Nón ngựa Phú Gia: Nét riêng của đất võ

Nón ngựa Phú Gia là món hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, đậm bản sắc văn hóa Bình Định. Những người thợ thủ công thường gắn bó với nghề từ khi còn rất trẻ. Cầm trên tay chiếc nón này, ta có thể cảm nhận được một thời đoạn của lịch sử...

1.Làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) có tuổi đời hơn 300 năm. Nón ngựa Phú Gia, vừa có nét mềm mại của nón lá, lại có sự dẻo dai, bền bỉ thích hợp dùng đội khi cưỡi ngựa. Nó biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với những đội quân Tây Sơn thần tốc.

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan năm nay 70 tuổi nhưng đã 55 năm gắn bó với nghề làm nón ngựa. Gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề. Thời niên thiếu thấy ông nội, cha mẹ ngày ngày cần mẫn bên những chiếc nón, ông cũng bắt đầu theo học làm, rồi thành nghệ nhân xuất sắc...

Theo ông Lan, thời xưa, nón ngựa chỉ dành riêng cho giới phong lưu, quyền quý, với những hoa văn như long, lân, quy, phụng. Người có chức sắc khác nhau, các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau, nhìn nón có thể biết được phẩm hàm của từng người. Từ xã trưởng trở lên mới có chụp bằng đồng hay bạc, chạm trổ theo phẩm trật. Trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn hoắt. Giới phong lưu thường chuộng mẫu hoa văn mai, lan, cúc, trúc vì nó là biểu tượng của sự thanh tao, đài các, thể hiện được sự luân chuyển của thời tiết bốn mùa, tạo nét cao sang quý phái, khí chất quân tử...

Bà Tâm đang chằm nón ngựa.

Bây giờ, nón ngựa trở thành một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mẩn và tài hoa trong từng đường nét. Người làm nón phải lên thượng nguồn các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh giáp với Tây Nguyên để chặt cây giang đem về chẻ ra từng miếng cật dày, rồi phơi khô và tước ra thành cây tăm thật nhỏ, đều.

Lá kè (lá cọ) làm nón không được quá già hoặc quá non, đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có được độ mềm dẻo cần thiết. Các nguyên liệu khác như rễ dứa rừng, cước, chỉ màu, vải the... cũng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng. Có tới 20 công đoạn làm nón ngựa. Trong đó, 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón.

Nón ngựa Phú Gia cơ bản có hai loại, giá cả khác nhau. Nón thường thì chóp nón để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa. Để mặt lá nón được láng bóng, không bị thấm nước qua các lỗ kim khi trời mưa, người làm nón quét lên đó một lớp mỏng sơn dầu trong suốt, hoặc bọc nhựa, nón sẽ bền và trông đẹp hơn.

Nón thường giá từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc, tùy kích cỡ. Loại nón ngựa bắt mắt hơn thì trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, quy, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua. Phía trong chiếc nón ngựa có 3 vành lớn được làm từ rễ dứa là vành cài, vành quai và vành sua. Riêng phần chóp nón gồm có 3 sòi. Phần quai nón được cắt may từ nhung hoặc the.

Theo ông Lan, nếu dành toàn bộ thời gian chuyên tâm cho việc làm một chiếc nón ngựa bắt mắt, độc đáo thì sẽ mất khoảng 25 ngày, tức gấp 8 lần thời gian so với làm một chiếc nón thường. Giá tất nhiên cũng cao hơn, khoảng 2,5 triệu đồng. "Ở Phú Gia, ngày cưới nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể đội nón ngựa độc đáo này. Còn những nhà nghèo cũng ráng sắm vài đôi nón ngựa truyền", ông Lan giải thích.

Phụ nữ thường tranh thủ thời gian nông nhàn để chằm nón. Ông Lan thì không chỉ vậy. Ngoài lúc ra ruộng, ông lại say mê bên những mê sườn nón, tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ. Ông tự hào: "Ông cố tôi, ông nội tôi, cha tôi và giờ đến tôi đều làm nón khéo. Nhà tôi hiện có 7 người làm nón, ngoài vợ chồng tôi còn có 4 con gái và 1 con rể theo nghề".

2.Phú Gia hiện nay có hơn 200 người làm nón. Cứ hai, ba gia đình tập trung lại với nhau thành một "nhà nón". Từ các bác, các chị phải đeo kính, tựa cột, đến các em học sinh tuổi 15, 17 đều vui vẻ trò chuyện trong tiếng thì thụp của mũi kim chằm nón. Trước đây, nghề làm nón là nghề phụ, giờ thì ngược lại. Nghề này rất hợp với chị em phụ nữ ở nông thôn. Công việc thu nhập khá, lại không nhiều vốn như các nghề khác.

Ở làng nghề này, trẻ em 10 tuổi là đã được nhắc việc học làm nón, 15 tuổi đã ra thợ. Bà Nguyễn Thị Tâm (66 tuổi) một người am hiểu về nghề nón ngựa, nhờ có nghề nón phát triển sâu rộng nên con em ở đây ít tình trạng thiếu việc làm, không học lên nghề khác thì ở nhà làm nón cũng sống ổn. "Nhiều người băn khoăn rằng bây giờ ai còn đội nón. Thế nhưng các bạn cứ về nhiều vùng nông thôn quanh đây mà coi, chợ nón vẫn sầm uất, rồi nón còn đi khắp thế giới. Đặc biệt, nón ngựa Phú Gia với giá cả cao hơn hẳn nón thường, vậy mà lúc này làm không kịp nhu cầu. Nhờ phát triển du lịch, chiếc nón Phú Gia đã tỏa đi khắp năm châu".

Đơn đặt hàng nón ngựa Phú Gia luôn chật cứng trong 5 năm gần đây, người chằm nón làm không hết việc. Người làng vững lòng giữ nghề nay lại thành của hiếm. Nhờ Nhà nước chú trọng đầu tư, quảng bá hình ảnh làng nghề nên nón ngựa Phú Gia có thêm nhiều người biết tới. Quan trọng nhất là độ bền chắc khác biệt của chiếc nón, nơi khác không sánh được.

Ông Lan với chiếc nón "gia bảo" là kỷ vật của người mẹ để lại.

Minh chứng cho điều đó là chiếc nón "gia bảo" là kỷ vật của người mẹ để lại cho ông Lan, cũng chính là những "khuôn mẫu" để ông Lan bắt tay làm những chiếc nón ngựa. Dù đã ngả màu thời gian nhưng chiếc nón ngựa vẫn chắc chắn. Vành cứng, chỉ thêu còn nguyên màu, rõ hoa văn, chữ nghĩa, lá chưa sờn. Chiếc nón này có tuổi đời đã hơn thế kỷ, đã được sử dụng liên tục 45 năm. Chiếc nón không chỉ đẹp vì đường nét, mà còn vì ánh lên từ đó màu thời gian của đời người.

Có nhiều đơn hàng nón ngựa "độc", họ đòi hỏi gia công bằng các loại chỉ cước màu lạ, độ bền cao, rồi gắn chóp bạc, chóp vàng, khung vành đều hết sức tinh xảo. Thường thì giá cả không thành vấn đề. Có chiếc buộc người chằm phải tập trung kỳ công làm hàng tháng trời mới xong.

"Làm nón ngựa cũng thú vị lắm! Nó như một tác phẩm độc lập, gắn với tâm huyết nghệ thuật của mỗi người chế tác. Khách du lịch, các nhà kinh doanh nước ngoài mỗi khi đến đây đều mua đi hàng chồng nón ngựa. Đơn hàng đáng nhớ nhất của gia đình tôi là 10 chiếc nón ngựa do một nữ du khách trẻ tuổi người Pháp đặt để mang về nước làm quà lưu niệm, với giá 3 triệu đồng/chiếc", bà Tâm chia sẻ.

3.Năm nay 45 tuổi, chằm nón từ lúc lên 10, nghệ nhân Đỗ Thị Tuyết đang thuộc lớp nghệ nhân sung sức của làng. Gia đình chị ba đời làm nón, có chồng cũng vào "nhà nón". Hiện, chị cùng với ông Lan là giảng viên của các khóa dạy nghề làm nón ngựa tại địa phương, duy trì đều đặn trên dưới 30 học viên mỗi đợt.

Có người theo học cho biết nhưng cũng có người thực sự đam mê. "Nón ngựa nay được xem là món quà trang trí, giàu tính nghệ thuật, là thú chơi tao nhã, đậm đà bản sắc truyền thống. Nếu nón bài thơ gắn liền với người dân Huế thì chiếc nón ngựa Phú Gia là một nét đẹp độc đáo của vùng đất võ Bình Định. Vậy nên việc truyền dạy cho thế hệ trẻ là điều hết sức cần thiết", chị Tuyết chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch UBND xã Cát Tường cho biết: "Có giai đoạn, làng nón ngựa Phú Gia khá đìu hiu. Chúng tôi luôn tìm mọi cách để hút các nguồn vốn, tìm cơ hội quảng bá cho làng nón Phú Gia. Các thế hệ nghệ nhân đều luôn được coi trọng".

Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam. Mỗi phiên chợ (5 ngày một phiên) có gần 1.000 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh, thành khắp cả nước. Phú Gia trở thành một điểm nhấn du dịch gắn với câu ca một thời: "Ai về Bình Định ba ngày/Dặn mua chiếc nón, lá dày không mua".

Phan Nhuận Phin

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/non-ngua-phu-gia-net-rieng-cua-dat-vo-478663/