Nội trú - góc khuất sau cổng trường: 'Vua'…một cõi

Bên cạnh những quản nhiệm hết lòng vì học trò, còn có những người xem đây là công việc đầy quyền lực. Họ buộc học trò tuân thủ quy tắc do mình đặt ra, khi trái ý sẽ tìm cách 'hành' khiến học sinh bất mãn, khiếp sợ.

Khi vào học nội trú, học sinh hoàn toàn phụ thuộc vào thầy, cô quản nhiệm. Chỉ một hành động đối xử không công bằng cũng có thể khiến học trò bị tổn thương - Ảnh: Lam Ngọc

Chỉ một lời nhận xét không tốt từ quản nhiệm cũng khiến một học sinh vài tháng không được gặp ba mẹ. Điều đó khiến nhiều cô, cậu học trò bất mãn.

Bị cấm túc vì… ăn trước cô

Trước khi vào dạy chính thức, tôi được lãnh đạo Trường THPT P.H (Q.12) dặn dò cài mật khẩu cho điện thoại, máy tính vì trường cấm học sinh sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, khi Khánh Minh (14 tuổi) một mình trốn trong phòng khóc nức nở thì tôi cầm lòng không được. “Con nhớ nhà, nhớ bạn trai. Lúc đi con chưa kịp chào tạm biệt bạn trai nên sợ anh ấy lo lắng. Cô cho con mượn điện thoại nhắn cho mẹ là con đã ngoan rồi và tạm biệt bạn trai. Chỉ một tin nhắn thôi”, Minh nài nỉ tôi.

Trước lời hứa của cô học trò, tôi cho em mượn điện thoại và sau đó có thông báo lại chuyện này với quản nhiệm phụ trách Minh. Cô quản nhiệm nói rằng việc này không quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vì một vài phát sinh, bạn trai Minh tìm đến nhà gây sức ép buộc gia đình phải đón em về và còn tới trường gây sự nên cũng trong tuần đó Minh bị buộc phải về cơ sở ở Thủ Đức (nơi này dành cho học sinh không nghe lời với những nguyên tắc giáo dục cực kỳ hà khắc). Sợ quá, trưa đó Minh không ăn cơm, chạy xuôi chạy ngược xin ở lại nhưng “không ai xin được hết”, giáo viên quản nhiệm của Minh khẳng định.

Lo Minh về cơ sở Thủ Đức sẽ bị bắt nạt nên Phạm Anh Thơ (học sinh lớp 9) âm thầm viết thư: “Bé Minh qua đó ráng ngoan nha! 2.9 chị lên Thủ Đức thăm em. Không được tỏ thái độ, cộc lốc nhé. Buồn thì ghi thư nhờ thầy cô gửi qua đây cho chị. Đừng bướng nữa, không tốt đâu. Nhớ lời chị dặn, đừng tin tưởng ai hết! Lo giữ gìn sức khỏe, ráng học, ngoan để xin lên lại đây”.

Những lúc như vậy tôi thấy mình bất lực, xấu hổ vì để người khác phải dẹp loạn giúp mình. Tuy nhiên, tôi cũng không đồng tình việc đánh học sinh ngay tại lớp vì làm mất mặt học sinh trước nhiều người sẽ khiến các em càng khó dạy

T.T.Lý (Trường N.V.A, Q.Tân Phú)

Trong khi đó, một số bạn khác cũng giúp Minh chuẩn bị quần áo, mền gối, móc phơi đồ. Cô bé tên Pu còn nhồi một bọc bánh, kẹo, sữa, mì để Minh mang theo ăn.

Buồn cho Minh và cũng buồn cho mình, Bích Ngọc (học sinh lớp 10) đỏ hoe mắt bởi em vừa nhận lệnh cấm túc từ giáo viên quản nhiệm. Ba tháng tới Ngọc không được gặp ba mẹ vì lý do làm trái lời mẹ dặn. Mẹ Ngọc lên thăm mang theo chả cá nóng và dặn con đợi cô quản nhiệm lên rồi chia cho cả phòng ăn. Lúc lên phòng, không thấy cô quản nhiệm đâu, lại nghĩ chả cá nóng bốc mùi sẽ khiến mọi người khó chịu nên Ngọc sớt phần chả và bánh mì để phần cô quản nhiệm rồi rủ các bạn lấy ra ăn. “Vậy mà cô quản nhiệm giận vì con làm sai lời mẹ dặn không đợi cô lên ăn. Con bị cấm túc trong ba tháng. Cả ngày hôm nay cô không thèm nhìn con, con chào cô cũng không trả lời”, Ngọc kể.

Không được giải thích, cũng không cảm thấy được lắng nghe, Ngọc thấy mình bị bắt nạt và dần bị cô lập trong tập thể.

Đánh học sinh theo “combo”

Vào trường nội trú được vài ngày, nhiều người hỏi tôi đã bị học sinh dọa chưa. Họ cho rằng tôi không thể làm quản nhiệm được vì quá hiền. Trong khi đó, một số học sinh hỏi tôi: “Sau này cô có đánh tụi con không?”. Tôi nói không, nhưng tất cả đều không tin. “Thầy cô nào lúc đầu cũng nói như cô là sẽ không đánh ai đâu, nhưng chỉ một thời gian sau là… quên hết. Mỗi khi phạm lỗi, tụi con đều bị “ăn combo” (gồm đấm, đá, tát, lên gối). Đôi khi giáo viên chỉ vô tình gạt chân cũng có bạn rạn xương sườn và không cố ý cũng làm học sinh gãy sống mũi”, một học sinh tâm sự với tôi.

Làm tổn thương học sinh không phải chuyện hiếm ở trường nội trú. Trong giờ trực văn hóa tại Trường N.V.A (Q.Tân Phú), tôi thường xuyên chứng kiến cảnh giáo viên “dạy dỗ” học sinh ngay tại hành lang lớp học. Đôi khi những hành động bạo lực ấy diễn ra ngay trong lớp, trước sự chứng kiến của học sinh và cả giáo viên văn hóa.

Về lý thuyết, giáo dục bằng đòn roi không được chấp nhận; nhưng thực tế vẫn diễn ra ở một số trường nội trú. Nhiều quản nhiệm lạm dụng việc đánh đập học sinh nhưng lại dùng mánh che giấu. Quản sinh thường tìm nơi không có camera để “nói chuyện” phải trái với học trò. Khi không nhận được thái độ hợp tác từ học sinh thì sẽ ra đòn.

Để tránh bị người khác cũng như phụ huynh phát hiện vết thương của học sinh, quản nhiệm chỉ đánh từ cổ trở xuống. Khi lỡ đánh bị thương phần đầu hoặc mặt, quản nhiệm thường kiếm cớ để cấm túc học sinh. Trong thời gian cấm túc, vết thương sẽ lành lại. Lúc này nếu học sinh có nói với phụ huynh thì cũng không còn chứng cứ để chứng minh.

Mỗi khi học sinh trốn trường bị bắt lại là sẽ phải “ăn combo”, bởi vậy hầu hết học sinh đã trốn trường đều rất sợ bị bắt lại. Làm một khảo sát bỏ túi trên 50 học sinh tại Trường N.V.A (Q.Tân Phú), 90% học sinh xác nhận mình từng bị đánh đòn khi vào trường.

Cô T.T.Lý (giáo viên toán, Trường N.V.A, Q.Tân Phú) chia sẻ, lớp cô dạy thường rất ồn, hơn 90% học sinh ngồi trên lớp nhưng lại làm việc riêng và gây mất trật tự. Những lúc đó, giáo viên quản nhiệm sẽ vào “dẹp loạn”. Thông thường họ nhắc nhở học sinh vi phạm và cho một số em cứng đầu ra khỏi lớp. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bị “xử lý” tại chỗ bằng nhéo tai, nhéo mũi và ra đòn ngay tại lớp. “Những lúc như vậy tôi thấy mình bất lực, xấu hổ vì để người khác phải dẹp loạn giúp mình. Tuy nhiên, tôi cũng không đồng tình việc đánh học sinh ngay tại lớp vì làm mất mặt học sinh trước nhiều người sẽ khiến các em càng khó dạy”. (Còn tiếp)

Nhiều người mắng chửi khiến học sinh bức xúc

Trong cuộc họp giáo viên đầu năm học 2018 - 2019, Hiệu trưởng Trường N.V.A (Q.Tân Phú) nhắc nhở giáo viên chuẩn bị tâm lý cho thời điểm cuối học kỳ 1, học sinh sẽ quậy phá. Lý do là đầu năm học, học sinh vẫn còn được dạo chơi, có em mới được về với gia đình nên thuần tính. Tuy nhiên tới giữa học kỳ 1, ngoài giáo viên quản nhiệm có thêm mười mấy giáo viên bộ môn văn hóa gây áp lực. Lại thêm bên y tế, an ninh chửi mắng sẽ khiến học sinh khó chịu, bức bối dẫn đến quậy phá nhiều hơn. Số học sinh trốn trường cũng vì thế mà tăng nên giáo viên cần chuẩn bị mọi phương án cho thời gian này.

Lam Ngọc

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/noi-tru-goc-khuat-sau-cong-truong-vuamot-coi-1013039.html