Nổi tiếng ở phim ảnh, tôi vẫn không rời bỏ kịch nói

Gương mặt điển trai, hiền lành, thư sinh, Quang Tuấn là diễn viên quen thuộc với khán giả truyền hình bởi các bộ phim như 'Khúc hát mặt trời', 'Thuyền giấy', 'Hoàng hôn ấm áp', 'Gia đình là số 1','Tiệm ăn dì ghẻ'... Không ngừng làm mới mình, vai diễn của Quang Tuấn ngày càng trở nên đa dạng, biến hóa, xứng danh với những giải thưởng cao quý mà anh gặt hái.

- Tính đến nay, Quang Tuấn đã vào nghề hơn 10 năm. Nhắc đến anh, khán giả thường nhớ ngay đến những vai nam chính hiền lành, nho nhã, tử tế trong phim truyền hình "Khúc hát mặt trời", "Âm tính", "Cải ơi", "Gia đình là số 1"... Nhưng các vai diễn gần đây của anh bắt đầu đa dạng hóa tính cách và rất thành công. Phải chăng, anh từng nghe khán giả kêu ca mình diễn một màu?

+ Tôi không mấy để ý việc dư luận nói gì về mình. Có thể ban đầu do gương mặt của tôi nhìn khá hiền lành nên thường được các đạo diễn giao cho những dạng vai chính diện là nhiều. Về sau thấy mình biến hóa tốt trong những pha nội tâm phức tạp nên tôi được các đạo diễn mạnh dạn giao vai phản diện, đa tính cách như trong phim "Trái đắng", "Thuyền giấy", "Tiệm ăn dì ghẻ". Điều này giúp bản thân tôi có thêm cơ hội được trải nghiệm và thể hiện. Là diễn viên chuyên nghiệp và mong muốn hoàn thiện mình, tôi không ngại khó, ngại khổ để thử thách, lột xác trong lối diễn.

Quá trình hơn 10 năm làm nghề để lại cho tôi rất nhiều bài học và trưởng thành. Nhìn lại hành trình đó, có thể nói tôi thấy mình rất may mắn vì được giao nhiều vai với các tính cách khác nhau. Nó giúp tôi chứng minh khả năng diễn xuất và tìm được nguồn cảm hứng mới mỗi khi phim bấm máy.

- Có phải nhờ vậy mà đạo diễn Lê Bình Giang yên tâm khi giao nhân vật thầy lang Huỳnh - kẻ sát nhân đáng sợ trong phim điện ảnh "Thất sơn tâm linh" cho anh dù với anh, đây là lần đầu chạm ngõ điện ảnh?

- Có phải nhờ vậy mà đạo diễn Lê Bình Giang yên tâm khi giao nhân vật thầy lang Huỳnh - kẻ sát nhân đáng sợ trong phim điện ảnh "Thất sơn tâm linh" cho anh dù với anh, đây là lần đầu chạm ngõ điện ảnh?

+ Trước giờ tôi không quan trọng về việc nhận phim truyền hình hay phim điện ảnh. Mình làm nghề thì dù vai diễn nào, thể loại phim nào, khi đã nhận lời thì tôi luôn cố gắng hết mình. Đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ. Vai phản diện ở phim "Thất sơn tâm linh" hoàn toàn khác với các vai phản diện trước đó mà tôi đã đóng.

Bộ phim dựa trên một vụ án có thật, từng gây chấn động dư luận nên bản thân tôi gặp không ít áp lực. Tôi phải nghiên cứu và trao đổi với đạo diễn khá nhiều về tâm lý nhân vật để làm sao lột tả được thầy lang Huỳnh khoác vẻ ngoài chân chất, giàu lòng thương người nhưng ẩn sâu bên trong hắn là một con quỷ dữ tàn độc. Vì niềm tin mù quáng mà hắn cướp đi sinh mạng của nhiều thiếu nữ.

Bây giờ, bản thân tôi cảm thấy hài lòng với những gì mình làm được bởi tôi đã cống hiến hết mình. Đương nhiên, nếu cho phép tôi làm lại thì tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn vì tính tôi hay soi xét, kỹ lưỡng và khá cầu toàn.

- Đến thời điểm này, anh là nam diễn viên duy nhất hai lần chạm tay vào giải Cánh Diều Vàng ở hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình" (vai Bình, phim "Thuyền giấy" năm 2013 và vai Quân, phim "Khúc hát mặt trời", năm 2016). Năm 2019, anh còn là một trong những giám khảo trẻ nhất tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39. Một diễn viên sớm gặt hái nhiều thành tích như anh quả là đáng nể. Anh có bí quyết gì chăng?

+ Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, nếu con thuyền mà đứng yên thì nước sẽ cuốn trôi về phía hạ nguồn. Tôi coi giải thưởng là mốc son trong quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của mình. Tôi không có bí quyết gì to tát cả. Mình cứ hết lòng cống hiến, nghiêm túc với nghề, cầu thị học hỏi với từng người mình gặp thì quả ngọt sẽ đến. Tôi cũng không bon chen, ganh đua để được cái này cái nọ. Mọi thứ cứ để nó bình thản đến với mình. Dù không coi giải thưởng là áp lực nhưng vì nó mà các cô chú, đàn anh đàn chị ưu ái mình hơn nên tôi phải luôn cố gắng hoàn thành vai diễn tốt nhất có thể để không phụ sự mong mỏi của mọi người.

- Trong gia tài phim ảnh, anh thích nhất vai diễn nào?

+ Bộ phim nào tôi cũng có những kỷ niệm khó quên. Nhưng nhân vật Tuấn trong "Mùa thu đi một nửa" là vai tôi nhớ nhất vì dạng tính cách khác biệt. Tuấn khá bốc đồng, nghèo nhưng sĩ diện, hậu đậu trong tất cả các công việc. Vì muốn thoát khỏi cái nghèo, cái khổ, Tuấn đã sa ngã, chạy theo mối tình vô vọng mà suýt mất đi người vợ rất mực yêu thương chồng.

- Được biết, lúc đầu anh không chọn con đường nghệ thuật mà tính đi theo nghiệp kinh doanh. Cơ duyên nào đưa đẩy để khán giả có một Quang Tuấn với diễn xuất đầy chân thực như hôm nay?

+ Lúc đầu tôi theo học Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại. Đang học dang dở thì bạn rủ thử sức với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh vì thấy tôi có chút năng khiếu. May mắn là tôi thi đậu. Nhưng lúc đó còn trẻ, bồng bột, lại lần đầu được lên thành phố lớn nên tôi ham chơi lắm.

Thời sinh viên suốt ngày chơi bời, bỏ bê bài vở khiến việc học hành sa sút. Ba mẹ biết chuyện, gọi điện lên la rầy quá trời. Dần dần những lời khuyên của thầy cô, bạn bè giúp mình nhận ra tương lai còn rất dài. Nền tảng tri thức là thứ quan trọng nhất để bước vào đời chứ không phải những thú vui ngoài kia. Thế rồi tôi dần thay đổi thói quen cá nhân, tập trung việc học cao độ hơn. Từ đó một số thầy cô, đạo diễn nhìn thấy năng lực diễn xuất và trao cho Tuấn cơ hội đóng phim, diễn kịch.

Quang Tuấn hóa thân thành thầy lang Huỳnh tàn ác trong phim điện ảnh "Thất sơn tâm linh".

- Rất nhiều diễn viên trẻ khi đã nổi tiếng với phim ảnh thì dần xa rời sân khấu kịch vì họ quá bận rộn còn catse kịch quá thấp dù rằng kịch nói chính là cái nôi để họ bước vào nghề, giúp họ thành danh. Bởi vậy, sân khấu bây giờ luôn vào tình trạng thiếu trước hụt sau do thiếu diễn viên. Có lẽ Quang Tuấn là trường hợp hiếm hoi khi anh vẫn xuất hiện thường xuyên trên sân khấu kịch Thế Giới Trẻ .

+ Tôi tham gia đóng kịch trước khi đến với phim ảnh. Đối với tôi, sân khấu chính là nơi để làm nghề và học nghề rất tuyệt vời. Nên dù lịch quay phim có chiếm nhiều thời gian thế nào thì tôi vẫn luôn dành thời gian diễn ở sân khấu. Cũng nhờ những gì học được ở sân khấu kịch mà tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm khi đến với phim truyền hình, điện ảnh.

Cá nhân tôi nhận thấy sân khấu kịch và phim hỗ trợ qua lại cho tôi rất nhiều trong sự nghiệp diễn xuất: như cách nắm bắt tâm lý nhân vật nhanh hơn, ứng biến với các tình huống linh động hơn cũng như cách thể hiện nhân vật chân thật và đời hơn. Dù từng được Huy chương vàng ở vai diễn Hai Đời trong vở "Đời như ý" tại Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 nhưng tôi nghĩ mình cần cố gắng hơn nữa trong tương lai. Sau phim "Thất sơn tâm linh", khá nhiều dự án điện ảnh gửi lời mời.

Sắp tới tôi còn tham gia một phim hình sự và một dự án phim hành động nữa nhưng lịch diễn ở sân khấu hàng tuần vẫn không thay đổi.

- Anh là nghệ sĩ khá kín tiếng, ít chia sẻ chuyện cá nhân, gia đình với truyền thông hay trên mạng xã hội? Anh lo sợ điều gì chăng?

+ Bản thân tôi chỉ muốn khán giả nhớ đến mình nhiều hơn qua những vai diễn. Còn chuyện cá nhân hay gia đình thì chỉ là chuyện ngoài lề. Tôi không thích những scandal từ trên trời rơi xuống, săm soi vào đời tư của mình. Điều đó không hay ho gì. Thỉnh thoảng có sự kiện gì quan trọng, là bước ngoặt ý nghĩa của đời mình thì tôi sẽ chủ động chia sẻ với khán giả.

Chẳng hạn như việc tôi chuẩn bị đón đứa con đầu lòng cùng bà xã Linh Phi. Nói chung tôi vẫn luôn giữ riêng quan điểm của mình là không dùng đời sống cá nhân để thu hút sự quan tâm của khán giả. Tôi nghĩ nghệ sĩ trẻ cần tiếp cận mạng xã hội có chọn lọc, nếu không đây sẽ là con dao hai lưỡi giết chết tương lai người trẻ. Hãy xem mạng xã hội là công cụ chứ không phải là thứ thiết yếu trong đời sống con người.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Phan Thi Uyên (thực hiện)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/noi-tieng-o-phim-anh-toi-van-khong-roi-bo-kich-noi-581461/