Nơm nớp lo mất mạng vì sống dưới chân đồi, núi

Cần có đánh giá, quy hoạch, tái định cư cho khu dân cư đang sống ngay dưới rìa sạt lở sau hàng loạt vụ sạt lở vừa qua.

Nguy cơ sạt lở luôn rình rập khu dân cư 14B, xã Đăk Pék (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum)

Nguy cơ sạt lở luôn rình rập khu dân cư 14B, xã Đăk Pék (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum)

Hàng loạt vụ sạt lở, cướp đi sinh mạng của ít nhất hàng chục hộ dân, cán bộ chiến sĩ trên địa bàn Huế, Quảng Trị, Quảng Nam vừa qua… dấy lên hồi chuông cảnh báo cần có đánh giá, quy hoạch, tái định cư cho khu dân cư đang sống ngay dưới rìa sạt lở.

“Những quả bom nổ chậm”

Một tuần sau trận lũ dữ hôm 27 - 28/10, các hộ dân khu dân cư 14B (xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) nằm dưới chân núi ở bên đường Hồ Chí Minh ngổn ngang đất đá sạt trượt, thêm nguy cơ đổ sập…

Sống trong căn nhà nằm lọt thỏm dưới chân núi, anh Hoàng Văn Trung (32 tuổi, trú ở thôn 14B) lo lắng: “Hôm 28/10, trời mưa ầm ầm. Đêm đó cả nhà tôi sơ tán vì phía sau ngôi nhà là quả đồi nổi lên những tiếng rung ghê người. Tiếng mưa ầm ầm, tiếng sét và đất đá liên hồi không ngớt”.

Cách nhà anh Trung không xa, trường mầm non trung tâm xã Đăk Pék nơi có 260 học sinh theo học ở đây cũng bị sạt ở sau lưng ngôi trường. Cô giáo Trần Thị Tuyết, phó hiệu trưởng cho biết, trận sạt lở từ quả đồi sau lưng khu dân cư 14B, khiến ai ai cũng lo lắng.

Theo cô Tuyết, hiện có 2 điểm trường khác của nhà trường cũng bị sạt lở vì các điểm trường nằm ở các làng tọa lạc ở chân núi, mỗi khi mưa ai nấy đều rất lo sợ.

Đáng kể, ngọn núi bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Lông Nang (thị trấn Đăk Glei) cao khoảng 30m, ngay phía sau ngôi nhà của anh Bùi Văn Hiệp (38 tuổi) đã sạt một mảng lớn. Anh Hiệp cho hay, nhiều ngày qua gia đình mất ngủ, canh trời mưa là di chuyển đồ đạc đi chỗ khác để tránh tai họa.

Nằm trên điểm nóng sạt lở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), mới đây chính quyền xã Hướng Sơn kiểm tra và phát hiện trên đỉnh núi Ta Bang (thuộc thôn La Ry - Rào) xuất hiện vết nứt khoảng 150 - 200m, rộng từ 40 - 50cm.

Dưới những vết nứt là khoảng trống sâu hoắm, khiến quả đồi có nguy cơ sạt bất cứ lúc nào, gây nguy hại trực tiếp đến 24 hộ dân với 81 nhân khẩu sinh sống dưới chân núi này.

Trong khi đó, dọc con suối Ra Lu (cách suối Ta Bang khoảng 2km) có 21 hộ dân với 90 nhân khẩu sinh sống. Đợt mưa lũ vừa qua, lượng đất đá, cây cối đổ về gây ảnh hưởng đến 7 hộ dân, trong đó có 2 hộ bị sập nhà.

“Thiếu nguồn lực để di dời”

“Quả bom” khổng lồ nằm sau lưng những căn nhà dân tại thôn Lông Nang, thị trấn Đăk Glei

Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết, xã đã có tờ trình gửi các cấp về việc di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở dưới chân núi Ta Bang. Xã đã tìm được diện tích đất phù hợp nhưng vấn đề là nguồn lực triển khai.

Theo UBND Quảng Nam, sau gần 3 năm thực hiện đề án di dời dân cư ra khỏi khu vực sạt lở, tỉnh Quảng Nam đã cấp kinh phí gần 400 tỷ đồng để hỗ trợ tái định cư cho 6.000 hộ gia đình tại 9 huyện miền núi. Đáng kể, đến nay, huyện Tây Giang đã hoàn thành hơn 80% khối lượng đề án xây dựng các khu dân cư mới.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, hầu hết các mặt bằng xây dựng mới được san phẳng từ những quả đồi có địa thế xa khu vực sông suối nhưng có nguồn nước sạch. Chính kinh nghiệm này giúp tình trạng sạt lở núi, vùi lấp làng mạc, nhà cửa người dân trên địa bàn Tây Giang có xu hướng giảm trong thời gian qua.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, vết nứt trên đỉnh núi Ta Bang rất nguy hiểm, trước mắt chính quyền địa phương cần di dời khẩn cấp những hộ dân dưới chân núi và dọc 2 bên bờ suối.

Ngay trong tuần tới, cơ quan liên quan sẽ có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị để đề nghị bố trí tái định cư, đưa người dân đến khu vực an toàn sinh sống.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, về lâu dài, cần bố trí tái định cư khu dân cư để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trong khi đó, tại Kon Tum, bà Y Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Đăk Pék cho biết, mưa lũ làm 7 tuyến đường, 137 hộ bị ảnh hưởng nặng, 2 điểm trường bị sạt lở. Riêng điểm trường mầm non của xã tại thôn Đăk Rang sạt lở đất xuống cách lớp học chỉ 2m.

Còn tại thôn 14B, nơi có ngọn núi dốc đứng ở phía sau có tới 35 căn nhà bị sạt lở và ngập nước, cần di dời khẩn cấp.

Theo bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei (Kon Tum), lâu nay sống dưới chân núi luôn phải đối mặt với cảnh sạt lở mỗi khi mưa lớn. Vấn đề lớn nhất đó là kinh phí di dời, huyện đã báo cáo với tỉnh Kon Tum.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân của các đơn vị. Kiên quyết sơ tán, di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống.

Theo các chuyên gia, đồi núi bị mưa dầm lâu ngày làm yếu đi kết cấu đất đá, chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài thì sẽ dẫn đến sụt trượt. Ngoài ra, cũng có tác động của việc phá rừng, biến đổi khí hậu.

PGS. TS. Đỗ Quang Thiên, Trưởng khoa Địa lý - Địa chất (ĐHKH Huế) đánh giá, ngoài nguyên nhân mưa lớn thì còn rất nhiều yếu tố dẫn đến quá trình trượt lở ở vùng núi, đó là môi trường địa chất, nền địa chất địa hình, thảm thực vật, các hoạt động kinh tế, xây dựng công trình của con người.

Nhóm PV miền Trung

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nom-nop-lo-mat-mang-vi-song-duoi-chan-doi-nui-d484899.html