Nơi xanh thẳm núi non Cao Bằng

Nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài, đồng thời là Giám đốc Quỹ Tô Hoài báo cho tôi biết, anh đang chuẩn bị dẫn một đoàn lên Cao Bằng làm công việc từ thiện ở một xã heo hút miền cực Tây, giáp ranh với nước bạn Trung Quốc. Nghe vậy, tôi háo hức lên đường cùng đoàn...

Lý Quốc thăm thẳm núi cao

Khi leo lên xe, tôi mới biết nơi đoàn đến là xã Lý Quốc, thuộc huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Đây là một trong những xã nghèo chủ yếu người dân tộc Tày và Nùng sinh sống. Nghe nói đường về Hạ Lang không những xa, cách thành phố Cao Bằng gần 80 cây số, mà nhiều đoạn đường còn lổn nhổn gạch đá và những ổ “voi” bất ngờ xuất hiện. Đường từ Đông Khê về thị trấn Thanh Nhật (Hạ Lang) khó khăn đến nỗi, dân tình ở đây còn chế lời từ bài hát “Người tình mùa đông” để ca cẩm về nỗi kinh hãi về con đường dọc triền núi cao này. Những lời hát thật ngộ nghĩnh: “Đường Hạ Lang ôi sao ghê quá. Nhìn con xe ta xót xa vô cùng... Từng ổ voi lớn như ao cá. Phá tan cả dàn xe máy. Xót quá người ơi...”.

Một anh bạn dò tìm được cái youtube ấy nghe hát mọi người đều bật cười. Quả nhiên ai nấy đều được thử thách một chuyến đi thực sự đầy cam go. Đúng là xóc đến “nổ đom đóm mắt”, vì không khéo giữ tay là cộc đầu lên trần xe như chơi... Vừa níu tay về phía trước, anh Phương Vũ vừa say sưa nói, ăn thua gì với những chuyến đi trước của đoàn, về những nơi có khi phải đi bộ leo núi mới tới nơi. Anh kể đây là chuyến đi thứ 13 của đoàn đến các vùng cao biên giới.

Anh Dũng, thư ký của đoàn cho biết, sinh thời nhà văn Tô Hoài là người gắn bó cả đời văn của mình với vùng miền cao Tây Bắc. Ông có nguyện vọng được đi thăm lại các vùng quê núi, chia sẻ với những nghèo khó của người dân tộc thiểu số. Ngoài những đề tài cần viết, nhà văn Tô Hoài còn được sự quan tâm quý mến của những bạn đọc miền Tây Bắc, cùng sự yêu thương của người dân tại các vùng miền mà ông đã từng đến sáng tác và hoạt động cách mạng. Sau này về Hà Nội làm việc, nhưng lúc nào nhà văn Tô Hoài cũng nhớ về những bản làng xa xôi, nơi đã hình thành những vốn sống và ý tưởng cho ra đời các tác phẩm như “Vợ chồng A Phủ”, “Truyện Tây Bắc”, “Miền Tây”, “Nhật ký vùng cao”, “Nhớ Mai Châu”...

Chính sáng kiến lập ra Quỹ Tô Hoài của con trai ông, nhà báo Phương Vũ, với mục đích thực hiện cho được tâm nguyện của cha mình trước khi mất. Đó là sự trở về những miền quê xa xôi, nơi biên cương Tổ quốc, thăm hỏi và chia sẻ những khó khăn của đồng bào dân tộc. Đồng thời nhà báo Phương Vũ còn là tác giả thiết kế những chương trình vui Trung thu cho thiếu nhi các vùng quê nghèo miền núi. Đoàn thường liên kết với các đơn vị tài trợ và địa phương cùng phối hợp triển khai lễ hội đêm rằm với chủ đề thân thương “Vầng trăng cho em”.

Mỗi một món quà, hay những món tiền tài trợ xin được, dù ít ỏi, bao giờ nhà báo Phương Vũ cũng mang đến tận tay người nghèo ở mọi miền quê xa xôi. Thiết thực và chân tình. Tận nơi và thân thiện. Đúng với nghĩa “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, với tấm lòng của “Vầng trăng cho em”, những món quà luôn chan chứa tình cảm. Cùng với chương trình tặng quà cho những người nghèo, Quỹ Tô Hoài còn chủ trương xây dựng tủ sách cho các trường học tại địa phương. Đó là một cách làm có ý nghĩa xã hội sâu sắc, Quỹ Tô Hoài đã được sự ủng hộ của nhiều cơ sở kinh tế nhà nước và tư nhân. Tất cả đều chung một ý tưởng, chia sẻ với những khó khăn của những bản nghèo và trường học của trẻ em dân tộc ít người vùng cao.

Khi chúng tôi trao đổi, nhà báo Phương Vũ luôn chủ trương đến tận địa chỉ cụ thể để trao quà. Chính vì thế, những chuyến đi của đoàn bao giờ cũng gian nan, khó khăn trên đường, bởi đều là những bản xa xôi hẻo lánh. Nhiều khi đoàn đến nơi không kịp ăn uống gì đã phải triển khai ngay công việc, nào là dựng sân khấu, phông màn, khẩu hiệu và ánh sáng để chương trình trao quà đúng giờ. Lần này lên trường học của bản Bằng Ca, xã Lý Quốc, anh cho biết đã chuẩn bị thêm 700 chiếc đèn ông sao, để thắp sáng trên sân khấu. Anh muốn dựng sân khấu thành một không gian, tựa một bầu trời sao lung linh, cùng ánh trăng núi trải vàng khắp bản làng. Nhìn ánh mắt ngời sáng trên gương mặt khắc khổ của anh, tôi thấy lấp lánh một bầu trời mơ mộng đang hiện lên, với niềm vui khó tả.

Lúc này tôi chợt nhớ đến nụ cười vui và hóm hỉnh của nhà văn Tô Hoài. Có lẽ ông vui vì đã có con trai ông đồng hành và thực hiện tốt tâm vọng mà ông đã trao gửi cả một đời cho những người vùng cao. Đúng là sau một ngày ròng rã, đến xã Lý Quốc, chúng tôi bắt tay ngay vào dựng sân khấu đúng như mọi lần, không kịp ăn uống gì. Tất cả hối hả khuân vác cả một xe tải hàng, nào sách vở, chăn ấm, mì tôm và bánh kẹo để các em kịp đón rằm đúng lúc trăng lên.

Những ngôi sao biên phòng

Kết hợp với đoàn chúng tôi còn có những chiến sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn. Nhiều chiến sĩ trẻ cùng bắt tay vào dựng phông và khuân vác hàng vào trường. Thật may tôi được gặp đồng chí Phạm Văn Hoan, Chính trị viên của Đội Biên phòng. Anh nói, việc đoàn nhà văn cùng Quỹ Tô Hoài kết hợp với Hội LHVHNT Hà Nội và báo Nghệ Thuật Mới đến làm việc từ thiện ở xã đã đem lại sự ấm ám và tình thân ái cho bà con và học sinh ở đây. Một việc làm thật ý nghĩa trong cộng đồng xã hội. Anh tâm sự, ba xã vùng biên mà đội quản lý có nhiều ngọn núi và địa hình hiểm trở cùng với những tệ nạn xã hội luôn rình rập, nhưng đội ngũ chiến sĩ biên phòng đã cố gắng hết sức mình để ngăn chặn tội phạm và tuần tra bảo vệ biên giới suốt ngày đêm.

Các chiến sĩ đã kiên trì mật phục để truy bắt nhiều tội phạm ma túy. Mặc dù có những đối tượng chống trả quyết liệt hòng phi tang vật chứng và trốn chạy, nhưng các chiến sĩ đồn biên phòng đã dũng cảm chiến đấu và dùng mưu trí để bắt sống chúng. Nhiều tên tội phạm nguy hiểm như Nông Văn Dẫn, Hoàng Văn Cường cùng với nhiều đối tượng khác đều bị bắt với nhiều vật chứng trong vụ án. Địa thế hiểm trở của ba xã Minh Long, Lý Quốc, Đồng Loan với 68 mốc kéo dài hơn 34 cây số nếu không tuần tra chặt chẽ, kẻ xấu dễ lợi dụng vượt biên để buôn bán hàng quốc cấm. Do vậy, nhiệm vụ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn càng trở nên bức thiết, cần sự đồng lòng và tỉnh táo trong nhiệm vụ canh phòng biên giới.

Trong thời gian 2 tiếng đồng hồ, những chiến sĩ trẻ cùng anh em trong đoàn làm từ thiện đã hoàn thành một sân khấu, với sự sắp đặt sinh động. Ai nấy đều vui vẻ cố hoàn thành nốt mọi việc cuối cùng mới vào bữa ăn tối, trước khi lễ đón trăng bắt đầu. Cùng lúc đó, chúng tôi gặp được anh Nông Văn Bằng, Bí thư đoàn xã Lý Quốc. Anh cũng là người cùng khênh đồ với chúng tôi lên sân khấu. Trong bữa ăn, tình cờ gặp lại, anh bắt tay nhà báo Phương Vũ rồi nói, việc làm từ thiện của đoàn Quỹ Tô Hoài là một hình ảnh đẹp, đem lại không khí sôi nổi trong sinh hoạt của các em học sinh. Khi tôi hỏi về nét văn hóa đặc sắc của người Tày và Nùng trong xã, anh vui vẻ tâm sự, nổi bật nhất là phong trào tìm lại cội nguồn dân ca, hát then và đánh đàn tính. Bên cạnh đó là sinh hoạt chợ hội, cũng là nơi hàng trăm người từ khắp nơi hội tụ.

Anh còn nói, ở Cao Bằng có những chợ chỉ chuyên họp để hát giao duyên, đó chính là chợ trai gái. Những nam thanh nữ tú từ khắp nơi tìm về. Có người ở xa hàng chục cây số cũng đến tham gia. Đôi khi họ còn hát thâu đêm. Hiện ở xã Lý Quốc có những bản (xóm) như Bằng Ca, Bản Bang cùng có những phiên chợ hội giao duyên và trở thành điểm thu hút sinh hoạt văn hóa đậm chất truyền thống mà bao năm người Tày và Nùng muốn gìn giữ và bảo tồn. Qua anh tôi mới hay, Cao Bằng là tỉnh có nghệ thuật hát then phát triển mạnh nhất trong cả nước.

Mùa hạt dẻ xù lông rụng rốn

Chúng tôi về Lý Quốc đúng vào mùa quả hạt dẻ bắt đầu độ rụng chín. Tuy nói huyện Trùng Khánh mới là thiên đường của rừng hạt dẻ thơm hương, nhưng bất ngờ tôi bắt gặp một cây dẻ cao lớn bên đường làng, với những chùm quả xù lông như những chiếc gai nhọn tựa như quả chôm chôm vậy. Đi bên tôi, anh Bằng vẫn còn lưu luyến đến câu chuyện về lời then, tiếng tính, say đắm trong cõi mộng tình yêu.

Nhìn quả dẻ cứng cáp trên cành cây, anh như muốn cất lên lời ca về bản làng mình. Anh ước có con đường về làng rộng rãi thênh thang để mọi người về trẩy hội đông vui. Cửa khẩu Lý Vạn thuộc xã Lý Quốc vẫn hàng ngày tấp nập những đoàn xe chở hàng ngày đêm. Những chiến sĩ biên phòng cũng không bao giờ ngừng bước chân tuần tra biên giới bảo về non sông đất nước. Con sông Quây Sơn chảy ngược về Lý Quốc, trước khi trở lại Trung Quốc, luôn êm đềm trôi mang nhiều ký ức về một biên giới mộng ảo trong sương mây.

Công việc trao quà tình nghĩa đã xong xuôi, nhà báo Phương Vũ thở phào nhẹ nhõm đi cùng chúng tôi, với nụ cười hồn hậu trên môi. Anh chợt reo lên khi nhìn thấy một cơn mưa bụi bay từ đầu nguồn con sông. Một cảnh đẹp trên bầu trời xanh ngắt. Đó chính là ánh chớp của những cọng mây trắng từ dòng thác Bản Giốc bay lại. Chúng tôi chia tay Lý Quốc trong ánh sáng ấy. Nhà báo Phương Vũ bỗng đọc mấy câu ca dao cổ, mà chính tôi cũng bất ngờ nhớ ra mình đã được nghe từ các cụ xưa đọc lại, rằng: “Nàng về nuôi cái cùng con. Để anh đi trảy nước non Cao Bằng. Ở nhà có nhớ anh chăng. Để anh kể nỗi Cao Bằng cho nghe”. Tôi hiểu ý anh, chuyến đi của chúng tôi vừa trải qua những bước chân đi trẩy Cao Bằng, nơi rừng thiêng nước độc, của người xưa vọng về.

VƯƠNG TÂM (Kiến thức gia đình số 43)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/noi-xanh-tham-nui-non-cao-bang-post205824.html