó với đồng đội của mình. Nhưng ở đời, lời nói thẳng thường hay bị mất lòng. Dám đấu tranh, dám chỉ ra những điều chưa đúng của cấp trên lại càng dễ bị oán ghét. Vậy mà một người ngay thẳng đến quyết liệt như Phạm Kiệt lại được rất nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và công an yêu quý. Phải chăng tất cả đều hiểu rằng, những lời nói thẳng gan ruột ấy đều xuất phát từ một tấm lòng trung hậu, tận tụy với Đảng, với nhân dân.

Trong suy nghĩ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về trung tướng Phạm Kiệt thì “Ngay từ lần gặp đầu tiên cuối những năm 20, tôi đã nhìn thấy ở anh một con người chân thành, chân thật, dễ gần và dễ mến. Sau này, những ngày sống và làm việc trên đất Bắc, tôi càng hiểu, càng quý anh hơn. Quý một con người trung thực, thẳng thắn, lúc nào cũng nói thẳng, nói thật, không úp mở, rào chắn… Nhiều người nói anh khá nóng tính, nhưng tôi nghĩ anh Kiệt là người có trách nhiệm phụng sự nhân dân, Tổ quốc rất cao”

Sách "Danh nhân lịch sử Việt Nam" cũng đánh giá về trung tướng Phạm Kiệt như sau: "Từ năm 1960 – 1975, ông đã lãnh đạo ngành Công an ra sức xây dựng lực lượng công an lớn mạnh để đảm nhiệm trọng trách giữ gìn an ninh chính trị và đảm bảo an toàn trật tự xã hội". Ghi nhận công lao to lớn của ông, Đảng, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho người chiến sĩ cách mạng ưu tú của dân tộc.

Còn nhớ, vào dịp kỷ niệm 105 ngày sinh trung tướng Phạm Kiệt, một lễ kỷ niệm trang trọng đã được tổ chức với sự hiện diện của lãnh đạo Bộ công an, Bộ Tư lệnh BĐBP cùng các chuyên gia lịch sử và các cựu chiến binh. Tất cả các ý kiến tham luận đều cho rằng, trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, ông đã để lại trong lòng bao thế hệ người lính mang quân hàm xanh và nhân dân biên giới hình ảnh một vị tướng thẳng thắn, trung thực, sống giản dị, giàu lòng vị tha. Trong chiến đấu, ông là vị chỉ huy dũng cảm, thông minh, có nhiều cách đánh sáng tạo có hiệu quả. Ông là một vị tướng luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết.

Giờ, dòng sông Trà vẫn đang mê mải chảy, nhưng người anh hùng sinh ra bên dòng sông ấy đã hóa thân vào sương khói biên cương. Hoặc cũng có thể, ông hóa thân vào ngọn lúa, củ khoai, dòng sông, con đò trên mảnh đất Quảng Ngãi đầy nắng gió này để ngàn năm nghe sóng hát. Nhưng lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng sẽ luôn ghi nhớ những câu chuyện về ông, vị tư lệnh “thép” đầy tài đức và trung hậu.

Nam Hoàng

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phong-su/non-song-nho-bong-anh-hung-2950.html