Nơi thờ tự lính trấn giữ đồn biển năm 1859

Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch vừa qua, làng chài Nam Ô, ở thành phố Đà Nẵng đã tổ chức giỗ và tưởng nhớ những nghĩa sĩ của triều đình nhà Nguyễn đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống lại quân Pháp năm 1859. Bàn thờ đặt phẩm vật là đĩa thịt lợn, bánh gạo, lóng mía đỏ và chậu đựng cháo. Trên bàn thờ là cặp Bạch long thần mã.

Ông Huỳnh Văn Thắng, Trưởng ban nghi lễ làng chài Nam Ô bên di tích Huyền Trân công chúa ở làng Nam Ô. Ảnh: Lê Văn Chương

Ông Huỳnh Văn Thắng, Trưởng ban nghi lễ làng chài Nam Ô bên di tích Huyền Trân công chúa ở làng Nam Ô. Ảnh: Lê Văn Chương

Ngay trước cảng Tiên Sa, Thành phố Đà Nẵng vẫn còn lưu dấu nghĩa trang chôn lính Pháp và Tây Ban Nha (nghĩa trang Y Pha Nho). Còn phía bên kia chân núi, dưới chân đèo Hải Vân là vô số ngôi mộ những người lính triều đình nhà Nguyễn trấn thủ cửa biển đã anh dũng hy sinh trong khoảng thời gian cách đây 160 năm (nghĩa trang Nam Ô). Một bên là những tên lính xâm lược và một bên là những người anh hùng vị quốc vong thân. Hai khu mộ này ra đời cùng một thời điểm. Thời gian trôi qua, những mộ chí đều rêu xanh cỏ úa và tên tuổi đang dần phai mờ trên bia mộ.

Phần lớn mộ ở Nam Ô đều là mộ vô danh, thành mộ ngả màu sạm đen, cỏ cây mọc um tùm, khung cảnh hoang tàn. Trước khi Đồn Biên phòng Nam Ô dời đi để nhường đất cho dự án xây dựng resort của Tập đoàn Trung Thủy, vị trí của đồn và khu nghĩa trang này nằm gần nhau.

Ông Huỳnh Văn Thắng, Trưởng ban nghi lễ làng chài Nam Ô đưa tôi đến thăm khu nghĩa trang, giữa trưa hè nắng cháy. Nhưng cái “nóng” và “tỏa nhiệt hầm hập” thực sự đối với những người gắn bó và yêu mảnh đất nơi đây là dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô (Lancaster Nam O Resort) của Tập đoàn Trung Thủy đã rào bờ biển và hàng loạt công trình di sản trăm năm của làng như lăng thờ thần Nam Hải đại tướng quân, miếu Âm linh, miếu Bà Liễu Hạnh....

Trong suốt thời gian đưa tôi đi thăm những công trình đền thờ, nghĩa trang của các nghĩa sĩ ở làng chài, giọng ông Thắng chùng xuống như nỗi buồn tột cùng trước chuyện mộ phần làng chài sắp thành resort, linh hồn của làng sắp mất đi, bao nhiêu nghĩa sĩ là tiên tổ, cha ông sẽ bị lãng quên. Câu cuối cùng ông gửi gắm là “đừng để những ngôi mộ nghĩa sĩ anh hùng bị lãng quên”.

Ngày 25-4 (10-3 âm lịch) vừa qua, các bô lão ở làng Nam Ô tổ chức giỗ các nghĩa sĩ triều đình nhà Nguyễn đã anh dũng hy sinh. Phẩm vật đặt trên bàn thờ cúng các nghĩa sĩ là đĩa thịt heo, dưa hấu, bánh gạo và có cả những lóng mía đỏ. Cháo cúng được đựng trong một chậu kèm theo 10 cái thìa. Nhìn phẩm vật này, tôi lại cảm thấy xót lòng và liên tưởng đến những người lính vẫn quây quần bên nhau trong bữa ăn cuối cùng trên chiến hào năm xưa.

Nghĩa trang Y Pha Nho khắc tên Phó đô đốc Pháp Rigault de Genouilly, Tổng chỉ huy cuộc hành quân. Theo sử sách ghi lại, mờ sáng ngày 18-11-1859, viên tướng này đã cho quân tấn công Đồn Chơn Sáng, nằm ở phía Nam Ô. Trận này, tiền đồn của triều đình nhà Nguyễn thất thủ, phía quân Pháp cũng bị tổn thất nặng. Nhưng ít lâu sau, quân nhà Nguyễn đã đánh úp và lấy lại đồn mà Pháp đặt là Isabella.

Thỉnh thoảng vẫn có khách du lịch đến tham quan nghĩa trang Y Pha Nho vì tò mò xen lẫn chút thương cảm. Tội đồ xâm lược là của triều đình Napoleon 3, Nam tước Brenien và những viên chỉ huy cao cấp. Còn những người lính Pháp và Tây Ban Nha thì bao giờ cũng vậy, ra đi bỏ gia đình, xa Tổ quốc và chắc không ai muốn dấn thân vào cuộc chiến phi nghĩa ở một xứ sở xa xôi.

Bây giờ, nghĩa trang của những người lính Triều đình nhà Nguyễn ở Nam Ô vẫn được cả làng tưởng nhớ và hương khói. Nhưng, toàn bộ mộ chí đã xuống cấp, nhà dân xây dựng trong khu mộ, hình ảnh này không xứng tầm với sự tri ân của các thế hệ con cháu đối với những nghĩa sĩ đã anh dũng hy sinh.

Theo ông Huỳnh Văn Thắng, nơi này chôn lính triều đình, dân binh và cả những ngư dân bỏ mình trên biển không rõ tông tích, nên bài văn tế của làng đã nhắc đầy đủ thân phận của họ: “Có người xuất tự nho lưu... hoặc vui thú dòng khơi biển thẳm... có kẻ anh hùng hào kiệt, hết lòng trung mã, tá quốc an bang”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-tho-tu-linh-tran-giu-don-bien-nam-1859/