Nơi tình người neo đậu

Khi những cơn mưa bắt đầu dứt hạt, trời hửng nắng, chúng tôi nhanh chóng cơ động đến huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy hai địa phương của tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng nặng nề do trận lũ lịch sử vừa qua. Mỗi nơi chúng tôi qua là biển nước trắng trời, hàng ngàn ngôi nhà chìm sâu trong nước bạc.

Những ngày này, hàng ngàn chuyến xe cứu trợ đến với đồng bào ngập lụt khắp các địa phương tỉnh Quảng Bình, hàng trăm chuyến ca nô, tàu, thuyền huy động từ BĐBP Quảng Bình và nhân dân chuyển tiếp hàng cứu trợ về tận nơi đồng bào bị ngập lụt.

Ngôi nhà hai tầng tại thôn Tân Thành, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh của anh Nguyễn Văn Luận trở thành nơi ăn, ở của 5 hộ gia đình khác, với 25 người, trong đó có 10 trẻ em, cháu nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi trong suốt hơn một tuần qua.

Khi ca nô của chúng tôi tiến vào đầu ngõ, bà Phạm Thị Nghĩa lội nước ngang ngực ra gọi với: “Các chú Biên phòng lên phía nhà văn hóa thôn, có chính quyền tiếp nhận hàng hóa rồi phân phát lại cho chúng tôi. Ai cũng chịu đói, chịu rét, nhưng hàng cứu trợ thì phải công bằng”. Bà Nghĩa đưa tay chỉ qua ngôi nhà anh Nguyễn Văn Luận bảo: “Bên kia có trẻ con, nhiều gia đình ở đấy!”

Ca nô BĐBP vận chuyển hàng hàng cứu trợ đến với bà con vùng lũ Quảng Ninh và Lệ Thủy ngày 22-10. Ảnh: Đức Trí

Ca nô BĐBP vận chuyển hàng hàng cứu trợ đến với bà con vùng lũ Quảng Ninh và Lệ Thủy ngày 22-10. Ảnh: Đức Trí

Ông Trương Văn Thanh, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh thôn Tân Thành nói như đinh đóng cột: “Phải phát huy tình làng, nghĩa xóm. Chúng tôi cố gắng làm sao để bà con trong thôn biết dựa vào nhau, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, vượt qua lúc khó khăn này”.

Ông Võ Văn Thông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sơn Thủy lội nước ra cánh đồng nước trắng mênh mông chỉ cho tôi vị trí thôn Vinh Quang, “rốn lũ” của huyện Lệ Thủy ngậm ngùi: “Còn chi nữa mô, Vinh Quang như một ốc đảo bị cô lập giữa bốn bề biển nước. Chỉ có ca nô công suất lớn của BĐBP, Công an, Quân sự mới tiếp cận hỗ trợ cho bà con lương thực, thực phẩm, nước uống tạm cầm cự chờ nước rút. Đò nhỏ không thể vào đây được. Toàn thôn Vinh Quang hiện có gần 180 hộ dân, không một nhà nào là không bị ngập”.

Với phương châm đi tìm dân, đến với dân, giúp dân, chia sẻ khó khăn, hoạn nạn cùng dân… nên bên họ luôn có bóng dáng của người lính Biên phòng sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo với bất luận khó khăn nào.

BĐBP Quảng Bình giúp các trường học dọn vệ sinh sau mưa lũ. Ảnh: Đức Trí

Xã Sơn Thủy có 2.100 hộ dân, trong đó hơn 1.500 hộ nhà bị ngập hoàn toàn tập trung tại các thôn: Vinh Quang, Ngô Bắc, Mỹ Hòa, Ngô Xá, Lai Xá, Hoàng Đàm… “Nước ngập lên nóc, người dân chấp nhận bỏ của chạy lấy người.”- ông Võ Văn Thông cho biết.

Cụ Ngô Văn Cán ở thôn Ngô Bắc thẫn thờ nhận suất ăn do đoàn thiện nguyện từ thành phố Đồng Hới mang lên, kể rằng: “Hai vợ chồng với đứa cháu nội ngồi trên văng nhà, nhưng nước lên nhanh, sóng gió to quá nên phải gỡ ngói chui ra kêu cứu. Ca nô cứu hộ vớt hai bà cháu, còn bản thân ông lội vào bờ. Giờ ông thành người tay trắng. May mấy cô chú trên này cho áo quần mặc và tấm chăn để đắp. Hiện giờ ông vẫn đang còn lạc bà và đứa cháu”.

Anh Nguyễn Hữu Duật cũng xót xa: “Nhà tôi xây rất kiên cố, gia đình gồm 6 người. Nước lên nhanh, sóng đánh sập một phần tường nhà, thế là bỏ lại tất cả tài sản dắt nhau chạy lụt. Tài sản thiệt hại ước tính trên 300 triệu đồng”.

Trong khi đó, trước khi các đoàn cứu trợ tiếp cận thì người dân Lệ Thủy vẫn chia sẻ từng nắm cơm, chiếc bánh mì, phong lương khô, chai nước để cầm cự qua ngày. Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận được tình người nhân lên gấp bội lần như thế. Hình ảnh mệ (mẹ) Láng đội mưa, lội nước bạc, ôm theo một thùng cơm gửi vào vùng lũ lụt khiến ai cũng nao lòng.

Đến thời điểm này, người dân trên các địa bàn ngập lụt tỉnh Quảng Bình đã cộng đồng đoàn kết, bước đầu vượt qua trận lũ lịch sử.

Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ BĐBP Quảng Bình vừa khắc phục hậu quả mưa lũ vừa trao hàng trăm suất quà chia sẻ với bà con vùng lũ. Ảnh: Đức Trí

Theo quan sát của chúng tôi, bắt đầu từ sáng 19-10, tại khắp nơi trong thành phố Đồng Hới, địa phương ít bị ảnh hưởng do lũ lụt đã hình thành nên nhiều mô hình thiện nguyện khác nhau, đặc biệt là hàng trăm giáo viên, phụ huynh đã thức trắng đêm đi chợ, thổi lửa để kịp nấu hàng ngàn suất cơm để trao tận tay đồng bào vùng lũ.

Đến hôm nay, tại các điểm trung chuyển hàng cứu trợ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những phụ nữ người dân tộc Vân Kiều cùng các chị phụ nữ người Kinh ở bản Chuôn (xã Kim Thủy) đang nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho thuê xe đưa cơm về trao cho bà con vùng lũ. Hàng trăm suất cơm được các chị nâng niu che chắn mưa chuyển xuống đò… ánh mắt trìu mến nhìn theo những con đò khuất dần giữa nước bạc mênh mông.

Nghĩa đồng bào là vậy… Hơn bao giờ hết vượt trên đỉnh lũ, vượt trên mất mát, chỉ còn lại tình người neo đậu.

Đức Trí

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-tinh-nguoi-neo-dau-post434373.html