Nơi truyền thuyết đã thành hiện thực

Xuân đã đến trên vùng cao Tràng Định (Lạng Sơn) khi những cây đào rừng nở hoa sớm trên dãy núi Háng Cáu và trong khuôn viên Đồn BP Pò Mã. Từ điểm cao 820 có thể bao quát cả xã biên giới Quốc Khánh thơ mộng, trong làn khói lam từ những mái nhà đỏ tươi màu ngói ở các bản làng trù mật. Những đồi sắn nằm xen lẫn với hàng trăm ha rừng thông xanh mướt đang mùa thu hoạch nhựa. Khung cảnh một vùng biên ải trù phú đang dần trở thành hiện thực.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Pò Mã phối hợp với dân quân địa phương tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Ảnh: H.L

Điểm sáng trên cung đường tuần tra biên giới

Điểm cao 820, khu vực mốc 980 thuộc Đồn BP Pò Mã, BĐBP Lạng Sơn quản lý gắn với câu chuyện tình yêu của phiên chợ Thổng Báo Slao, hay còn gọi là phiên chợ tình vùng biên ải Đông Bắc, một lễ hội truyền thống điển hình của cư dân Tày - Nùng nổi tiếng với những câu hát sli, hát lượn. Ngoài khát vọng được tự do yêu đương, tự do hôn nhân, người dân vùng biên bao đời nay còn gửi gắm vào những câu sli, lượn say đắm lòng người mong muốn có một cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.

Ba năm về trước, trên địa bàn 2 xã biên giới Đội Cấn và Quốc Khánh, huyện Tràng Định chỉ là đường mòn dân sinh, cây rừng rậm rạp, vực sâu hun hút... Địa hình hiểm trở bị chia cắt bởi đồi núi, thung lũng, khe suối, cộng với giao thông đi lại khó khăn giữa các khu dân cư, khiến nhiều thôn bản giáp biên như những "ốc đảo" bị cô lập hoàn toàn vào mùa mưa lũ. Đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn do không được thông thương, nông sản làm ra không tiêu thụ được. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo triển khai trên biên giới không mang lại hiệu quả một phần do cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế.

Theo chân Đội tuần tra Đồn BP Pò Mã đi dọc tuyến đường tuần tra biên giới, thuộc địa bàn đơn vị quản lý, có chiều dài gần 30km, tôi mới thấy hết giá trị của cung đường chiến lược này. Không chỉ nối thông, rút ngắn khoảng cách từ trung tâm các xã đến 12 thôn giáp biên, con đường như một luồng sinh khí mới đã biến ước mơ của người dân vùng biên giới Tràng Định, thành hiện thực khi đã và đang giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo.

Đến thời điểm này, tuyến đường tuần tra biên giới khu vực Đông Bắc đã được thông tuyến, cả dải biên cương từ Quảng Ninh đến Lạng Sơn đã có đường bê tông, xe ô tô có thể đi lại dễ dàng. Hệ thống điện lưới như những sợi tơ trời cũng được giăng lên dọc theo con đường mới.

Trung tá Hoàng Văn Lĩnh, Chính trị viên Đồn BP Pò Mã, phấn khởi cho biết: Dọc cung đường tuần tra đã xuất hiện những trang trại mới khai hoang của những hộ dân bám đường, bám biên giới và dần hình thành những khu dân cư mới. Tiềm năng về thổ nhưỡng, nguồn nước, nông lâm sản... trên 21km đường biên giới thuộc 2 xã địa bàn biên phòng đang được đánh thức từng ngày. Thực tế trên đã được chứng thực tại hơn 10 trang trại chăn nuôi với quy mô trên 100 đầu con trâu, bò, dê... được hình thành trên những đồi sim, lau sậy bỏ hoang bao năm qua, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào nơi biên giới.

Cùng chúng tôi lên mốc quốc giới 976, bác Đinh Hồng Quảng, một đảng viên có uy tín tại bản Giảo, xã Quốc Khánh bồi hồi nhớ lại những năm tháng gian khổ cùng cán bộ, chiến sĩ đồn BP đấu tranh chống lấn chiếm biên giới. Những năm trước, muốn lên kiểm tra mốc quốc giới, ông và dân bản phải chống gậy, leo núi cả ngày trời, bây giờ con cháu có thể chở ông bằng xe máy lên tận chân mốc.

Bác Quảng khẳng định: "Con đường đã làm đổi thay cả một vùng biên. Giao thông không còn cách trở nữa, người dân yên tâm định canh, định cư phát triển kinh tế gia đình, tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới".

Thực tế cho thấy, đường tuần tra biên giới đã tạo điều kiện cho Đồn BP Pò Mã tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Chỉ tính riêng năm 2015, đơn vị đã tổ chức tuần tra khép kín, kết hợp phát quang đường tuần tra biên giới được trên 50 lượt với trên 500 lượt cán bộ, chiến sĩ và 200 lượt dân quân, nhân dân tham gia. Qua tuần tra, đơn vị đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời hàng chục vụ vi phạm quy chế biên giới; bắt giữ nhiều đối tượng vận chuyển trái phép pháo nổ, ma túy, gia cầm; ngăn chặn hiệu quả nhiều vụ buôn bán lâm sản trái phép qua địa bàn.

Đón chào vận hội mới

Đường ra cặp chợ biên giới Nà Nưa - Nà Hoa những ngày đầu năm mới sôi động hơn, bởi hoạt động thương mại biên mậu nhộn nhịp giữa huyện Tràng Định với huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tăng trưởng xuất nhập khẩu luôn đạt trên hai con số đang giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Tràng Định phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/năm.

Sân trường tiểu học Khánh Hòa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, một trong hàng chục công trình giúp dân của Đồn BP Pò Mã. Ảnh: H.L

Tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh từ kinh tế biên mậu, hai xã Quốc Khánh và Đội Cấn mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa xuất khẩu và phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ. Năm 2015, hoạt động thương mại, dịch vụ qua cửa khẩu Nà Nưa tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 500 lao động của các thôn bản và mang lại nguồn thu trên 14 tỷ đồng cho địa phương.

Nguồn kinh phí trên được các địa phương đầu tư vào phát triển kinh tế lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao để xuất khẩu. Tiêu biểu là các dự án trồng thông, thạch đen, cam, quýt... do Đồn BP Pò Mã trực tiếp chuyển giao, hướng dẫn cho các thôn bản giáp biên; dự án khai hoang, chăn nuôi đại gia súc theo mô hình trang trại...

Đến nay, các mô hình kinh tế hộ gia đình sản xuất nông sản xuất khẩu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/hộ/năm. Đến thời điểm này, cả 2 xã Quốc Khánh, Đội Cấn chỉ còn 108/1.708 hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới.

Thực hiện chương trình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, BĐBP Lạng Sơn tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện chương trình nông thôn mới. Thành quả sau 3 năm nỗ lực của quân dân biên giới hiện diện trên những con đường bê tông kiến cố tỏa về tất cả các thôn, bản và gần 100 công trình phúc lợi tại 34 thôn của 2 xã Quốc Khánh và Đội Cấn.

Bí thư Đảng ủy xã Đội Cấn - ông Vi Văn Quang hào hứng đưa tôi đến những khu dân cư trù phú, với những công trình được xây dựng từ những bàn tay của Bộ đội Cụ Hồ như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bể nước sạch... Bà con các dân tộc đặt cho những công trình trên với những cái tên thân thương, trìu mến: "Đường Quân đội", "Bể nước Biên phòng", "Sân trường Bộ đội Cụ Hồ", "Vườn ươm đồn BP"...

Dù có hay không những tấm biển đề tên thì những tên gọi ấy như một tình cảm thiêng liêng, sống động truyền từ người này sang người khác, trở thành minh chứng cho niềm tin, tình cảm quân-dân cá nước. Và chính những công trình này đang góp phần thay đổi diện mạo, đời sống của nhân dân vùng biên, góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc trên biên giới Lạng Sơn.

H.L

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-truyen-thuyet-da-thanh-hien-thuc/