Nới tín dụng: Tránh hệ lụy tiêu cực

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ước tính đến hết tháng 7, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,8%). Đây là mức cao nhất trong khoảng 6 năm trở lại đây.

Tín dụng đang có mức tăng trưởng nhanh. Ảnh: H.P.

Mức tăng nhanh này đã khiến nhiều ngân hàng thương mại đề nghị nới room tăng trưởng tín dụng. Nhưng theo các chuyên gia, tín dụng chỉ nên tăng trưởng trong hạn mức đã đề ra, bởi tăng trưởng nóng có thể dẫn tới nhiều hệ lụy.

Ngân hàng sắp hết room

Những tháng qua, tín dụng cả nước đã có mức tăng nhanh và khá “nóng”, nên các chuyên gia đều nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung 18% là hoàn toàn khả thi; đặc biệt, với những chỉ đạo sát sao về tăng trưởng tín dụng, nới lỏng cung tiền nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, ngành ngân hàng có nhiều điều kiện và khả năng để nâng cao mức tăng trưởng này.

Báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của nhiều ngân hàng đã cho thấy mức tăng trưởng tín dụng rất cao, gần chạm trần hạn mức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra. Tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã kiến nghị với NHNN về việc nới room tăng trưởng tín dụng của Vietcombank bằng mức tăng trưởng chung của ngành. Theo đó, năm 2017, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng là 18%, với Vietcombank là 16%. Trong khi, theo báo cáo tài chính quý II, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã đạt gần 14%.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đã gần cạn room tín dụng của cả năm, khi 6 tháng đầu năm tín dụng đã tăng tới 15,7%, trong khi hạn mức cũng chỉ là 16%. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), dư nợ cho vay đã tăng từ hơn 112.500 tỷ đồng lên 125.700 tỷ đồng, tăng gần 12%. Nghĩa là, VPBank chỉ còn khoảng hơn 4% dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm theo quy định của NHNN. Không chỉ các ngân hàng nêu trên, nhiều ngân hàng từ nhỏ đến lớn đều đang cạn dần room tín dụng.

Điều này càng bức thiết hơn khi thông thường, những tháng cuối năm mới là cao điểm của mùa kinh doanh, DN sẽ có nhu cầu vốn nhiều hơn nên tín dụng càng có nhiều thuận lợi để tăng cao. Không những thế, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại cố gắng nỗ lực giảm lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho DN trong vay vốn cũng tạo điều kiện để dòng tiền chảy ra DN nhiều hơn. Thậm chí, mặc dù tín dụng đã tăng trưởng gần chạm room, nhưng lãnh đạo Vietcombank vẫn kiến nghị NHNN xem xét sớm phê duyệt cho vay vượt đối với một số khách hàng tốt, đang có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế.

Có lo ngại?

Trên thực tế, lâu nay, tín dụng tăng trưởng cao ở Việt Nam đã nhận được không ít lời cảnh báo từ các chuyên gia và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), mức tăng trưởng tín dụng 9% là tương đối cao; nhưng tăng trưởng tín dụng có nhiều kiểu, xảy ra nhiều nơi nên cần làm rõ cơ cấu tín dụng của nền kinh tế là bao nhiêu, liệu trong tăng trưởng tín dụng có bao nhiêu % ngân hàng đảo nợ. Vì thế, nói tăng trưởng “nóng” phải phụ thuộc vào con số thực chất, nếu đảo nợ tương đối thì số liệu có thể thấp hơn.

Tín hiệu đáng mừng cho nhận định này là thanh khoản hệ thống trong những tháng đầu năm khá dồi dào, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm thấp. Theo NHNN, tín dụng cho sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 80% tổng dư nợ, trong đó một số ngành kinh tế trọng điểm có mức tăng cao. Bên cạnh đó, NHNN cũng khẳng định sẽ liên tục chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro tín dụng, đảm bảo cân đối nguồn vốn trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, BOT… Do đó, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng trưởng chậm lại so với năm 2016. Vì thế, theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian qua là dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng hấp thụ của nền kinh tế và DN tốt, dòng tín dụng đã được nắn chỉnh là các lĩnh vực ưu tiên hơn.

Tuy nhiên, lo ngại về tín dụng tăng trưởng nóng của các chuyên gia hoàn toàn có cơ sở khi năng lực tài chính của các ngân hàng tại Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) vẫn ở mức thấp, khó đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel II. Vì thế, khi tín dụng tăng 18-20%, năm sau cao hơn năm trước, trong khi vốn chủ sở hữu không tương ứng sẽ khiến ngân hàng không đáp ứng được vốn đối ứng với rủi ro tín dụng mà cả rủi ro về huy động, rủi ro thị trường theo chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, mặc dù tăng trưởng tín dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng nhiều chuyên gia tỏ ra không đồng tình với việc đề ra hạn mức tăng trưởng tín dụng mà NHNN đang áp dụng. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, việc áp dụng này rõ ràng là mệnh lệnh hành chính, đâu đó có ngân hàng không dùng hết, nhưng có ngân hàng lại dùng quá, điều này đôi khi tạo ra cơ chế thiệt thòi cho một số ngân hàng. Vì thế, vị chuyên gia này kiến nghị các cơ quan nhà nước nên quản lý theo hệ số CAR, đúng theo thông lệ quốc tế, vì hệ số này sẽ giúp NHNN quản lý được cả tử số và mẫu số, tử số là quản lý vốn chủ sở tăng như thế nào, mẫu số là quản lý vốn đầu tư, tín dụng tăng như thế nào. Như thế, một mặt giúp ngành ngân hàng đáp ứng tốt theo Basel II, mặt khác quản lý được cả 2 vấn đề lớn, nếu chỉ quản lý mẫu số thì an toàn vốn của hệ thống ngân hàng có thể có rủi ro.

Có thể thấy, mặc dù cơ cấu tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng ổn định, bền vững, nhưng việc kiểm soát chất lượng tín dụng vẫn phải đảm bảo, bởi tín dụng tăng cao có thể đi kèm với nợ xấu tăng cao. Thực tế là 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng đã tăng lên mặc dù ngành ngân hàng liên tục đưa ra nhiều chỉ đạo về giải quyết nợ xấu. Do đó, tăng trưởng “nóng” đều dẫn đến hệ lụy tích cực và tiêu cực, vấn đề là quản lý như thế nào để mặt tích cực lấn át và tạo hiệu quả cho phát triển kinh tế nói chung.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/noi-tin-dung-tranh-he-luy-tieu-cuc.aspx