Nói thì dễ, thay đổi thói quen không dễ

Chúng ta hồn nhiên gói bánh mỳ, gói xôi bằng báo in; hồn nhiên đổ muối lên giấy in để chấm trái cây mà không biết chúng độc hại thế nào; hồn nhiên xài vô tội vạ hộp xốp đựng cơm, những thứ phải tốn đến khoảng trên 50 năm để có thể phân hủy.

Ảnh: Lekima Hùng.

Quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đừng chỉ quan tâm đến nguồn gốc của thực phẩm mà còn phải quan tâm tới những chất liệu đựng thức ăn và quan tâm tới môi trường nữa.

Hai con có kể cho tôi nghe, hôm rồi tụi lớp con liên hoan với mấy đứa bạn vừa đi du học về. Tụi con đi ăn hàng, thế mà các bạn ấy bị đau bụng và bị “Tào Tháo rượt”. Con cười bảo: “Tụi mày ra nước ngoài thành ‘xấu bụng’. Tụi tao ở nhà nên ‘tốt bụng’ lắm".

Các bạn con ngạc nhiên bảo, cùng ăn một món không tốt cho sức khỏe mà tao đào thải ra còn mày thì hấp thụ vào, đứa nào sẽ khỏe hơn đứa nào? Hệ tiêu hóa của mày quen cả việc hấp thụ những chất không tốt cho sức khỏe, thì đâu có gì hay.

Dạo này, sau khi choáng với tỷ lệ tử vong do ung thư, nhiều mẹ tự trồng rau, tự nuôi heo gà, trở về thời kỳ tự cung tự cấp như hàng trăm năm trước. Nhưng sau khi tìm được con heo sạch, tự mổ, tự chia, thì nhiều mẹ lại không ngần ngại bỏ thịt vào những bao ni lông xanh đỏ, cất vào ngăn đá để dành. Chính những chiếc túi ni lông chất lượng kém chứa những chất hóa học độc hại sẽ thâm nhập vào miếng thịt, rất nguy hiểm.

Chuyên gia sơ cấp cứu người Úc, Tony Coffey, trong một lần nói chuyện với tôi cũng bảo: “Các bạn chủ quan quá. Đa số các trường hợp cháy là do tính vô lo. Đa số tai nạn giao thông cũng vì tốc độ, chất cồn và nhắn tin khi lái xe. Việt Nam bị ô nhiễm môi trường do các bạn nhầm tưởng hậu quả còn xa lắm. Các bạn chọn những thói quen thoạt đầu thì tiện lợi, nhưng thực ra đang tàn phá sức khỏe và môi trường một cách thầm lặng”.

Hôm nọ tôi tới thăm nhà một người bạn, bác ấy tự hào khoe chiếc sập gụ dài 2m dày 20 phân bằng gỗ tự nhiên nguyên khối, hai cặp lộc bình cao 1,5m cũng tạc từ gỗ nguyên khối. Không biết bao nhiêu cánh rừng đã đổ xuống để có một món đồ như thế?

Ngay chiều hôm đó, tôi gặp một người bạn khác làm ở Tetra Pak, ông khoe rằng bao bì của ông là duy nhất tại Việt Nam có chứng chỉ FSC, nghĩa là được làm từ giấy nguyên liệu của nguồn rừng tái sinh - loại rừng được quản lý nghiêm ngặt việc trồng và khai thác để luôn giữ được cân bằng sinh thái. Ông kiêu hãnh vì được in ký hiệu FSC lên bao bì, kiêu hãnh vì tất cả mọi loại vỏ hộp của công ty ông đều dễ dàng tái chế được, kiêu hãnh vì bao bì của Tetra Pak có tới 6 lớp áo giáp để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của sữa và các loại thực phẩm.

Thay đổi suy nghĩ về vấn đề bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen chẳng phải chuyện dễ, ngày một ngày hai. Nhưng thực ra tụi trẻ con rất có ý thức. Hai con tôi đi chơi vẫn cầm mảnh rác ở tay tới ướt nhẹp mồ hôi mà không vứt ra đường. Đi đâu cũng lủng lẳng chai nước, thậm chí hai bé vào tiệm và đưa cho nhân viên, yêu cầu pha chế vào đấy, hạn chế dùng ly nhựa. Cầm những bản in màu trên giấy cứng cán ni lông, tụi nó đã suy nghĩ về việc sau khi chúng ta đọc xong nó sẽ đi đâu, cần mấy mươi năm để tiêu hủy nếu không được tái chế?

Dạo này các con còn không muốn sử dụng ống hút nhựa (theo xu hướng #NoStrawChallenge). Nhiều hàng quán cũng đã bắt đầu xài ống hút tre, dễ thương lắm. Thế cũng mừng. Trẻ con đã bắt đầu như thế đó, không lẽ người lớn không thể thay đổi hay sao?

Thu Hà

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279280/noi-thi-de-thay-doi-thoi-quen-khong-de.html