'Non cao mây trắng gọi về dài'...

Một ngày thu đầy nắng, theo chân khách hành hương vịn mỏm đá trắng, tựa bóng cây xanh, nhìn xa lên cao cảnh trời bát ngát, bỗng thấy thanh thản và quên hết mọi phiền nhiễu.

Khách thập phương dâng hương, vãn cảnh chùa Du Anh ngày đầu năm.

Chùa Du Anh - động Hồ Công, một thắng tích đẹp từng khiến không ít tao nhân mặc khách say mê, cảm khái ngợi ca, quả thực là chốn thiền tịnh, tránh cảnh trần tục...

Không có diện mạo hoành tráng, sáng chói khiến người ta phải thảng thốt như nhiều ngôi chùa được dựng lại thời nay; cũng không có lối kiến trúc cầu kỳ, độc đáo như nhiều ngôi chùa cổ vùng châu thổ phía Bắc; càng không phải cái không khí thâm trầm của ngôi chùa có lịch sử hơn 5 thế kỷ. Bước chân vào chùa Du Anh (hay chùa Thông, thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc), con người ta bị cuốn hút bởi vẻ giản dị, gần gũi của kiến trúc và đặc biệt là không khí thanh tịnh, yên bình của nó. Thế nhưng, đằng sau dáng vẻ trầm mặc và thân thiện ấy, chùa Du Anh sở hữu một khối “tài sản” mà không phải ngôi chùa nào trên đất di sản xứ Thanh cũng có được. Tương truyền, chùa Du Anh được xây dựng vào thời nhà Lý. Trải qua nhiều biến cố, đến triều Trần, một lần vua Trần Nghệ tông đưa công chúa Du Anh về lễ chùa, vãn cảnh. Gặp nơi cảnh trí sơn thủy hữu tình, nhà vua đã phát tâm công đức cho tu sửa, đắp tượng, hương khói quanh năm, từ đó chùa có tên là Du Anh. Đến đầu niên hiệu Hoằng Định, thời Lê Trung hưng (1601-1619), Quảng Quận công Trịnh Vĩnh Lộc, người xã Sáo Sơn, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Thiên (nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) đã xuất tiền tôn tạo lại ngôi chùa (từ 1601-1605).

Nói về địa thế nơi chùa đứng chân, sách “Thanh Hóa tỉnh, Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo, có đoạn tả: Núi xếp thành bình phong chắn phía sau, hai bên tả hữu có hai nhánh ôm vòng lên phía trước, phía bên trong đỉnh Trác Phong bằng phẳng mở ra các động vừa sâu, vừa rộng. Động cao âm u như cảnh tiên giới, nhân đó mà dựng chùa. Hai bên nách chùa có hai hồ nước “Nhật”, “Nguyệt” do thiên nhiên tạo thành, bốn mùa nước trong vắt nhìn xuống tận đáy. Bên phải chùa có am Công Chúa ở lưng chừng sườn núi, bên trái có gác Ngọc Hoàng. Thời giặc phương Bắc đến phá phách, chùa không còn được nguyên vẹn nhưng sự thanh tĩnh, u mặc đến vậy thì chỉ có thể ví với cảnh giới trên Đại Thiên Già. Cũng ca ngợi vẻ đẹp, tính thiêng và việc tôn tạo chùa liên quan đến Quảng Quận công Trịnh Vĩnh Lộc, trong chùa Du Anh hiện còn lưu một tấm bia mang tên “Du Anh tự bi ký” do Thượng thư bộ hộ Phùng Khắc Khoan soạn. Tấm bia có đoạn: Sông Lỗi, sông Bưởi như đôi rồng uốn khúc, núi lớn núi bé tựa bầy phượng nhảy trông. Hoa cỏ xanh tươi, thú chim tụ tập, vọng nhìn bốn bên chòm xóm đông đúc tụ họp bên sông gom nhặt thành thế giới một bầu. Thực là danh thắng không hai, thiên nhiên đệ nhất của đất Tây Đô vậy. Người xưa dựng chùa phật, tô tượng phật nơi đây, cảnh chiếm một nơi kỳ lạ trong sạch, trời đất chung đúc khí thiêng lạ kỳ, người đời thường lui tới cầu đảo, tùy duyên mà được cảm ứng. Chùa đã trải lâu năm nên cổ, vạn vật theo kiếp đổi thay, việc phục hồi tu sửa ắt phải đợi tay người thí chủ.

Cảnh đài xưa u nhã, chim kêu hoa rụng, tùng trúc nhàn chơi, sớm trống chuông vang vọng nơi chùa chiền từ mấy trăm năm trước được người xưa ca tụng, đã phần nào khuất bóng theo sự đổi thay của vạn vật. Xưa, chùa là một thế giới dường như tách biệt khỏi mọi sự xô bồ, chỉ làm bạn với gió trăng cùng non xanh nước biếc; thì nay bao quanh ba mặt là nhà cửa, xóm làng, ruộng đồng, bờ bãi. Qua cổng tam quan, dấu tích của ngôi chùa cổ hơn 500 năm tuổi còn lưu lại là tượng voi quỳ và sư tử, hai linh vật thời nhà Trần được tạo tác bằng đá trắng nguyên khối, trên bệ đá có khắc hình hộp, hoa văn sóng nước. Ngoài ra, trong quần thể di tích còn tấm bia ký được tạc từ mỏm đá nguyên khối cao 2,5m, 4 mặt đều khắc chữ Hán và bài minh do Thượng thư Phùng Khắc Khoan soạn. Mặt trước bia có tên “Trùng tu Xuân Đài sơn, Hồ Công động, Du Anh tự bi”, mặt sau khắc niên đại “Ngày lành tháng 10, niên hiệu Hoằng Định thứ 6 (1605)”. Nội dung bia đá khắc tên các bậc vua, chúa, hoàng thân quốc thích, quan lại trong triều đã đóng góp tiền của trùng tu lại chùa.

Khắp thiên hạ đều có chùa phật, nhưng riêng chùa Du Anh trên có động tiên Hồ Công - tiên tức là phật; dưới có chùa Du Anh - phật tức là tiên; lại thêm cảnh đẹp ít nơi bì kịp, đã khiến tác giả soạn tấm bia ký phải thốt lên rằng, ngôi chùa đã “làm nghiêng ngả tất thảy hạ giới của các chùa khác trong cõi Đại Thiên”! Động Hồ Công gắn với chùa Du Anh, cũng chính là phần “tài sản” đã làm nên sự phong phú, giàu có và hấp dẫn đặc biệt cho quần thể di tích – danh thắng cấp quốc gia này. Từ chùa Du Anh, theo các bậc thang đá từ chân núi chếch về hướng Đông Nam trèo lên sẽ thấy động. Án ngữ ở khoảng giữa đoạn đường lên động có một phiến đá khắc 4 chữ Hán lớn “Thanh Kỳ Khả Ái” (màu xanh kỳ lạ đáng yêu), do chúa Trịnh Sâm cho đề, như một minh chứng về sự ngưỡng mộ của con người dành cho cảnh sắc thiên nhiên mỹ lệ nơi thắng tích. Từ cửa động vào ngày nắng đẹp, cả một vùng đồng bằng với nước non, mây trời, cỏ cây, hoa lá, ruộng đồng, bến bãi... có thể thu gọn trong tầm mắt. Trên cửa động có 3 chữ Hán nổi bật “Hồ Ngọc Động”. Vách đá bên phải đề 4 chữ Hán lớn “Sơn Bất Tại Cao”, do Hồng Ngư cư sĩ Nguyễn Nghiễm (cha của đại thi hào Nguyễn Du) đề. “Sơn Bất Tại Cao” lấy ý từ đoạn thơ “Sơn bất tại cao, hữu tiên tất linh; Giang bất tại thâm, hữu long tất ứng” (nghĩa là núi không cao mà có tiên sẽ linh thiêng, sông không sâu mà có rồng sẽ linh nghiệm), ý muốn ca ngợi núi Xuân Đài và động Hồ Công là nơi thần tiên ở. Động Hồ Công được người xưa liệt vào “Tam thập lục động, Hồ Công vị đệ nhất” (trong 36 động đẹp của nước Nam, động Hồ Công đứng ở hàng nhất). Động dài 45m, rộng 23m mở ra trước mắt người xem không gian nơi cõi tiên, với nhiều hình ảnh kỳ lạ, độc đáo. Trong động có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu, thạch nhũ sắc đỏ, giếng đá sâu khôn cùng...

Tương truyền, vào thời nhà Trần có một đạo nhân không biết họ, thậm chí cả tên là ai? Lúc bấy giờ thường vân du bốn phương, ngắm nhìn thế cảnh. Một ngày đến chùa Du Anh thấy chỗ ấy non nước trong xanh kỳ tú bèn ở lại. Người thường cầm một quả bầu, qua lại chợ Lương Hà và Thiên Vực bán thuốc. Chiều đến liền quải quả bầu trở về chùa. Buổi tối, ông thu mình chui vào quả bầu để ngủ. Có người thấy lạ bèn hỏi: “Quả bầu nhỏ thế mà sao ông vào ngủ được?”, ông đáp: “Nhà ngươi có muốn chui vào thử xem thế nào không?”. Người ấy bằng lòng ông liền hóa phép cho chui vào quả bầu thì thấy bên trong có cả trời, đất, trăng sao, nhà cửa... Người ấy chính là Phí Trường Phòng, biết ông già là bậc đại tiên nên đã theo học đạo và sau này cũng đắc đạo thành tiên. Hai thầy trò ở trong động đá trên dãy núi Xuân Đài rồi đi vào bất tử, để lại hình hài hóa thành hai pho tượng đá trong động còn đến ngày nay. Động Hồ Công được tạo thành bởi sự kỳ công của tạo hóa, đến nỗi, khi qua đây vua Lê Thánh tông phải thốt lên “Thần chùy quỷ tạc vạn trùng san” (vẻ đẹp như có quỷ thần soi tạc nên).

Chuyện xưa được lưu truyền về động Hồ Công là nơi tiên ở, hậu thế không thể phán xét thật giả, đúng sai. Duy có cảnh sắc được ví như chốn tu tiên, từng khiến không ít vua chúa, quan lại cảm thán mà họa nên thơ còn khắc rành rọt trên vách đá, lại là chuyện có thật. Mùa xuân năm Mậu Tý, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478) vua Lê Thánh tông khởi giá từ Lam Kinh trở về. Khi qua di tích, gặp cảnh gió nhẹ nắng dịu bèn thừa hứng lên chơi động Hồ Công. Cảm khái trước cảnh thần tiên, nhà vua đã ngẫu hứng đề thơ, rằng: “Quỷ thần xây dựng núi muôn trùng/ Nhà rỗng song cao giữa khoảng không/ Cõi tục công danh đều huyền ảo/ Bầu tiên ngày tháng xiết thong dong/ Hoa Dương rồng hóa châu rơi rớt/ Bích lạc dòng xuôi ngọc lạnh lùng/ Cưỡi gió ta mong lên chót núi/ Xem mây cao tít nước mênh mông”! Sau vua Lê Thánh tông, vua Lê Hiến tông cũng nhân bái yết Lam Kinh mà dừng thuyền lên núi Xuân Đài, vin mây nhẹ bước theo dấu chân phụ hoàng ngự chế đề thơ. Hay Hồng Ngư cư sĩ Nguyễn Nghiễm khi đốc quân thảo phạt giặc Ai Lao trở về, lên chơi đã tức cảnh sinh tình: “Nghi ngút lò tiên làn khói tỏa/ Tỏa mờ hang đá bóng trăng soi (...) Gang tấc bồng dinh bao cảnh đẹp/ Non cao mây trắng gọi về dài”...

Đến hẹn lại lên, vào ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm, chùa Du Anh mở hội. Khách thập phương có mấy người không mong cầu được như sở nguyện? Còn những người vô tâm với thế sự có thể tìm về địa danh này bất kể xuân – thu nhị kỳ. Bởi biết đâu đấy, tùy duyên mà tìm được dấu chân người xưa đã theo mây trắng lạc đến cõi tiên tự bao giờ...

Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/y8wiv8/new-article.aspx