Nỗi trăn trở của một Thẩm phán vùng cao

Thẩm phán Lò Văn Lịch, Phó Chánh tòa Hình sự - TAND tỉnh Điện Biên xót xa chia sẻ: 'Kẻ xấu dùng tiền vào dụ dỗ, mua chuộc, hứa hẹn cuộc sống giàu sang, thế là họ bỏ bê nương rẫy theo chúng đi buôn ma túy. Đau lắm!'.

"Đồng bào mình nghèo quá, nhà tranh vách nứa úp chụp vào đất như cái lá mục rơi nghiêng nằm hờ ven triền núi. Gió nhẹ đã lung lay, chứ đừng nói gì đến bão lốc. Kẻ xấu dùng tiền vào dụ dỗ, mua chuộc, hứa hẹn cuộc sống giàu sang, thế là họ bỏ bê nương rẫy theo chúng đi buôn ma túy. Đau lắm!", đó là lời tâm sự của Thẩm phán Lò Văn Lịch, Phó Chánh tòa Hình sự - TAND tỉnh Điện Biên.

Thẩm phán Lò Văn Lịch

Nhiều ông trùm "một chữ bẻ đôi không biết"

Trong cuộc mưu sinh nghiệt ngã, đã có rất nhiều đồng bào vì thiếu hiểu biết pháp luật mà để “cơn bão trắng” cuốn đi. Con mất cha, vợ mất chồng, bản làng tiêu điều xơ xác. Bên cạnh đó, cũng còn không ít gia đình phải lâm vào cảnh ly tán, đảo điên vì những hủ tục như tảo hôn, đa thê hay ma tà, bùa ngải. Vậy làm sao để giảm bớt những nỗi đau? Tôi đã cảm nhận được cái nỗi lòng nặng trĩu ấy, khi ngồi trò chuyện với Thẩm phán Lò Văn Lịch, Phó Chánh tòa Hình sự - TAND tỉnh Điện Biên.

Tính đến giờ, hơn 30 năm công tác trong ngành Tòa án, thì cũng gần bấy nhiêu năm Thẩm phán Lịch gắn đời mình với mảnh đất Điện Biên. Và cũng ngần ấy năm anh dành hết tâm lực, trí lực của mình để đóng góp cho sự lớn mạnh, phát triển chung của đơn vị Tòa án tỉnh. Ngồi cạn một buổi chiều, anh ít nói về mình, câu chuyện giữa tôi và vị Thẩm phán người dân tộc Thái ấy phần lớn chỉ xoay quanh những vụ án, những phận người mà anh đã từng gặp trong cuộc đời làm Thẩm phán.

Anh Lịch bảo, sau ngần ấy năm công tác, điều làm anh đau đáu và trăn trở nhất là đồng bào mình nhẹ dạ, cả tin, u mê, lầm lạc quá, nhiều khi họ phạm tội vì những lý do rất đơn thuần. Tất cả cũng bởi trình độ nhận thức về pháp luật của họ còn nhiều hạn chế. Trong tất thảy những kẻ “đổ đời” theo ma túy rồi “dựa cột”, hoặc “ôm vài chục cuốn lịch vào nhà đá bóc dần” ở Điện Biên, thì phần lớn họ đều là những thanh niên trai tráng người dân tộc thiểu số, ít được học hành, sinh ra trong những gia đình khốn khó. Đói nghèo quấn bíu lấy họ. Rồi đến một lúc nào đó, không chịu nổi những bữa cơm đạm bạc đến đau thương, nghe lời kẻ xấu, họ cuồng quẫy lao vào ma túy.

"Thậm chí có nhiều thanh, thiếu niên một chữ bẻ đôi không biết. Đến tận lúc bị bắt, chúng vẫn không thể ký nổi cái tên cha mẹ đặt cho mình vào tờ khai. Mặc dù ngoài đời, chúng có thể là những ông trùm mưu ma chước quỷ, uy danh lừng lẫy trong giới buôn hàng trắng", anh Lịch chia sẻ. Đối tượng phạm tội thì đầy đủ các thành phần, lứa tuổi. Có ông là Chủ tịch HĐND xã ngày ngày đi rao giảng cho dân bản nghe về tác hại của thuốc phiện, tối về cắt rừng đi xách thuê ma túy. Đến khi bị bắt, ông này cứ lẩm bẩm, thắc mắc mãi về chuyện "làm sao cán bộ biết mà "đón lõng" mình thế?". Có gã trai người Kinh, lên Điện Biên dạy học, rồi mắc nghiện. Cán bộ đưa đi cai, vừa cai xong, anh này lại bị bắt khi đang mang heroin đi bán.

Tan nát vì ma túy

"Đồng bào mình nghèo quá, nhà tranh vách nứa úp chụp vào đất như cái lá mục rơi nghiêng nằm hờ ven triền núi. Gió nhẹ đã lung lay, chứ đừng nói gì đến bão lốc. Kẻ xấu dùng tiền vào dụ dỗ, mua chuộc, hứa hẹn cuộc sống giàu sang, thế là họ bỏ bê nương rẫy theo chúng đi buôn ma túy. Đau lắm. Nhiều đối tượng còn rủ rê, lôi kéo hết thảy người thân trong gia đình mình tham gia. Đến khi bị bắt rồi bị bỏ tù, nhiều nóc nhà chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Có những thời điểm, các ông bố bà mẹ ở Điện Biên, khi thấy con cái lớn lên, nỗi lo của họ không phải là chuyện dựng vợ gả chồng hay gà dê, bạc trắng để làm của hồi môn, mà là nỗi lo con mình bập vào ma túy. Bởi, họ hiểu, kết cục chung cho những kẻ chọn con đường tội lỗi ấy là hoặc ngồi tù, hoặc “dựa cột”, hoặc gia đình tan nát", anh Lịch tâm sự.

Có những gia đình từ chồng, vợ, rồi đến tất cả 5-7 đứa con lũ lượt bập vào ma túy để rồi "dựa cột" hoặc chui vào nhà đá bóc lịch dần, giờ trong nhà chỉ còn lại toàn người già với trẻ nhỏ, như gia đình ông Và Giả Chía ở bản Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ông Chía (81 tuổi) có 3 người con trai là: Và A Sùng (SN 1975), Và A Say (SN 1976), Và A Dơ (SN 1978) thì cả 3 đều nghiện. Để có tiền hút chích, chúng chả có cách gì khác ngoài đi vận chuyển thuê ma túy. Kết quả tất yếu là cả 3 anh em Sùng, Say, Dơ đều không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

Khởi đầu là người anh cả Và A Sùng bị bắt và bị tòa tuyên án 20 năm tù, tiếp đến là Say và Dơ lần lượt sa lưới. Thế nhưng, khác với anh trai, Say và Dơ đều bị tuyên án tử hình. Bản án của Say đã được thi hành, còn Dơ may mắn hơn nhờ biết ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan điều tra để khám phá ra những đối tượng, những đường dây buôn bán ma túy khác nên hắn đã được ân giảm xuống chung thân.

Đối với ông Chía, bà Say, những tưởng đớn đau, mất mát chỉ đến thế là cùng, nào ngờ tai họa vẫn chưa dừng ở đó. Bởi, chỉ một khoảng thời gian rất ngắn sau đó, 3 đứa con dâu của vợ chồng ông, từ con dâu cả đến con dâu út cũng đồng lõa theo chồng lao vào con đường phạm tội để rồi lần lượt lĩnh án 6, 8 và 18 năm tù. Điều đáng nói là trước khi “an phận mình sau song sắt”, “đám con giai, con dâu giời đánh” ấy đã kịp gửi lại cho vợ chồng ông Chía đúng 10 đứa cháu, đứa lớn nhất 17, đứa nhỏ nhất mới vừa lên 6 tuổi.

"Ở xã Na Ư này, trường hợp gia đình ông Chía là khó khăn nhất. Không biết khi sa vào vòng lao lý, những ông bố, bà mẹ như Sùng, Say và Dơ có biết tỏ ra ăn năn hối lỗi hay không, thế nhưng bất luận vì lý do gì thì cũng phải nói rằng: Những ông bố, bà mẹ ấy đã vô trách nhiệm, đã mê muội tột cùng khi “quăng” người thân, nhất những đứa trẻ vào chồng chất khổ đau của kiếp phận con người. Dù họ có viện ra những lý do gì đi chăng nữa, vì đói nghèo hay là bị rủ rê lôi kéo để biện hộ cho con đường phạm tội của mình, thì việc đem "cái chết trắng" đi gieo rắc cho đồng loại là không thể nào chấp nhận", ông Và Vả Tông, Chủ tịch xã Na Ư, quả quyết.

Tác giả cùng vợ chồng ông Và Giả Chía

Nỗ lực ngăn "bão trắng"

"Để ngăn ngừa và đẩy lùi tội phạm về ma túy, không gì khác ngoài tuyên truyền, vận động. Trong những năm gần đây, nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức đến với người dân, đặc biệt là những địa phương có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Điện Biên. Rất nhiều hình thức tuyên truyền đã được triển khai với sự vào cuộc rốt ráo của nhiều cơ quan ban ngành đoàn thể. Mỗi một hình thức tuyên truyền đó đều có một tác dụng nhất định, tuy nhiên, công tác xét xử lưu động của tòa án với những vụ án, con người cụ thể sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của đồng bào. Bởi bên cạnh việc trừng phạt, răn đe cái ác đã xảy ra, những phiên tòa như thế còn góp phần rất lớn vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn những cái ác sắp sửa nảy mầm", anh Lịch tâm sự.

Cũng theo anh Lịch thì mấy năm gần đây, TAND hai cấp tỉnh Điện Biên đã hết sức chú trọng đến công tác xét xử lưu động, nhất là những vụ án liên quan đến tội phạm về ma túy. Những vụ án được lựa chọn để đưa ra xét xử lưu động đều là những vụ án điểm, có tính chất phức tạp, hoặc bị cáo trong vụ án đó là người địa phương. Chính vì những yếu tố ấy nên những phiên tòa lưu động này luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, góp phần thiết thực giáo dục, răn đe người dân ý thức chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm.

"Có nhiều người dân sau khi theo dõi phiên tòa đã chia sẻ rất thật với tôi, đại ý rằng: Trước đây, tôi không hề biết quy định của Nhà nước đối với tội phạm ma túy lại nặng như vậy. Từ nay, tôi sẽ khuyên bảo anh em trong nhà cũng như nhắc nhở, động viên dân bản phải chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, đừng mắc vào tệ nạn ma túy. Nếu không, cũng sẽ bị xét xử và nhận sự trừng phạt của pháp luật như bị cáo. Hy vọng trong thời gian sắp tới, tòa án sẽ tổ chức nhiều phiên xét xử như thế, với những loại án khác nhau để người dân chúng tôi mở mang kiến thức”, anh Lịch kể.

Vẫn biết cuộc chiến chống ma túy trên vùng "đất nóng" Điện Biên còn rất nhiều gian nan, vất vả. Nhưng hy vọng rằng, với sự vào cuộc rốt ráo của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương, cùng với những cố gắng của TAND hai cấp tỉnh Điện Biên trong suốt thời gian qua, mảnh đất nằm tít hút cực tây tổ quốc này sẽ ngày một bình yên.

Nguyễn Trung Thành

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/vinh-danh-tham-phan/noi-tran-tro-cua-mot-tham-phan-vung-cao-2840.html