Nơi tôi đã qua, người tôi đã gặp

Tôi nhớ như in một ngày đẹp trời mùa đông năm Bính Tý (1996), anh Kim Quốc Hoa, nguyên Phó Tổng biên tập báo Lao động- Xã hội vào công tác Thanh Hóa, đã tìm tôi - một trong những đứa em, học trò của thầy Kim ở báo Chiến sĩ hậu cần.

Nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho nhà báo Việt Khoa.

Anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, anh hỏi: Vợ chồng cô chú về Thanh Hóa công việc có ổn không? Tôi trả lời khiêm tốn: Cũng tàm tạm anh ạ, “lính mới” về báo Đảng địa phương vừa học vừa làm dần cũng quen. Những ngày làm báo trong lính có chút kinh nghiệm hành nghề được anh và các bậc tiền bối văn chương kèm cặp giúp đỡ nên cũng rất tự tin khi tác nghiệp và viết lách (anh Hoa cười).

Sau phút hàn huyên chóng vánh, anh Hoa hạ giọng: Chú quay lại Thủ đô làm báo với bọn anh đi. Báo gì hả anh? Anh bảo, báo Lao động - Xã hội, cơ quan ngôn luận của Bộ LĐ-TB&XH mới được thành lập. Tôi lặng đi giây lát trong nghĩ suy, biết đâu đây lại là cơ duyên của những người lính về chung một mái nhà báo chí.

Đầu năm 1997 tôi về nhận công tác tại báo Lao động - Xã hội, tòa soạn bấy giờ đang tọa lạc tại số 02 phố Ngô Thì Nhậm. Hồi ấy, Thứ trưởng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Tố Tâm làm Tổng biên tập, anh Kim Quốc Hoa, Phó tổng biên tập phụ trách khu vực miền Bắc, anh Nguyễn Ngọc Niên, Phó tổng biên tập phụ trách cơ quan đại diện miền Nam tại TP.HCM. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên tòa soạn chiếm 3/4 là lính đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, họ sống giản dị, chân thành, yêu hết mình, làm việc hết mình đó là phẩm chất quý giá của các anh. Những nhà thơ: Trần Nhương, nhà báo Phi Văn Chiến, Nguyễn Trung Chính, Lê Quang, Minh Tạo, Hồng Hựu, Phùng Gia Cường... Hầu hết số đông anh chị em nhà văn, nhà báo mà tôi quen biết, thân tình hoặc đã cùng công tác với nhau thuở hàn vi họ đều là những tấm gương sáng trong học tập, công tác, sáng tác nghệ thuật với tinh thần đam mê, tận tụy, không màng danh vọng, tư lợi cá nhân, nay được trở về chung sống dưới “mái nhà” Lao động -Xã hội là hạnh phúc và lý tưởng rồi.

“Đã mang cái nghiệp vào thân”…

Những ai theo nghiệp văn chương, nghề viết lách nói gì đi nữa cũng sẽ tin vào số phận của bút nghiên. Những năm đầu khi mới thành lập báo, thị phần còn quá mỏng. Chi ủy, ban biên tập báo luôn coi phát hành báo chí, quảng bá tuyên truyền là hai nguồn thu chính, xương sống của tòa soạn. Nếu không thu được đồng nghĩa với việc người lao động không có lương, vì báo Lao động - Xã hội là đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải. Biết tôi có chút kinh nghiệm làm báo ở địa phương, lãnh đạo tòa soạn giao tôi phụ trách các tỉnh khu vực Bắc miền Trung (từ Ninh Bình đến Thừa Thiên -Huế).

Vạn sự khởi đầu nan, ngày đầu bỡ ngỡ, khó khăn chúng tôi nhận được tình cảm quý báu, sự giúp đỡ chí tình của Sở LĐ -TB&XH Thanh Hóa, trong đó những người tâm huyết phải cảm ơn nguyên giám đốc Sở, Phạm Trung Kiên, Bùi Sỹ Lợi và Chánh Văn phòng Sở Lê Văn Thụ đã tạo điều kiện cho văn phòng mượn lâu dài hai phòng nhà cấp 4 làm nơi tá túc giao dịch và làm việc. Nay anh Bùi Sỹ Lợi là Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Có dịp gặp nhau chúng tôi không thể không nhắc đến câu chuyện nghề báo một thời hàn vi đầy kỷ niệm đã đi qua nhưng để lại tình cảm khó phai mờ. Sau ngày khai trương văn phòng (26/3/1997) chúng tôi bắt tay vào công việc hoàn toàn mới mẻ. Anh Nguyễn Ngọc Niên, nguyên Tổng biên tập vào dự khai trương và chứng kiến buổi đầu lập nghiệp của những nhà báo Lao động- Xã hội trên quê hương xứ Thanh không một đồng vốn dắt lưng tôi cảm thấy hoang mang, thiếu tự tin bởi đang quen hưởng chế độ bao cấp làm báo Đảng địa phương, nay về báo Trung ương không được nguồn ngân sách cấp với tôi thật liều lĩnh. Rõ là “đã mang cái nghiệp vào thân… rồi”.

Chia tay về Hà Nội, anh Niên tâm sự với tôi như hai người lính: “Ông làm báo ở tỉnh có mối quan hệ, lại đã qua công tác chánh văn phòng báo chí, chả nhẽ không để lại trong ông một chút gì về kinh nghiệm khả năng quan hệ. Tôi tin ông sẽ xin được tỉnh cấp cho miếng đất xây trụ sở văn phòng hoạt động dài lâu. Ông biết đấy, văn phòng Đà Nẵng, Nha Trang đang phải thuê trụ sở làm việc, tốn kém tiền của, phải “an cư mới lạc nghiệp” ông ạ. Anh em mình có vất vả hôm nay thì nhiều năm sau thế hệ trẻ các nhà báo họ thừa hưởng thành quả chúng mình xây dựng, sẽ không bao giờ quên những người đã dày công xây móng đắp nền để một ngày mai tươi sáng”. Câu chuyện gợi ý động viên của anh Niên với tôi cũng là nhiệm vụ tòa soạn giao. Tôi hiểu nếu là người lãnh đạo không có tầm nhìn, không có cái tâm sáng, bút sắc, lòng trong thì sớm hay muộn theo đuổi sự nghiệp báo chí cũng không thành công.

Những năm đầu xây dựng văn phòng với tôi vừa gian khó vừa hấp dẫn và thú vị. Tôi thường bảo anh chị em văn phòng nếu ai chịu khó chịu khổ, biết vươn lên từ chính mình thì mới trụ lại báo Lao động - Xã hội. Nếu làm báo thương mại vụ lợi chụp giật, tìm mọi cách làm giàu cho bản thân thì sớm hay muộn cũng bị đào thải.

Nhà báo Việt Khoa thời trẻ.

Nhà báo Việt Khoa thời trẻ.

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”…

Gần 20 năm làm báo Lao động - Xã hội phụ trách các tỉnh dải đất Bắc miền Trung đậm đà chất dân ca ví dặm, điệu hò sông Mã và hò Huế man mác yêu thương dễ đi vào lòng người. Mãi đến dịp tròn 30 năm tuổi Đảng vinh dự được nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huy hiệu Đảng tôi mới thấm thía và tự hào chặng đường phấn đấu của mình.

Suốt gần 20 năm gắn bó với ngành LĐ- TB&XH đã cho tôi bài học bổ ích trong cuộc đời cầm bút với những vui, buồn. Hầu hết anh chị em phóng viên, nhân viên được tiếp nhận làm báo xây dựng văn phòng Bắc miền Trung báo Lao động - Xã hội đều trưởng thành nhanh chóng, trở thành những cán bộ Đảng viên, phóng viên có tâm, có tầm đóng góp ngày càng có hiệu quả cho báo. Kỷ niệm những chuyến đi tác nghiệp miền Trung còn đọng mãi trong tâm khảm người làm báo chúng tôi. Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh, Nghệ An một thời làm lay động phong trào thi đua của cả nước cũng nhờ một phần đóng góp tuyên truyền trên báo Lao động - Xã hội của anh chị em phóng viên văn phòng trong những năm đầu chuyển đổi cơ chế.

Chặng đường xây dựng, phát triển 25 năm qua của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên tòa soạn báo Lao động -Xã hội đầy khó khăn, thử thách nhưng rất đỗi tự hào về sự trưởng thành vượt bậc của họ, trong đó có sự đóng góp quan trọng của anh chị em phóng viên các văn phòng đại diện. Họ là những con ong chăm chỉ tận tụy tuyên truyền vận động bán từng tờ báo xuống xã, phường trong cả nước. Họ là những nhân tố quyết định về tài chính và sự thành công của tờ báo. Tôi nhớ mãi tâm sự của nguyên Tổng biên tập Lê Văn Minh dịp anh vào công tác Thanh Hóa đến thăm kiểm tra văn phòng. Anh bảo: Làm báo trước hết phải có cái tâm, phải trung thực, sáng tạo, thông minh, lăn lộn với cơ sở mới có bài báo hay để bạn đọc chấp nhận. Xét cho cùng “chữ tâm” của người làm báo là không thể thiếu được. Câu chuyện vô đề cứ miên man chảy mãi trong tôi với những nơi tôi đã qua, những người tôi đã gặp. Một cảm xúc lạ lâng lâng nhớ về một thời làm báo đã qua, tôi kịp nhận ra Hà Nội mùa thu đang về.

VIỆT KHOA

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/noi-toi-da-qua-nguoi-toi-da-gap-d79311.html