Nón lá Việt ở Krabi

iều bất ngờ thú vị trong chuyến du lịch Thái Lan đối với tôi là được nhìn thấy nón lá Việt Nam bày bán rất nhiều ở đảo Railay - một hòn đảo nhỏ xinh đẹp ở tỉnh Krabi. Một trạng thái cảm xúc thật đặc biệt khi nhìn thấy sản phẩm của Việt Nam hiện diện tại điểm du lịch nổi tiếng của nước bạn.

Nón lá Việt ở “thiên đường du lịch”

Krabi là một tỉnh ở phía Nam của Thái Lan, nằm dọc theo bờ biển Andaman, cách thủ đô Bangkok 814km. Krabi được mệnh danh là “thiên đường du lịch mới” của Thái Lan. Nơi này thanh bình, yên ả và hấp dẫn với những bãi biển đầy nắng, cát mịn, mặt nước trong xanh và những đảo đá vôi ngoài khơi…

Nếu đến Krabi từ Bangkok, khách du lịch có thể chọn phương tiện di chuyển bằng máy bay với khoảng 1 giờ 20 phút bay; hoặc bằng xe buýt với thời gian khoảng 10-11 giờ đồng hồ. Còn nếu từ Phuket, thì có thể chọn đến Krabi bằng máy bay, xe buýt hoặc tàu biển. Bắt đầu từ Phuket, nên tôi chọn đến Krabi bằng đường biển. Giá vé tàu biển từ Phuket đến Krabi khoảng 600 bath (khoảng 420.000 đồng Việt Nam), đắt hơn xe buýt khoảng 450 bath, nhưng chỉ 2 giờ đồng hồ là tôi đã đến được Ao Nang, trong khi nếu xe buýt mất khoảng 4-5 giờ đồng hồ.

Tác giả bên chiếc nón lá ở Railay.

Tại Krabi, du khách thường chọn Krabi Town hoặc Ao Nang (cách thị trấn Krabi khoảng 20km) để lưu trú. Ao Nang là một vịnh lớn với những bãi biển tuyệt đẹp và quần thể 83 hòn đảo nhỏ, trong đó hai bãi biển nổi tiếng nhất là Railay và Hat Tham. Bãi biển Railay được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, khi vừa có bãi biển đẹp cho khách du lịch nghỉ ngơi thư giãn, tắm biển; vừa có những dãy đá vôi cho những khách du lịch thích trải nghiệm mạo hiểm leo núi. Vì vậy hầu hết khách du lịch đến Krabi đều chọn đảo Railay để tham quan.

Từ Ao Nang, các công ty du lịch đưa khách đến Railay trên những chiếc thuyền nhỏ, và chỉ khoảng 15-20 phút xuất phát từ bến tàu là đã đến Railay. Giá vé là 200 bath/người (khoảng 140.000 đồng Việt Nam) cho cả chiều đi lẫn về. Cứ 1-2 giờ đồng hồ, tùy theo mùa du lịch cao điểm hay thấp điểm là có một chuyến tàu xuất bến.

Khi vừa bước chân lên đảo, chưa kịp hết ngỡ ngàng với vẻ đẹp của đảo thì tôi hết sức thú vị khi thấy nón lá Việt Nam được bán ở các cửa hàng lưu niệm ở đây. Không những thế, những chiếc nón lá Việt Nam còn được bày bán ở vị trí đẹp. Điều đặc biệt, trên mỗi chiếc nón đều có dòng chữ “Lưu niệm”, “Kỷ niệm” và ghi rõ là “Việt Nam”, “Huế”, có hình cầu Tràng Tiền, sông Hương… Chị Bow, một người bán hàng ở nơi này cho biết, giá mỗi chiếc nón lá là 200 bath (khoảng 140.000 đồng Việt Nam), nếu có thêu chữ, thêu hình là 280 bath (khoảng 196.000 đồng). Từ lúc bán, chị mới biết đây là chiếc nón lá Việt Nam. Chị Bow cho biết, nhiều khách du lịch nước ngoài thích và mua. “Có lẽ do thời tiết Thái Lan nắng nóng, nón lá Việt Nam có vành rộng che mát, lại rất đẹp nên khách du lịch rất thích mua để dùng”, Bow nói.

Chị Linda, làm việc cho Công ty du lịch One-D Railay Travel tại đảo Railay cho biết, chị làm việc ở đây đã 3 năm nay. Chiếc nón lá chỉ mới có mặt trên đảo này khoảng 5-6 tháng, được mua từ Bangkok mang về bán. Linda cho biết chị đã nhìn thấy chiếc nón lá trên tivi nhiều lần trong các chương trình giới thiệu du lịch về Việt Nam, nhưng chỉ tại đây chị mới trực tiếp thấy được chiếc nón lá. “Chiếc nón lá nhìn lạ lắm, và rất đẹp”, chị cười.

Bản sắc Việt trong hội nhập

Khi nhìn thấy chữ “Việt Nam”, “Huế”, thấy cầu Tràng Tiền, sông Hương trên chiếc nón lá ở nơi xa quê hương, tại đất nước mà hàng tiêu dùng của họ đang tràn ngập thị trường Việt Nam, trong lòng tôi tràn ngập một cảm xúc thật khó tả, vừa tự hào, vừa mừng rỡ. Những chiếc nón lá đại diện cho bản sắc văn hóa Việt đã không chỉ được phổ biến ở thị trường trong nước mà còn theo thị trường hàng hóa vươn ra ngoài biên giới.

Điều tiếc nuối của tôi là thời gian lưu lại đây quá ngắn, không đủ để tìm gặp người đem chiếc nón lá từ Việt Nam về bán tại hòn đảo du lịch nổi tiếng này. Hẳn là có một câu chuyện thú vị xoay quanh chiếc nón lá Việt Nam ở nơi này; hoặc giả sử người mang nón lá về bán chỉ nhìn đây là một món hàng kinh doanh có lợi nhuận thì với một người Việt Nam, khi nhìn thấy sản phẩm truyền thống Việt được bày bán tại một nơi xa xôi, đã là rất tự hào.

Nói về xuất khẩu hàng Việt ra nước ngoài, nhiều năm nay Việt Nam luôn đứng trong "top" xuất khẩu của các sản phẩm gạo, hồ tiêu, cà phê… Tuy nhiên, điều làm nhiều người trăn trở là các sản phẩm Việt Nam chưa có thương hiệu. Nhiều sản phẩm Việt phải xuất khẩu với “mác” của nước ngoài đã trở thành nỗi khắc khoải của những người có trách nhiệm với hàng Việt. Trong khi các doanh nghiệp đang nỗ lực để tạo dựng thương hiệu Việt ở nước ngoài thì các sản phẩm truyền thống của Việt Nam lại có lợi thế này. Rất nhiều sản phẩm truyền thống có thể được đưa ra nước ngoài, bởi Việt Nam có rất nhiều sản phẩm thủ công làng nghề tinh xảo, độc đáo và có tính thẩm mỹ cao, được người nước ngoài yêu thích. Áo dài, phở, chả giò… của Việt Nam chính là niềm tự hào khi không chỉ ra nước ngoài thành công, mà còn được đưa vào ngôn ngữ quốc tế, được gọi là “Áo dài” chứ không phải “phiên” ra tiếng Anh là “long dress”; được gọi là “Phở” chứ không phải là “Vietnamese noodle soup”…

Trong thế giới hội nhập, bản sắc văn hóa tạo nên sự khác biệt và là “sức mạnh” của mỗi quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Chính bản sắc văn hóa, đại diện bằng những chiếc nón lá, áo dài, phở… sẽ giúp Việt Nam giới thiệu nền văn hóa đặc sắc, có chiều dài lịch sử của dân tộc mình. Chiếc nón lá ở Krabi mang cho tôi niềm hy vọng về sự tự hào của hàng Việt, của bản sắc truyền thống Việt. Nhìn những chiếc nón lá được sắp xếp ở vị trí đẹp trong gian hàng, nhìn những người nước ngoài thích thú với chiếc nón lá Việt trên bãi biển Railay, tôi tin rằng, chiếc nón lá sẽ góp phần “nâng cánh” cho hàng Việt bay xa hơn trong thế giới toàn cầu, đưa giá trị truyền thống văn hóa lâu đời của Việt Nam hội nhập với bạn bè thế giới.

Đặng Loan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Du-lich/892669/non-la-viet-o-krabi