Nón Làng Chuông có nguy cơ biến mất trong tương lai

Hiện nay nón làng Chuông đang đứng trước nguy cơ bị mai một, có khả năng làng nghề này sẽ biến mất trong tương lai nếu không có giải pháp kịp thời.

Làng Chuông được biết đến là nơi làm nón lá truyền thống, nón ở đây nổi tiếng vừa bền, vừa đẹp lại mang đặc trưng riêng lưu giữ hồn nón Việt. Nón làng Chuông đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Nón Chuông”

Nón Chuông với nhiều mẫu mã khác nhau,sáng tạo từ hình thức đến mục đích sử dụng .

Để có thể hoàn thành một chiếc nón đẹp, người thợ phải mất nửa ngày, có khi mất cả ngày trời mới hoàn thiện. Đến đây, chúng ta không còn bắt gặp hình ảnh người già người trẻ thi nhau đan nón mà thay vào đó là hình ảnh những nghệ nhân lớn tuổi chăm chút, cần mẫn ngồi đan từng sợi chỉ với hy vọng nghề nón sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát triển.

Trung bình mỗi chiếc nón xịn có giá từ 60.000- 100.000 đồng, những chiếc nón chất lượng thấp hơn có giá từ 20.000-50.000 đồng tùy loại. Nếu làm nhanh, mỗi ngày làm được hai cái trên một người thợ, còn nếu làm tỉ mỉ trung bình mỗi người mỗi ngày chỉ làm được một cái. Bỏ ra nhiều công sức như vậy nhưng thu nhập lại quá thấp lại không ổn định đây chính là lý do khiến hầu hết người dân, đặc biệt là những bạn trẻ không muốn theo nghề mà tìm đến những công việc khác thu nhập ổn định hơn.

Trò chuyện với những nghệ nhân cao tuổi trong làng, họ cho biết khoảng 20 năm trở về trước, ở làng chuông, nhà nhà làm nón, người già người trẻ thi nhau đan nón. Ngày ấy, đan nón truyền thống là nghề chính của người dân trong làng nhưng hiện nay số hộ gia đình vẫn gìn giữ và phát huy nghề đan nón lá truyền thống đã không còn nhiều. Ngoài những nghệ nhân cao tuổi và trung niên ra thì giới trẻ hầu như không muốn theo nghề, không có ý định nối nghiệp các đời đi trước.

Bà Hoàng Thị Sáng say mê luồn từng sợi chỉ để nhanh hoàn thiện chiếc nón trong ngày

Hoàng Thị Sáng (thôn Cầu Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Tôi năm nay gần 60 tuổi, gia đình tôi cũng mấy chục năm gắn bó với nghề và vẫn quyết tâm gìn giữ cho đến già dù là thu nhập không được cao nhưng gắn bó lâu rồi nên yêu nghề. Con cái đều đi kiếm việc làm ở xa, tuy xa nhà nhưng có mức lương ổn định chứ chúng nó không đứa nào chịu theo nghề nữa vì thu nhập thấp.Tôi nghĩ rằng tương lai nón làng chuông vẫn sẽ còn tồn tại nhưng sẽ rất thưa thớt. Những hộ gia đình theo nghề, mong rằng chính quyền sẽ có giải pháp để gìn giữ và phát triền làng nghề nón truyền thống này."

Cùng quan điểm như trên, bà Hoàng Thị Sáng (thôn Mã Kiều, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) chia sẻ: “Nghề đan nón truyền thống là nghề được gìn giữ và phát huy hơn 300 năm nay, nghề này khá nhàn rỗi nhưng thu nhập lại không cao.Bọn trẻ hiện nay nó không chấp nhận mức thu nhập thấp từ nghề đan nón này đâu, chúng nó đều kéo nhau về trung tâm thành phố để kiếm việc làm với múc thu nhập ổn định. Nếu có thể đầu tư phát triển thành khu du lịch thì may ra còn gìn giữ được nghề truyền thống này trong tương lai."”

Bà Lê Thị Phương với hơn 50 năm gắn bó với nghề luôn trăn trở về nỗi lo giữ nghề

Chủ tịch UBND xã Phương Trung, Phạm Văn Toàn cho biết: “Việc gìn giữ và phát triển làng nghề là cần thiết, chúng tôi đã có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề đan nón truyền thống tại đây như: Tuyên truyền mọi người dân giữ nghề truyền thống và tạo hành lang pháp lý đối với các hộ kinh doanh buôn bán,cho hộ gia đình vay vốn với lãi suất ưu đãi, giúp người làm nón mua sắm các dụng cụ, nguyên vật liệu làm nón.”

Hiện nay, nước ta đang trong thời kì kinh tế hội nhập cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Sự phát triển kéo theo sự ra đời của nhiều loại phương tiện, nhiều loại mũ mới, hiện đại đồng thời với xu thế chạy theo mốt nên nón lá đang dần bị lãng quên. Với thực trạng này mong rằng chính quyền có những giải pháp kịp thời để góp phần gìn giữ và phát triển nghề đan nón lá truyền thống tại làng Chuông.

Trần Hoa

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/non-lang-chuong-co-nguy-co-bien-mat-trong-tuong-lai-d68462.html