Nơi tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo

Men theo những sườn đồi xanh mát bóng thông, từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy về dãy núi Phượng Hoàng nơi có đền thờ thầy Chu Văn An (phường Văn An, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Trong tiết trời se lạnh dịu nhẹ vẫn còn phảng phất hơi sương, từ xa dãy núi như con chim phượng hoàng đang vỗ cánh bay lên. Còn ngôi đền mái đỏ vút cong như “điểm nhãn” cho bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình.

Xe dừng trước khoảng sân rộng, hơn 500 giáo viên, học sinh của Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, TP Hà Nội) xếp hàng ngay ngắn, quần áo đồng phục chỉnh tề, chầm chậm bước vào khuôn viên đền. Điểm hành lễ đầu tiên chính là điện Lưu Quang, nơi trước đây thầy Chu Văn An dạy học. Nền xưa dấu cũ ngày một rêu phong chỉ có tiếng thơm của thầy còn lưu truyền mãi. Trước cửa đền, ông đồ già ngồi cần mẫn thảo những nét hán tự bằng mực son. Dưới nắng mai những chữ như “Trí”, “Học”, “Thành”, “Vinh” ... hiển hiện rực rỡ còn thơm mùi mực mới. Nhiều em học sinh đã lưu lại xin chữ mong sao việc học hành ngày càng tấn tới. Đã nhiều năm viết chữ tại cửa đền, ông Bùi Quốc Việt hoan hỉ giới thiệu: “Hằng năm tại đền Chu Văn An đều tổ chức lễ khai bút đầu xuân, rất đông du khách thập phương, sĩ tử mọi miền về đây dự hội xin chữ. Đây là nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ khi thầy Chu Văn An dạy học ở đây”.

 Giáo viên, học sinh Trường THCS Ngọc Lâm dâng hương tưởng nhớ danh nhân Chu Văn An.

Giáo viên, học sinh Trường THCS Ngọc Lâm dâng hương tưởng nhớ danh nhân Chu Văn An.

Rời điện Lưu Quang, đoàn khách chầm chậm hướng về phía đền chính. Bước lên thềm đá qua tứ trụ uy nghi là khoảng sân rộng thoáng đãng. Ngay chính giữa sân là chữ “Học” được trạm cách điệu trên phiến đá xanh cùng bức cuốn thư khắc sâu lời dạy của thầy Chu Văn An: “Lấy đức thắng người là mạnh, lấy của thắng người là hung, lấy sức thắng người là mất”. Ngôi đền nằm giữa núi rừng xanh biếc bóng thông nổi bật bức phù điêu khắc hàng đại tự “Vạn thế sư biểu” (Người thầy của muôn đời) để ngợi ca công đức của thầy Chu Văn An với đạo học nước Nam. Sau lễ dâng hương trước cửa đền, cô hướng dẫn viên Phạm Thị Duyên cất lời giới thiệu thu hút các em học sinh chăm chú lắng nghe.

Hơn 6 thế kỷ trước, khi gian thần lộng hành, kỷ cương phép nước bị lung lay, nhằm giữ tiết tháo tư nghiệp, thầy Chu Văn An đã treo ấn từ quan, dưỡng khí phách danh nho sống thanh đạm về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, lấy hiệu “Tiều Ẩn” (người hái củi ở ẩn) ngày ngày dạy học viết sách giữa rừng thông xanh, trúc biếc. Sau khi thầy mất, học trò và nhân dân tôn kính lập đền thờ nơi thầy dạy học. Trải bao biến thiên, đền xưa mộ cũ phôi pha. Qua niều lần trùng tu, đền thờ thầy Chu Văn An hiện nay trở thành quần thể kiến trúc tâm linh bề thế, tọa lạc uy nghi giữa một vùng non xanh, mây trắng.

Theo lời cô hướng dẫn viên, các em học sinh bước bên bức phù điêu chạm long phượng vờn mây qua hơn 100 bậc đá là ngôi chính điện. Mùi trầm hương tỏa bay ngan ngát, tượng thầy Chu Văn An ngồi uy nghi trong hậu cung. Phía trước ban thờ là 3 hiện vật cuốn thư, nghiên mực, bút lông đặt trên lưng rùa được đúc đồng cùng lời di huấn của thầy: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”.

Xúc động tự hào, em Đào Phúc Thành, học sinh lớp 9A4, Trường THCS Ngọc Lâm bày tỏ: “Lần đầu tiên được về thăm đền em cảm thấy rất phấn khởi, được trực tiếp nghe những câu chuyện lịch sử giúp em hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của thầy Chu Văn An. Những tư tưởng, bài học của thầy trải qua hơn 6 thế kỷ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, góp phần bồi đắp truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc cho các thế hệ học sinh”.

Bà Nguyễn Thị Thơ, Tổ trưởng Tổ Quản lý di tích Đền Chu Văn An cho biết: “Là di tích lịch sử văn hóa, hằng năm đền thờ Chu Văn An đón hàng trăm đoàn khách với hàng vạn lượt người đến tham quan. Nhiều trường học trong cả nước đã tổ chức các hoạt động dâng hương báo công, trao thưởng, trồng cây lưu niệm tại khuôn viên đền. Đền thờ đã trở thành nơi tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, lan tỏa tinh thần ham học hỏi theo tấm gương "người thầy của muôn đời" Chu Văn An”

Bài và ảnh: ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/noi-ton-vinh-truyen-thong-ton-su-trong-dao-644243