Nói Triều Tiên thiện chí phi hạt nhân: Mở đường cho Mỹ

Hàn Quốc đưa ra loạt thông tin chứng minh Triều Tiên vẫn đang không có ý định theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình.

Yonhap đưa tin, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon ngày 18/3 cho biết Triều Tiên đang tu sửa bãi phóng tên lửa Dongchang-ri, hay còn gọi là Trạm phóng vệ tinh Sohae.

Đây là cơ sở mà Triều Tiên đã tháo dỡ một phần vào năm ngoái để thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa của mình. Hình ảnh vệ tinh của Hàn Quốc cho thấy một phần bị tháo dỡ đang được khôi phục lại.

Đã có những đánh giá trái chiều về động thái này. Như các hãng truyền thông Hàn Quốc và Mỹ đã đưa tin những ngày qua, hành động thay đổi hiện trạng của Dongchang-ri được cho là nỗ lực khôi phục các chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cho Myoung-gyon lại đưa ra một nhận định hoàn toàn khác biệt. Ông Cho nhấn mạnh: "Khi Bình Nhưỡng tiếp tục công việc, chúng ta cần xem xét kỹ hơn về ý định của họ. Rất có thể, họ chỉ xây dựng lại địa điểm này để phá dỡ nó".

Tên lửa được phóng thử ở bãi phóng Dongchang-ri

Tên lửa được phóng thử ở bãi phóng Dongchang-ri

Những lập luận của ông Cho khó có thể thuyết phục được những người không tin tưởng vào nỗ lực phi hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui phát biểu ngày 15/3 trên TASS rằng Bình Nhưỡng đang cân nhắc đình chỉ đàm phán phi hạt nhân với Trung Quốc.

"Chúng tôi không có ý định nhún nhường trước những yêu cầu của Mỹ (được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai) dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không sẵn sàng tham gia thương lượng kiểu này" - bà Choe Son-hui phát biểu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc dường như đã có những phát biểu mang tính giảm nhẹ cho tình hình ngày càng xấu đi kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không ra được tuyên bố chung.

Đáng chú ý, Seoul không chỉ làm dịu cách đánh giá của dư luận quốc tế về vấn đề bãi thử Dongchang-ri của Triều Tiên mà còn phát đi các thông điệp xoa dịu chính Bình Nhưỡng trong thời điểm này.

Cụ thể, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha ngày 18/3 thông tin, Mỹ muốn đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên dựa trên lộ trình toàn diện hơn để loại bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

"Cả Mỹ và Hàn Quốc đều cho rằng một lộ trình toàn diện là cần thiết. Có vẻ như Mỹ đã tham gia một hội nghị thượng đỉnh với lập trường đó. Dường như hai bên chưa hiểu dụng ý của nhau và Hàn Quốc kỳ vọng có thể cùng thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau để những nỗ lực có một lộ trình hòa bình được đi đúng hướng" - Ngoại trưởng Kang cho biết trong phiên họp quốc hội về các vấn đề của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

Từ đó để thấy, Seoul đang thực hiện hàng loạt động thái ngoại giao con thoi, nhằm xoa dịu cả hai bên Mỹ - Triều. Đáng chú ý, sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui đưa ra những tuyên bố cứng rắn nêu trên, Cố vấn cấp cao Nhà Trắng John Bolton cũng lập tức lên tiếng chỉ trích.

Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim ở Hà Nội không ra được tuyên bố chung

"Đáng tiếc là Triều Tiên không sẵn sàng làm những gì họ nên làm. Các tuyên bố gần đây của Bình Nhưỡng không giúp ích được gì, thậm chí có thể gây mất lòng tin" - ông Bolton nhấn mạnh.

"Việc quay lại sử dụng biện pháp khiêu khích không phải ý hay với Bình Nhưỡng. Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều đề xuất với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Điều này chưa mang lại kết quả, nhưng Tổng thống Trump vẫn sẵn sàng giải quyết vấn đề bằng đàm phán", Bolton nói thêm.

Thực tế, Mỹ và Triều Tiên đang trong tình trạng không nhân nhượng lẫn nhau. Điều này gây ra tác động xấu cho tiến trình hòa bình trên bán đảo này. Và người chịu thiệt ở đây vẫn là Hàn Quốc.

Seoul đã rất kỳ vọng vào thượng đỉnh lần 2 sẽ là bước đột phá cho tiến trình hòa bình của bán đảo này, song thực tế đã không được như mong muốn.

Hiện tại, mối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc Triều đã được cải thiện rất đáng kể. Mấu chốt của vấn đề chỉ nằm tại việc giải quyết dứt điểm vấn đề mâu thuẫn Washington - Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Washington muốn tỏ ra vị thế của mình khi nhất mực áp đặt các điều kiện và yêu cầu đối phương phải tuân theo. Đây là sự khiêu khích không chấp nhận được đối với Bình Nhưỡng.

Nếu không muốn mọi nỗ lực đi vào bế tắc, Seoul buộc phải đứng ra làm nhà hòa giải. Thông qua những thông điệp mà giới chức Hàn Quốc gửi đi liên tiếp, Seoul đang nỗ lực thực hiện: một mặt họ chứng minh Bình Nhưỡng vẫn đang giữ những thiện chí cho kế hoạch phi hạt nhân của họ.

Mặt khác, họ mở đường cho Mỹ quay lại bàn đàm phán mà không để ảnh hưởng đến uy tín và sự tự cao của ông Donald Trump hay nước Mỹ. Đối với ông Trump, Triều Tiên là một phương tiện tạo ra danh tiếng, nhưng không phải nơi để Mỹ tranh giành lợi ích chiến lược địa chính trị.

Vì thế, bán đảo Triều Tiên càng bất ổn, Hàn Quốc càng phải dựa vào ô quân sự của Mỹ và buộc phải chi trả thêm kinh phí quốc phòng hàng năm - điều mà ông Trump đã ép Seoul kể từ khi lên nắm quyền Tổng thống đến nay.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/noi-trieu-tien-thien-chi-phi-hat-nhan-mo-duong-cho-my-3376533/