Nơm nớp nỗi lo cây đổ mùa mưa bão

Tình trạng cây đổ đe dọa đến tính mạng người dân đã và đang trở nên đáng báo động, cần cảnh báo trong mùa mưa bão.

Những ngày qua, tại Hà Nội mới chớm mùa mưa bão song đã xảy ra nhiều vụ cây đổ gây thiệt hại về người và tài sản...

Nguy hiểm rình rập trong mưa bão

Cơn mưa bất chợt, kèm theo gió giật mạnh kéo đến bất ngờ vào chiều 29-8 đã hạ gục nhiều cây cổ thụ trên đường phố Hà Nội. Đáng nói, chỉ trong buổi chiều hôm ấy mà những cây bóng mát vô tri, vô giác đã đổ trúng người đi đường ven hồ Tây, quận Tây Hồ gây tử vong cho người tránh trú mưa ven đường. Cùng thời điểm, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội đã có hàng trăm cây gãy, đổ đè vào ô tô, xe máy và làm nhiều người bị thương...

Trước đó, ngày 9-8, cũng trong cơn giông kèm mưa lớn đã bất ngờ làm đổ cây dẫn đến chết người tại phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Tây Hồ cứu hộ cây đổ tại đường ven hồ Tây

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Tây Hồ cứu hộ cây đổ tại đường ven hồ Tây

Những cái chết bất ngờ như thế vẫn xảy ra mỗi khi mưa to, gió giật. Người đi đường không chỉ cảm thấy bất an vào lúc mưa to, bão lớn, mà ngay cả khi trời nắng cũng vẫn gặp rủi ro bởi cây gãy, cành rơi. Những thiên tai ấy xảy ra có thể lường trước được song vì sự chủ quan, xem nhẹ tính mạng của người dân và cơ quan chức năng đã dẫn đến hậu quả khôn lường.

Trước đó, tối 3-7, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tại phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, một cây xanh bất ngờ đổ xuống đường khiến hai người phụ nữ đi xe máy bị thương nặng. Tiếp đến, ngày 9-7, tại trước số nhà 135 phố Trung Liệt, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, một cây cổ thụ bị mục đã đổ ngang đường. Tuy không làm ai bị thương, nhưng điều đó cũng cho thấy cần phải xử lý cây xanh có nguy cơ gãy đổ, nhất là trong thời điểm mưa bão đang đến.

Những ngày qua, do ảnh hưởng cơn bão số 3, mưa liên tiếp trong mấy ngày liền đã gây ngập lụt cục bộ ở nhiều nơi. Cùng với đó là tình trạng cây xanh gãy đổ ở một số tuyến phố như đường Láng, Tô Hiến Thành, Nguyễn Chí Thanh, Tam Trinh… gây ảnh hưởng giao thông nghiêm trọng.

Mưa bão cây đổ làm thiệt hại nhiều tài sản, phương tiện

Mỗi năm tại Hà Nội đều có không ít cây xanh bị bật gốc, gãy cành khiến nhiều người lo lắng. Chị Nguyễn Thị Mai Lan, trú tại đường Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Những lúc mưa bão không ai muốn ra ngoài vì sự an toàn bị đe dọa, thế nhưng chiều 29-8, tôi cố gắng phóng xe về nhà để tránh cơn mưa bão, nhưng đã gặp cây đổ chặn trước mặt. Cú chết hụt đó khiến cho đến bây giờ tôi vẫn thấy sợ. Sau này khi mưa to, gió lớn cứ ở trong nhà cho an toàn”.

Tỉa cành, cắt thân cây sâu mục là cần thiết

Từ đầu mùa mưa bão đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội và các lực lượng chức năng của thành phố đã thực hiện cứu nạn hàng trăm vụ cây xanh đổ vào nhà dân, phương tiện giao thông và chắn ngang đường.

Thượng tá Lê Hồng Hải, Phó Trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết: “Hiện trường vụ đổ cây tại đường ven hồ Tây thuộc phường Quảng An cho thấy, bất kể cây lâu niên hay cây trồng mới đều có thể bị đổ bất cứ lúc nào. Khi cưa cây để cứu nạn, thông thường ta thấy những cây bị đổ có bộ rễ bị sâu đục hoặc thân mục rỗng. Vì vậy, người dân không nên đứng trú mưa, hoặc đứng gần cây cối vào những thời điểm mưa to gió lớn, bởi có thể nhìn cây lá xanh nhưng trong lõi, thân rễ đã bị mục ruỗng từ lâu và có thể gãy đổ bất cứ lúc nào”.

Vụ cây đổ làm tử vong người đi đường trên phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy

Những năm gần đây, tình trạng cây xanh gẫy cành, bật gốc tại Hà Nội gây nguy hiểm tới tính mạng, tài sản của người đi đường xảy ra khá phổ biến. Thực trạng này đang đòi hỏi cơ quan quản lý cây xanh cần nhanh chóng triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hiểm họa đối với người dân, nhất là khi mùa mưa bão năm nay đang có những dấu hiệu bất thường

Theo các chuyên gia về cây xanh, hiện nay, phần lớn hệ thống cây xanh ở Thủ đô đã phát triển qua nhiều thời kỳ, với hệ thống cây bóng mát, cây cổ thụ có khi hàng trăm tuổi. Cùng với đó là trồng xen, thay thế những cây mới ở nhiều tuyến đường, phố. Dù các đơn vị chức năng thường xuyên thực hiện các biện pháp tỉa nhánh, cắt ngọn nhưng tình trạng cây gãy đổ, gây tai họa bất ngờ cho người đi đường vẫn tiềm ẩn khá nhiều. Ngoài ra, còn phải kể tới những tuyến đường có các loại cây tuy nhỏ, nhưng cũng tiềm ẩn nguy hiểm gãy đổ do đặc điểm thân cây giòn, rễ nông, không được rào chắn cẩn thận.

Có một thực tế mà các chuyên gia về cây xanh khuyến cáo để hạn chế bật gốc, chết, sâu mục, đó là mỗi loại cây cần có cách chăm sóc bảo vệ khác nhau. Đối với cây xanh, việc vạch sơn, vôi trắng lên thân cây là cách theo dõi sự phát triển và cũng để diệt sâu phá hoại. Điều cần chú ý đó là trong cách trồng cần nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng cho từng loại cây và cách trồng, khu vực trồng. Đối với tuyến phố chật hẹp, cần hạn chế trồng cây cổ thụ và khi trồng phải có độ sâu nhất định để gốc, rễ phát triển bám trụ được trong giông bão. Hơn nữa, đối với cây trồng mới không nên trồng cây quá to, sẽ dẫn đến dễ đổ. Vì khi trồng cây lớn quá, rễ chưa bám trụ được vào lòng đất nhưng lá đã xanh tốt, nặng phần ngọn và như vậy sự cân bằng lá và gốc rễ bị lệch, tựa như nhà cao nhưng móng nông sẽ gây đổ.

Ở đô thị, cây trồng có ít không gian đất, rễ phát triển gặp nhiều bê tông, hạng mục công trình ngầm, sự trống rỗng dưới gốc cây gặp mưa nhiều đất nhũn sẽ làm cây bật gốc và đổ đe dọa tính mạng người dân.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cưa cắt cây đổ chắn ngang phố

Hằng năm, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đều có chỉ đạo về việc xử lý hiểm họa cây xanh có nguy cơ bật gốc, gãy đổ. Đây là việc làm kịp thời nhằm bảo đảm an toàn cho người dân Thủ đô trong mùa mưa bão. Dẫu vậy, thực tế vẫn còn những hiện tượng cây đổ, cành gãy, có trường hợp làm thiệt hại đến người và tài sản. Vì vậy, để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi nguy cơ mất an toàn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão, thành phố cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, phát triển trồng mới các loại cây đô thị, bảo đảm an toàn, bên cạnh những biện pháp tình thế như: cắt ngọn, tỉa cành, thay thế cây rỗng, mục… nhằm hạn chế cây đổ bất ngờ.

Hiện nay, những tai nạn liên quan cây đổ bất ngờ vẫn chưa được quy trách nhiệm cụ thể, để người thiệt hại có thể nhận bồi thường. Vì thế, một lời khuyên được cảnh báo, đó là không nên di chuyển trên đường trong điều kiện thời tiết xấu, mưa bão. Nếu như buộc phải di chuyển thì hãy cẩn trọng, quan sát kỹ, kiểm soát tốc độ và giữ khoảng cách an toàn.

Ánh Nguyệt

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nom-nop-noi-lo-cay-do-mua-mua-bao/823841.antd